Nâng cao năng lực dạy tiết đọc thư viện cho giáo viên, nhân viên thư viện

ANH HUY

VHO - Ngày 24.6, tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Room to Read tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực dạy tiết đọc thư viện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Chương trình tập huấn diễn ra từ 24-27.6.

Nâng cao năng lực dạy tiết đọc thư viện cho giáo viên, nhân viên thư viện - ảnh 1
Các đại biểu tham gia tập huấn công tác thư viện

Tham dự tập huấn có đại diện cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, nhân viên thư viện đến từ 66 cơ sở giáo dục tiểu học tại 10 địa phương các vùng miền trên toàn quốc.

Thư viện trường học được quy định là một bộ phận cơ sở vật chất thiết yếu, trung tâm sinh hoạt văn hóa và khoa học của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng trong trường phổ thông.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, BTC đã xây dựng nội dung triển khai tiết đọc thư viện theo mô hình mới.

Tại mô hình này, thay vì hướng dẫn cụ thể từng bước theo đúng quy trình, tài liệu như trước đây, giáo viên được cung cấp, tiếp cận kiến thức, công cụ một cách tổng hợp, toàn diện, được trao quyền chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai. Điều này giúp tiết đọc thư viện bám sát hơn vào mục tiêu phát triển của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Trịnh Hoài Thu cho biết, từ năm 2022 tới nay, trong chương trình kiểm tra công tác giáo dục tiểu học hằng năm, Bộ GD&ĐT đều có nội dung kiểm tra về công tác thư viện.

Theo bà Trịnh Hoài Thu, để giáo dục phát triển theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh, ngoài việc giáo dục phổ thông nói chung thì những chương trình như thư viện thân thiện, tăng cường tiếng Việt, phát triển văn hóa đọc, chương trình hỗ trợ nữ sinh… đều là các chương trình hỗ trợ cho chương trình giáo dục phổ thông thực hiện hiệu quả và chất lượng hơn.  

Đối với Chương trình thư viện thân thiện, sau thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của Bộ GD&ĐT phối hợp với các chuyên gia Room to Read bắt đầu thực hiện thí điểm chương trình tiết đọc thư viện mới.

Khi thí điểm tiết đọc thư viện, Bộ GD&ĐT lựa chọn 10 địa phương đã tham gia và thực hiện triển khai có kết quả tốt chương trình thư viện thân thiện giai đoạn 1 và đầu giai đoạn 2.

Giám đốc quốc gia tổ chức Room to Read tại Việt Nam Nguyễn Diệu Nương chia sẻ, ba điểm được phát huy tối đa trong xây dựng tiết đọc thư viện mới là nội dung, tài liệu và phương pháp.

Tiết đọc thư viện mới được cập nhật tất cả nội dung mới như phát triển năng lực đọc, năng lực đọc sâu, cách lựa chọn những cuốn sách hay, sách tốt.

Tài liệu biên soạn và cách tập huấn sẽ nâng cao năng lực cho giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của học sinh. Đồng thời nhấn mạnh phương pháp tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, hòa nhập và phục vụ được nhiều đối tượng học sinh. Thể hiện được sự tôn trọng, giúp các em phát huy hết năng lực, phẩm chất của từng cá nhân.

Trong đợt tập huấn này, thông qua các hoạt động thuyết trình, thảo luận nhóm/tổ, thực hành cá nhân… các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thư viện được tiếp cận nhiều nội dung liên quan đến triển khai công tác thư viên đặc biệt là những điểm mới của tiết đọc thư viện như nội dung, phương pháp, hoạt động mở rộng, đánh giá tác động, huy động sự tham gia của gia đình…