Phát huy vai trò và giá trị Văn miếu Sơn Tây trong văn hoá xứ Đoài
VHO - Văn Miếu Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) toạ lạc trên quả đồi thấp, có địa thế phong thuỷ quay nhìn hướng Nam; với nhiều hạng mục kiến trúc đồ sộ như hồ sen hình bán nguyệt, xây kè bằng đá, tiền môn tứ trụ trên có đắp phượng… Cùng với việc thờ Khổng Tử và các học trò, Văn miếu Sơn Tây còn là nơi tôn vinh những người đỗ đạt nổi danh khoa giáp của Sơn Tây.
Ngày 24.7, UBND thị xã Sơn Tây phối hợp với Viện Khoa học xã hội và đổi mới sáng tạo tổ chức Hội thảo Các nhà khoa bảng Sơn Tây và Văn Miếu Sơn Tây với sự tham dự của các nhà nghiên cứu văn hoá, nhà khoa học đến từ Viện Hán Nôm, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Khoa học xã hội và đổi mới sáng tạo…; đại diện lãnh đạo thị xã, các cơ quan, trường học trên địa bàn thị xã.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học khẳng định Sơn Tây- xứ Đoài xưa nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là vùng đất văn vật, có truyền thống khoa bảng và hiếu học. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều danh sĩ hiền tài, nhiều người đỗ đạt cao trong kỳ thi. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, xứ Đoài đã cung cấp hàng trăm nhà khoa bảng nổi danh, trong đó nhiều người được ghi tên trên các bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Văn nghệ dân gian Hà Nội) cho biết, thống kê từ sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, trong hơn 850 năm của nền giáo dục và khoa cử nho học, tỉnh Sơn Tây có 68 người đỗ đại khoa. Vị tiến sĩ “khai khoa” của tỉnh Sơn Tây là Hoàng giáp Trần Văn Huy, người làng Thái Bạt, huyện Ba Vì, đỗ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo (năm 1442). Người đỗ cuối cùng là Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân (làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất), đỗ khoa Tân Sửu niên hiệu Thành Thái (năm 1901). Trong 68 vị đại khoa, chỉ có 1 người thuộc hàng “Tam khôi” là Thám hoa Giang Văn Minh (làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây).
Các tiến sĩ người Sơn Tây đã đảm nhận các chức vị khác nhau trong bộ máy hành chính các cấp, trong đó có 4 người làm tể tướng và phó tể tướng, 12 người làm thượng thư. Một số người nổi tiếng trên diện trường chính trị, với các hoạt động ngoại giao (đi sứ), hoặc văn hoá – giáo dục như Giang Văn Minh, Trần Văn Huy, Trần Cận, Phùng Khắc Khoan, Lê Anh Tuấn, Phan Huy Ích…
“Các vị đỗ đạt đã đem kiến thức cùng khát vọng, lý tưởng “Lập thân, lập ngôn, thành danh, lập đức" để tham gia “trị quốc, bình thiên hạ”, đóng góp vào phụng sự triều chính, xây dựng đất nước. Nhiều người đã nổi tiếng trên các mặt, được sử sách ghi nhận, nhân dân ghi công. Nhiều gia đình, dòng họ, làng xã có truyền thống học hành thành đạt, tạo nên các gia đình, dòng họ, làng khoa bảng. Các vị khoa bảng, các gia đình, dòng họ, làng khoa bảng đó là những ngôi sao sáng trên bầu trời giáo dục Việt Nam thời phong kiến”, PGS Bùi Xuân Đính nhận định.
Văn miếu Sơn Tây nằm trong hệ thống 28 văn miếu cấp tỉnh của cả nước như Văn miếu Mao Điền (Hải Dương), Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai)… Theo sử sách, Văn miếu Sơn Tây được xây dựng vào năm 1891, bao gồm các đơn vị hành chính là các huyện ngày nay là thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất và Quốc Oai.
Văn miếu Sơn Tây toạ lạc trên khu đồi thấp hình chữ nhật, có tường bao quanh bằng đá ong với kiến trúc độc đáo gồm hồ sen hình bán nguyệt, có 4 trụ cột hình vuông, phía trên có đắp hình cánh phượng của tiền môn, có 9 bậc đá cẩm thạch. Diện mạo kiến trúc được lưu lại trong một tấm ảnh chụp đầu thế kỷ XX gồm cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống xếp đặt theo quy tắc tả chung, hữu cổ, được dựng hình bát giác 2 tầng mái, tầng dưới 8 tầng mái, trên 4 mái.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, Văn miếu Sơn Tây hiện nay có nhiều hạng mục đã xuống cấp, ngoài 9 tấm bia và 2 chiếc khánh, nhiều di vật thể khác chỉ còn lại trong ký ức. Vì vậy cần kịp thời tu bổ, tôn tạo, khôi phục như tấm bia Văn Thánh; đồng thời học tập Văn miếu Mao Điền, Đồng Nai phối thờ các vị danh nhân của cả nước như Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Nói về quá trình lịch sử của Văn miếu Sơn Tây, ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho hay, theo các nguồn tư liệu để lại, Văn miếu Sơn Tây bị phá huỷ hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954). Sau thời kỳ hòa bình lập lại, miền Bắc bước vào thời kỳ phục hồi, xây dựng lại nền kinh tế xã giai đoạn 1969-1973 tại mặt bằng của khu di tích, chính quyền đã sử dụng mặt bằng này để xây dựng một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc do Bungary giúp đỡ với dãy các nhà xưởng, kho và tòa nhà 7 tầng.
Ngoài ra, nơi đây còn là địa điểm đóng trụ sở của một cơ quan khảo sát địa chất số 74 thuộc Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ Công nghiệp). Sau một thời gian sản xuất không hiệu quả, nhà máy cũng dần thu hẹp sản xuất và đóng cửa, cơ quan địa chất cũng di chuyển về nơi khác.
Khuôn viên di tích không còn vuông vắn như trước nữa. Trong khu di tích bị hoang phế này, các nhà khảo cổ học chỉ tìm thấy một số mảnh bia và chân đá cũ bị vỡ. Phía mặt sau di tích là Quốc lộ 32 với những ngôi nhà của nhân dân mới dần mọc lên theo thời gian, lấn chiếm lối đi. Các hiện vật, đồ thờ, văn bia, tư liệu bằng các loại chất liệu khác nhau bị thất lạc, mai một và cũng không còn tìm thấy ở di tích nữa.
Trao đổi về các giải pháp phát huy giá trị của di tích Văn miếu Sơn Tây, Phó Trưởng phòng Văn hóa thị xã Sơn Tây Nguyễn Trọng An mong muốn thời gian tới, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích cần được các cấp quan tâm hơn nữa. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các thế hệ trẻ, thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Văn miếu Sơn Tây, từ đó phát huy tốt nhất giá trị của di tích.
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử nêu những ý kiến về: Bảo tồn, phát huy giá trị Văn Miếu Sơn Tây trong xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa; khai thác, phát huy giá trị Văn Miếu Sơn Tây với vị thế là một điểm đến của du lịch học đường; tăng cường quảng bá về di tích Văn Miếu Sơn Tây; cần phục dựng văn bia tại Văn Miếu Sơn Tây…
Theo ông Lê Đại Thăng, Văn miếu Sơn Tây đã được công nhận di tích vào năm 2007. Trải qua một số lần phục dựng, trùng tu nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân cũng như phát huy giá trị của di tích.
Về định hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết thị xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, vị thế các nhà khoa bảng của Văn miếu Sơn Tây; hoàn thành khôi phục dữ liệu cơ sở Văn Miếu, đây cũng là nội dung mà lãnh đạo thị xã, các nhà nghiên cứu rất quan tâm; tiếp tục khai thác, phát huy giá trị di tích Văn miếu trong nền văn hoá xứ Đoài như: Tổ chức các hoạt động khoa học, văn hoá, các sự kiện ý nghĩa, ứng dụng công nghệ 3D, Mapping, thực cảnh kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình... tại di tích; gắn kết di tích Văn Miếu với các di tích lớn khác trên địa bàn thị xã: Làng cổ, Thành Cổ, đền Và, đền vua Phùng Hưng, lăng vua Ngô Quyền..., xây dựng các tour, tuyến du lịch phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước.