UNESCO đồng thuận với định hướng bảo tồn, phát triển di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
VHO - Ngày 24.7.2024 tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), vào 10 giờ 30 phút giờ địa phương (tức 12 giờ Hà Nội), tại Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã gõ búa thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Theo kế hoạch ban đầu, hồ sơ dự kiến được xem xét thông qua vào sáng ngày 25.7.2024, tuy nhiên, theo đề nghị của Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Di sản thế giới và các thành viên của Uỷ ban đã đồng thuận đẩy xem xét hồ sơ sớm một ngày.
Theo đó, Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện toàn bộ các cam kết của Chính phủ Việt Nam từ khi di sản được ghi danh năm 2010 đến nay. Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra việc khơi thông Trục Hoàng Đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hồ sơ “ưu tiên của mọi ưu tiên”; nhấn mạnh các thành viên Uỷ ban Di sản thế giới đánh giá cao tinh thần cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác, đồng hành với Trung tâm Di sản thế giới, ICOMOS để hiện thực hoá nguyện vọng của dân tộc trên cơ sở bảo đảm đúng các quy định của Công ước Di sản thế giới, tuân thủ cam kết của Việt Nam, phát huy hơn nữa giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, việc hồ sơ được thông qua như một nén tâm nhang để thành kính dâng lên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Người luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hoàng Thành Thăng Long - biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, trung tâm quyền lực chính trị liên tục trong 13 thế kỷ của Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thị Thu Hà cho biết, kết quả đạt được tại Kỳ họp lần này đánh dấu sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL và của các nhà khoa học trong, ngoài nước với TP. Hà Nội trong quá trình xây dựng, đệ trình và vận động cho Hồ sơ khoa học, cũng như sự tư vấn tận tình của các cơ quan chuyên môn của UNESCO là Trung tâm Di sản thế giới và ICOMOS.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo khẳng định, hồ sơ có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Việt Nam mà còn với thế giới, gắn với những vấn đề mới liên quan tiến trình phát triển của di sản; coi đây là hình mẫu hợp tác giữa quốc gia thành viên với UNESCO và cơ quan tư vấn và cũng là điển hình của việc bảo tồn di sản thế giới.
Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban Di sản Thế giới, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Hà Kim Ngọc đã có cuộc tiếp xúc, làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Chủ tịch Uỷ ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma; chủ trì cuộc làm việc với Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế ICOMOS Teresa Patricio và Tổng Giám đốc ICOMOS Marie-Laure Lavenir, Trưởng đoàn các nước.
Trong các cuộc làm việc, tiếp xúc, Lãnh đạo UNESCO, ICOMOS và Trưởng đoàn của các quốc gia gửi lời chia buồn sâu sắc tới Lãnh đạo, nhân dân Việt Nam và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước mất mát lớn lao này.
Các đối tác đều đánh giá cao hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với UNESCO và các quốc gia thành viên, cũng như đóng góp quan trọng, hiệu quả của Việt Nam trong công việc chung của Tổ chức, với tư cách là thành viên của 6 cơ chế điều hành then chốt của Tổ chức; nhấn mạnh Việt Nam là mẫu mực, điển hình cho hợp tác giữa quốc gia thành viên với cơ quan tư vấn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững; mong Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà đánh giá cao và cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của ICOMOS trong quá trình xây dựng Hồ sơ bảo tồn Di sản Hoàng Thành Thăng Long; nhấn mạnh ý nghĩa của đối thoại xây dựng và tin cậy lẫn nhau, mong tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ICOMOS trong phát huy giá trị di sản thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh đề cao ý nghĩa về văn hoá, lịch sử, tâm linh đặc biệt của Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, bày tỏ vui mừng được đón chuyên gia ICOMOS vào Việt Nam thẩm định Hồ sơ đề cử.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam cùng chia sẻ mong muốn của hai địa phương Quảng Ninh – Hải Phòng bổ sung tiêu chí về văn hoá cho di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, đề nghị ICOMOS tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam. Lãnh đạo UNESCO và ICOMOS cam kết hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản mà Việt Nam đề nghị.
Kỳ họp 46 Uỷ ban Di sản thế giới sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 31.7.2024 để xem xét 27 hồ sơ ghi danh di sản mới và 124 hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị di sản.