“Chìa khóa” để các thư viện tiếp cận bạn đọc

VHO- Việt Nam hiện có mạng lưới thư viện phát triển rộng khắp từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố. Những năm qua, hình thức phục vụ truyền thống vẫn được các thư viện quan tâm, chú trọng phát triển. Nhưng trong thời đại chuyển đổi số đang đi sâu vào tất cả các lĩnh vực như hiện nay, cách thức vận hành, quản lý của các thư viện bắt buộc phải có sự thay đổi.

“Chìa khóa” để các thư viện tiếp cận bạn đọc - Anh 1

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy từng khẳng định, Bộ rất quan tâm đến chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện

Việc tiến hành số hóa, hình thành nên các thư viện thông minh được coi là “chìa khoá” để các thư viện tiếp cận bạn đọc nhiều hơn, góp phần nâng cao dân trí.

“Bước chuyển mình” của ngành thư viện

Từng có giai đoạn, thư viện không nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc vì chưa có nhiều tiện ích, phương thức phục vụ khá “lạc hậu”. Để tiếp cận nguồn tài liệu này, người đọc không có cách nào khác là đến trực tiếp thư viện, thông qua các thủ thư. Các dịch vụ tại thư viện cũng từng khá đơn giản như đọc tại chỗ, mượn về nhà, sao chụp tài liệu…

Tuy nhiên nhờ những nỗ lực chuyển đổi số và sáng tạo trong tổ chức các hoạt động khuyến đọc tại không gian thư viện thông minh, thư viện giờ đã có sức hấp dẫn với người dân, trở thành những “điểm hẹn” nhân lên tình yêu với tri thức, văn hóa đọc. Theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), chuyển đổi số thư viện, hình thành nên các thư viện thông minh là yêu cầu bắt buộc và là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số; với yếu tố cốt lõi là nguồn tài nguyên thông tin dạng số. Các thưviện nhất thiết phải xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú; đặc biệt là xây dựng các bộsưu tập số với một hệthống cơsở dữ liệu, cùng các siêu dữ liệu có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Cũng theo bà Kiều Thúy Nga, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ để tiến hành số hóa, phổ biến thông tin trên môi trường số, nhiều thư viện ở Việt Nam đã thể hiện sự bứt phá. Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi số nhưng không thể phủ nhận, ngành thư viện đã dành rất nhiều nỗ lực trong việc tự đổi mới và nâng cao năng lực, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc. Một số thư viện thông minh, thư viện số với nguồn tài nguyên thông tin dồi dào đã được hình thành tại Thư viện quốc gia Việt Nam, Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), Thư viện điện tử S.Hub nằm trong khuôn viên của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM…

Có thể khẳng định với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ như hiện nay, nếu không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, phương thức hoạt động, các thư viện chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc; không thể hoàn thành sứ mệnh cung cấp thông tin, tri thức một cách có hiệu quả. Nếu không tích cực thực hiện chuyển đổi số, thư viện sẽ dần mất đi vị thế quan trọng và bị thay thế bởi các nguồn tài nguyên thông tin khác. Do đó, các thư viện giờ đây không thể thờ ơ với công cuộc chuyển đổi số hoạt động thư viện.

Tập trung nguồn lực phát triển thư viện thông minh

Theo ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Như vậy cùng với Luật Thư viện, ngành thư viện Việt Nam đã có đầy đủ hành lang pháp lý để tiến hành hiện đại hóa thư viện, chuyển từ hoạt động thư viện truyền thống sang hướng hiện đại, thông minh. “Thư viện thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam so với thư viện truyền thống không đơn thuần là sự khác biệt về mô hình, số lượng, hiệu quả của thư viện; mà chính là chất lượng và công nghệ được ứng dụng cho hoạt động thư viện, hình thức tổ chức kho tài liệu và nhất là đội ngũ cán bộ thư viện. Muốn phát triển thư viện thông minh hiện nay phải dựa vào 3 trụ cột chính gồm công nghệ - cơ sở dữ liệu - con người”, ông Nguyễn Hữu Giới nhấn mạnh.

Cụ thể nhiều chuyên gia nhận định, về ứng dụng công nghệ, các thư viện cần chủ động trong lựa chọn, ứng dụng công nghệ vào nền tảng số ở lĩnh vực thư viện để thực hiện chuyển đổi, xây dựng thư viện thông minh được bền vững, hiệu quả. Ngoài ra, làm chủ công nghệ ở đây còn được hiểu là nền tảng công nghệ thông tin phải có tính bảo mật cao, hạn chế vi phạm quyền tác giả, bản quyền của các sản phẩm thông tin. Khắc phục được vấn đề này, sẽ có nhiều tác giả, đơn vị xuất bản sẵn sàng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của ngành thư viện, góp phần gia tăng nguồn dữ liệu phục vụ bạn đọc.

Bên cạnh đó, khái niệm thư viện thông minh không chỉ dừng lại ở câu chuyện hiện đại hóa nguồn tài nguyên thông tin mà còn thể hiện sự “thông minh”, sáng tạo trong mượn sách trực tuyến, sách điện tử; liên kết cơ sở dữ liệu toàn văn; tổ chức các hội thảo, khóa học trực tuyến, hoạt động khuyến đọc… Bên cạnh đó, các thư viện thông minh cần thường xuyên tương tác với bạn đọc thông qua fanpage, diễn đàn trực tuyến, giúp tạo dựng cộng đồng đọc đa dạng. Qua hoạt động tương tác, bạn đọc có thể dễ dàng nắm bắt thông tin, tìm đến kho tài liệu khổng lồ của thư viện. Qua đó, giúp việc phổ biến kiến thức, kỹ năng đọc sách, tài liệu trở nên thuận lợi hơn; mở ra không gian văn hóa đọc, học tập hiện đại, không giới hạn trên môi trường số.

Để làm được những điều này, vấn đề phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành thư viện rất cần được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng. Các khóa học, hình thức đào tạo, phát triển nội dung chương trình đào tạo nguồn nhân lực cần được tăng cường, tập trung hơn vào cập nhật kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin. Từ đó, giúp người làm công tác thư viện có thể tác nghiệp thành thạo trên môi trường số; ngày càng am hiểu các vấn đề về pháp lý, đặc biệt là vấn đề bản quyền tác giả trên môi trường số; sáng tạo nhiều hoạt động khuyến đọc dựa trên những tiện ích của chuyển đổi số thư viện… 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc