Làm giàu kiến thức về “Hà Nội học”
VHO - Ngày 1.7 tại Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức hai hội thảo “Giáo dục Địa lí và Môi trường Hà Nội tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố” và “Các ngành nghề kinh tế Hà Nội và vấn đề giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Dự và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, các thầy cô giáo…
Nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy
TS. Bùi Quốc Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021- 2025; Quyết định số 4910/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội Phê duyệt Đề án Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức hai hội thảo: "Giáo dục địa lý và môi trường Hà Nội tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố" và "Các ngành nghề kinh tế Hà Nội và vấn đề giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội" .
Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, đưa môn Hà Nội học vào các trường trên địa bàn thành phố là một chủ trương đúng đắn của Thành ủy Hà Nội. Kiến thức Hà Nội học mà cơ bản là những vấn đề về lịch sử, văn hóa, địa lý môi trường, kinh tế, quy hoạch Hà Nội.. là những vấn đề các thầy cô giáo cần phải nắm được để giảng dạy cho học sinh các trường phổ thông ở các cấp học khác nhau.
Trong bối cảnh chưa đào tạo được giáo viên dạy môn Hà Nội học thì việc thực hiện đề án Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên là hết sức cần thiết. Để có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn giảng dạy nội dung kiến thức Hà Nội học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức các Hội thảo nhằm lắng nghe thêm ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là các giáo viên đang giảng dạy tại các nhà trường phổ thông.
Việc tổ chức hai hội thảo là nhiệm vụ trọng tâm được Trường Đại học Thủ đô Hà Nội triển khai trong khuôn khổ thực hiện đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Mục tiêu chung của Đề án nhằm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông có kiến thức về Hà Nội trên các lĩnh vực, qua đó để đảm nhiệm tốt nhiệm vụ giảng dạy môn Giáo dục địa phương Hà Nội trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội. Đặc biệt, nhằm nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường của Thủ đô.
Mục tiêu trọng tâm của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội bên cạnh tổ chức các cuộc hội thảo về nội dung kiến thức “Hà Nội học” còn là nhiều hoạt động như mở các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học; đào tạo sinh viên sư phạm kiến thức về Hà Nội học; xây dựng một không gian Hà Nội học, website Hà Nội học...
Giáo dục địa lý và môi trường Hà Nội
Đề dẫn hội thảo “Giáo dục Địa lí và Môi trường Hà Nội tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố”, TS. Lê Thị Thu Hương, đại diện Ban Chuyên môn Đề án 1209, Trưởng khoa Văn hóa và Du lịch chia sẻ, vấn đề Địa lý - Môi trường Hà Nội đã và đang được nhiều người quan tâm, nhất là trong mục tiêu xây dựng thành phố Hà Nội Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong chương trình Hà Nội học sẽ bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông Hà Nội.
Hội thảo do Ban Chuyên môn Đề án 1209 phối hợp với Sở GD & ĐT Hà Nội tổ chức để hoàn chỉnh nội dung kiến thức Hà Nội học trên các khía cạnh. Đã có 24 bài viết, tham luận tham dự hội thảo.
Các bài viết tập trung làm rõ những nội dung chính mà chủ đề hội thảo đề cập. Trong đó, ở các cấp học cao như THPT đã có nhiều phương pháp đưa ra giúp cho học sinh học tốt nội dung địa lý và môi trường Hà Nội. Từ các phương pháp truyền thống đến các phương pháp mới như sử dụng công nghệ chát GPT để nâng cao hiệu quả trong dạy học địa lý Hà Nội. Vấn đề bảo vệ môi trường Hà Nội cũng được đề cập đến trong các bài viết.
“Các tác giả đều thống nhất cần đưa kiến thức địa lý, môi trường vào dạy trong các trường phổ thông, cần có các phương pháp dạy học phong phú, đề cao phương pháp cho học sinh đi trải nghiệm, khám phá để hiểu được địa lý Hà Nội và môi trường tự nhiên của Hà Nội…”, theo TS. Lê Thị Thu Hương.
BTC hội thảo cho rằng, nhiều bài viết đã mở ra những ý tưởng mới, giúp cho Ban nội dung Đề án tiếp tục bổ sung những vấn đề thực tiễn vào các chuyên đề sẽ bồi dưỡng cho giáo viên trong thời gian tới.
Tham luận về Giáo dục Môi trường Hà Nội tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Thượng, quận Long Biên Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh, thực trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội ngày càng gia tăng. Vì vậy, giáo dục ý thức về môi trường đặc biệt cần thiết đối với học sinh.
"BGH và giáo viên các trường học đều nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Nội dung Giáo dục môi trường được thể hiện trong nhiều khía cạnh trong quá trình giáo dục…”, theo cô Nguyễn Thanh Thủy.
Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Thượng cũng lưu ý, đến nay chưa có một tài liệu chính thức riêng biệt nào về giáo dục môi trường Hà Nội được đưa vào giảng dạy; nội dung giáo duc môi trường trong các tiết học mang tính chung chung, thậm chí đúng với mọi địa phương trong cả nước.
Từ đó, giải pháp đề xuất được đưa ra gồm: Xây dựng Bộ tài liệu Giáo dục Môi trường Hà Nội; xây dựng Kế hoạch Giáo dục rõ nội dung bảo vệ môi trường tích hợp trong bài học; giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm; giáo dục ý thức bảo vệ môi trường nước tại Hà Nội…
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế
Đây là nội dung điểm nhấn tại phiên hội thảo chiều 1.7 với chủ đề "Các ngành nghề kinh tế Hà Nội và vấn đề giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Văn hóa và Du lịch cho biết, Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn thứ hai của cả nước sau TP. Hồ Chí Minh, với các ngành nghề kinh tế đặc thù của Thủ đô, công tác hướng nghiệp cho học sinh hết sức cần thiết nhằm hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp cho các ngành kinh tế của Hà Nội.
Hà Nội có những ngành kinh tế nào, thị trường lao động của Hà Nội đang cần nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực gì? Đâu là ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội? Kinh tế làng nghề, kinh tế nông thôn Hà Nội sẽ tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho học sinh nếu biết hướng nghiệp kịp thời cho học sinh cuối cấp... Các trường dạy nghề là những trường nào, dạy nghề gì và cơ hội cho học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề như thế nào... Đó là nội dung các bài viết gửi đến Hội thảo.
Trong số 22 bài viết, tham luận tham dự hội thảo, có nhiều bài viết của nhà khoa học và đội ngũ giảng viên các trường trên địa bàn Hà Nội. Các bài viết đều tập trung làm rõ các nội dung chính mà chủ đề hội thảo đề cập, như: Xây dựng các hình thức trải nghiệm cho học sinh Tiểu học tìm hiểu về nghề và làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội; Tìm hiểu và giới thiệu một số nghề thủ công truyền thống của Hà Nội; Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS; Ngành nghề kinh tế của Hà Nội và các trường dạy nghề tại Hà Nội; Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT.
Trưởng Khoa Văn hóa và Du lịch, TS. Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh, các ý kiến và tham luận sẽ góp phần quan trọng để hoàn chỉnh nội dung kiến thức về kinh tế Hà Nội, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh Hà Nội và góp phần vào sự thành công hội thảo "Các ngành nghề kinh tế Hà Nội và vấn đề giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”.