5 năm thực thi Luật Thư viện:
Đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ
VHO - Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư việndo Bộ VHTTDL tổ chức vừa diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), ngoài việc sơ kết, đánh giá các kết quả đã đạt được, những thuận lợi, vướng mắc, khó khăn và bất cập cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện, các đại biểu tham dự Hội nghị còn tập trung làm rõ một số vấn đề có liên quan cũng như phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới...
Kết quả đạt được
Kể từ khi Luật Thư viện được Quốc hội thông qua và chính thúc có hiệu lực vào năm 2020, vấn đề triển khai thi hành Luật đã được Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 5 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, góp phần bảo đảm hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được xây dựng và ban hành đúng tiến độ đề ra cũng như bảo đảm cho Luật được thực thi hiệu quả.
Chính sự vào cuộc tích cực, chủ động, quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận và hưởng ứng của toàn xã hội trong 5 năm qua đã góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thư viện.
Cụ thể, mạng lưới thư viện tiếp tục được duy trì, củng cố và phối hợp với các thiết chế khác tạo thành môi trường văn hóa học tập phục vụ người dân.
Với nguyên tắc "Lấy người sử dụng làm trung tâm", các thư viện đã chủ động đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh các loại hình đưa sách báo, dịch vụ lưu động, trực tuyến; các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện ngày càng bám sát, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Hoạt động thư viện được chuẩn hóa, hiện đại hóa, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên kết, chia sẻ giữa các thư viện, đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng trong thời kỳ chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, vấn đề phát triển văn hóa đọc cũng đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ; cộng đồng và xã hội cùng chung tay mở rộng môi trường đọc, phong trào đọc sách và các hoạt động khuyến đọc được tổ chức khắp các thư viện, công sở, trường học, cộng đồng góp phần lan tỏa phong trào đọc sách tới gia đình, từng thôn xóm, bản làng.
Hành lang pháp lý đầy đủ đã tạo điều kiện để người dân trở thành chủ thể chính trong hoạt động thư viện, được quyền lập thư viện, hoạt động và sử dụng; thư viện ngoài công lập phát triển, hoạt động xã hội hóa ngày càng lan rộng...
Khó khăn vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn và bất cập cần tháo gỡ trong thời gian tới
Cụ thể, một số địa phương và các thư viện chưa quan tâm đối với việc xây dựng mô hình, ngân sách cho thư viện, dẫn đến việc chưa quan tâm đầu tư cho hoạt động thư viện, cũng như công tác phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước chưa được đồng bộ.
Hiện nay, nhiều thư viện chưa đáp ứng điều kiện thành lập, một số thư viện công lập chưa đáp ứng đủ tiêu chí tiện nghi, diện tích, đặc biệt mô hình thư viện công cộng còn bị thu hẹp trụ sở; kinh phí ít khiến thư viện không đủ năng lực để triển khai hoạt động, không thực hiện được đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.
Các hoạt động liên thông thư viện, công tác xã hội hóa chưa phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất và không gian đọc cơ sở như thư viện, số liệu giảm mạnh (thư viện cấp xã đã giảm 8,6% so với năm 2022), chính sách ưu đãi trong xã hội hóa (chính sách về đất đai, thuế…) cho hoạt động thư viện chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật chuyên ngành nên việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho thư viện và phát triển văn hóa đọc còn hạn chế.
Vì vậy, 5 năm qua hoạt động thư viện tuy có đổi mới và khởi sắc nhưng chưa thực sự có bứt phá để thực hiện đúng vai trò của mình.
Nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện Luật
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, trình bày, gợi ý về các ý tưởng cũng như đề xuất, kiến nghị, giải pháp hoàn thiện thể chế, tăng cường hiệu lực và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thư viện.
Trong tham luận về vấn đề “Xây dựng chính sách phát triển Văn hóa đọc Việt Nam, kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia và giải pháp cho Việt Nam”, đại diện Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) dẫn chứng về các cách làm hay của một số quốc gia trong khu vực và thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, Thụy Điển... Từ đó, cho thấy văn hóa đọc không chỉ cần sự đầu tư về cơ sở hạ tầng thư viện mà còn đòi hỏi sự đa dạng hóa các hình thức khuyến đọc, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, tổ chức để truyền tải giá trị sách đến từng người dân.
Bên cạnh đó, vai trò của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc khuyến khích đọc sách cũng cần phải được quan tâm, chú trọng. Ngoài ra, để duy trì và mở rộng hiệu quả cần liên tục cập nhật và điều chỉnh các chính sách phù hợp với xu hướng của toàn cầu.
Liên quan đến vấn đề phát triển mạng lưới thư viện ngoài công lập, có đại biểu cho rằng: “Hiện nay rất ít tỉnh, thành quan tâm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện cho người quản lý thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân. Các thư viện trên hầu hết là tự phát, những chủ nhân của các thư viện đó hầu hết là những người có tâm nhưng tầm không đủ nên khi tổ chức được không gian đọc, thư viện chủ yếu chỉ cho mượn sách, chứ không tổ chức được hoạt động nâng tầm văn hóa đọc”.
Chính vì thế, đại biểu góp ý ngành chức năng cần quan tâm bồi dưỡng đến nghiệp vụ thư viện cho đội ngũ vận hành các thư viện.
Trong khi đó, liên quan đến việc thi hành Luật Thư viện tại cấp địa phương, ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhìn chung việc triển khai thi hành Luật thời gian qua tại địa phương đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn nhất định, đặc biệt là trong vấn đề thiếu kinh phí và nhân lực tại một số thư viện.
Về vấn đề này, ông Hoài đưa ra giải pháp cần tăng cường hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp để xã hội hóa hoạt động thư viện sẽ giúp thêm nguồn lực và kinh phí cho các hoạt động của thư viện.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã ghi nhận và đánh giá cao các tham luận, ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các đại biểu, Bộ VHTTDL, các ngành chức năng liên quan sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu để thực hiện tốt hơn công tác thư viện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong thời gian tới gồm:
Thứ nhất, tiếp tục nỗ lực bằng mọi cách để cả hệ thống chính trị, tất cả các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương nhận thức đầy đủ, toàn diện sâu sắc và trọng tâm, trọng điểm hơn về vai trò, vị trí và ý nghĩa của công tác thư viện, công tác phát triển văn hóa đọc đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.
Thứ 2, đề nghị Vụ Thư viện, trong quá trình tham mưu cho Chính phủ, Bộ, ngành thì tất cả các văn bản liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc cần phải xin ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Hội Thư viện Việt Nam.
Thứ 3, phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thư viện bằng cách thực hiệu quả quy hoạch mạng lưới thiết chế thư viện đã được giao;
Chủ động nghiên cứu, lựa chọn để xác định các thư viện có vai trò quan trọng để ưu tiên đầu tư; Nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL, giữa các ngành và các địa phương;
Các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hệ thống thư viện cả nước cần tập trung nâng cao đào tạo, nâng cao trình chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thư viện để đáp ứng được yêu cầu tình hình mới trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện, các nhiệm vụ phát triển thư viện, hoạt động thư viện cũng như văn hóa đọc...