Lấp “khoảng trống” kiến thức về Hà Nội học
VHO - Ngày 22.7, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức khai giảng Chương trình bồi dưỡng kiến thức về Hà Nội học tại ba địa điểm trên địa bàn thành phố.
Đây là chương trình đào tạo quy mô lớn, nhằm trang bị những kiến thức Hà Nội học chuyên sâu cho các đối tượng là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. 6200 học viên đã, đang và sẽ tham gia các đợt tập huấn kiến thức Hà Nội học do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức từ đầu tháng 7 đến tháng 10.2024.
Các lớp học vừa khai mạc diễn ra tại ba địa điểm: Cơ sở 1 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Cơ sở 4 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (huyện Thường Tín) và Phòng GD & ĐT huyện Ứng Hòa; thu hút đông đảo các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên phổ thông, sinh viên các ngành sư phạm đang học tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tham gia.
Chương trình thuộc Đề án "Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Đề án 1209).
Các đối tượng được tham gia bồi dưỡng gồm: Cán bộ quản lý, Giáo viên phổ thông (giáo viên đại trà và giáo viên giảng dạy nội dung giáo dục địa phương thành phố Hà Nội ở cả 3 cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông), Sinh viên các ngành sư phạm đang học tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Giáo dục công dân).
Phát biểu khai mạc chương trình tại địa điểm Phòng GD & ĐT huyện Ứng Hòa, TS. Trịnh Ngọc Ánh, Phó Trưởng Khoa Văn hóa Du lịch (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) cho biết, thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Quyết định của UBND TP. Hà Nội phê duyệt Đề án 1209, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội phối hợp cùng với Sở GD &ĐT Hà Nội triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng Hà Nội học.
Các lớp bồi dưỡng nhằm trang bị thêm những kiến thức về Hà Nội trên các lĩnh vực: địa lý, dân cư, tính cách người Hà Nội; lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất ngàn năm văn hiến; các giá trị văn hóa của Hà Nội, quy hoạch phát triển TP. Hà Nội,...
“Nội dung bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học sẽ bám sát vào môn học Giáo dục địa phương TP. Hà Nội với khối lượng kiến thức tổng hợp và chuyên sâu để giáo viên gia tăng thêm nội dung giảng dạy môn học này ở các cấp học…”, TS. Trịnh Ngọc Ánh cho biết.
Những năm qua, với nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã dần khẳng định được vị thế về công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học, giúp đội ngũ giáo viên vững vàng về kiến thức để giảng dạy môn Giáo dục địa phương Hà Nội ở các cấp học trên địa bàn thành phố.
Học viên hoàn thành khoá học bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học sẽ được Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội cấp giấy chứng nhận. Đây là cơ sở để các trường phổ thông phân công giáo viên giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương của TP. Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa (TP. Hà Nội) chia sẻ, bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên THCS trên địa bàn TP. Hà Nội là một chủ trương đúng đắn nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thủ đô, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chuyên môn cao, có đủ kiến thức và tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ học sinh tương lai về lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội.
“Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Hà Nội vẫn luôn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, là niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô và cả nước.
Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập và phát triển hiện nay, việc giáo dục học sinh về lịch sử, văn hóa, truyền thống của Hà Nội đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức”, ông Nguyễn Đức Thắng bày tỏ.
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trong bối cảnh này, việc bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho nhiều đối tượng, trong đó có các giáo viên phổ thông là rất cần thiết và cấp bách. Mỗi giáo viên sau lớp học sẽ trở thành “người truyền lửa” về Hà Nội học, góp phần giáo dục cho thế hệ học sinh Thủ đô niềm tự hào và trân trọng những giá trị truyền thống.
Chương trình bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học được tổ chức từ tháng 7-10.2024, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các học viên cũng sẽ tham gia học thực tế tại các di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng trên địa bàn Hà Nội.
Giảng viên của các lớp học là các chuyên gia, nhà khoa học uy tín, tên tuổi, giàu kinh nghiệm và kiến thức về Hà Nội, về văn hóa ngàn năm của đất kinh kỳ như GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, GS.TS. Trương Quang Hải, GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức, PGS.TS. Bùi Tất Thắng, …
Đề án 1209 của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng của nhân dân Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ thì rất cần phổ biến kiến thức về Hà Nội trên các lĩnh vực, trước hết tại các trường học. Hiểu về vùng đất nơi mình đang sống, hiểu được lịch sử, văn hóa Hà Nội, từ đó khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô.
Xác định được tầm quan trọng của văn hóa Hà Nội, vấn đề nghiên cứu về Hà Nội học từ lâu đã được đặt ra. Với mong muốn đào tạo, phổ biến kiến thức về Hà Nội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong thời gian qua, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đã tổ chức nhiều hoạt động, hội thảo, các công trình khoa học nghiên cứu về Hà Nội; xây dựng Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô nhằm định hướng cho việc nghiên cứu và đào tạo có chiều sâu về Hà Nội học…
Tuy nhiên, việc bồi dưỡng và phổ biến kiến thức về Hà Nội học một cách hệ thống, bài bản và đầy đủ cho giáo viên, học sinh Thủ đô vẫn chưa thực sự diễn ra đồng bộ. Chương trình bồi dưỡng do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vì vậy được kỳ vọng sẽ lấp đầy những khoảng trống, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra trong công tác đào tạo trên địa bàn thành phố.
Chỉ thị số 30- CT/TU của Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh nội dung: Đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Hoàn thiện các tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn Hà Nội.
TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Văn hóa Du lịch (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) chia sẻ: "Để học sinh thủ đô hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội và có trách nhiệm với chính mảnh đất các em được sinh ra và lớn lên thì nhiệm vụ của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy nội dung địa phương Hà Nội là rất nặng nề nhưng cũng vô cùng vinh dự.
Các thầy cô phải thấu hiểu, yêu Hà Nội mới lan tỏa tình yêu đó đến với học trò. Chúng tôi hi vọng rằng, qua đợt bồi dưỡng này, các chuyên gia sẽ chia sẻ cùng các học viên những kiến thức bổ ích về Thủ đô Hà Nội”.