Tuồng xuống phố
VHO - Mỗi tối Chủ nhật bên bờ sông Hàn, phố xá Đà Nẵng dường như lắng lại nhịp sống hiện đại để đón nhận thanh âm truyền thống vang lên từ chương trình Tuồng xuống phố.

Sân khấu dân gian đặc biệt này ngày càng thu hút người dân và du khách nhờ sự đầu tư bài bản, trình diễn chuyên nghiệp của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, góp phần đưa nghệ thuật tuồng đến gần hơn với đời sống đương đại và thắp sáng tình yêu với di sản văn hóa dân tộc.
Thổi hồn nghệ thuật cổ xưa giữa lòng đô thị
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng và Sở VHTTDL, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã xây dựng hai chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc: Tuồng xuống phố và Nghệ thuật truyền thống Việt Nam, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của người dân cũng như du khách trong và ngoài nước.
Các buổi diễn được tổ chức tại những địa điểm trung tâm như bờ Đông cầu Trần Thị Lý, bờ Tây cầu Rồng và bờ Đông cầu sông Hàn - những không gian sôi động mang đậm dấu ấn Đà Nẵng về đêm.
Sân khấu Tuồng được dựng ngoài trời với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, có ghế ngồi cho khán giả và khu vực trưng bày mặt nạ Tuồng, trình diễn vẽ mặt nạ cổ điển.
Nơi đây như một bảo tàng sống động, với âm nhạc, đạo cụ và phục trang đúng chuẩn truyền thống hòa quyện, mang đến trải nghiệm nghệ thuật chân thực cho công chúng mọi lứa tuổi.
Tuồng xuống phố gồm hai phần biểu diễn chính: Phần đầu là các trích đoạn Tuồng truyền thống có giá trị nghệ thuật cao, được lồng ghép thêm những tiết mục hài hước nhẹ nhàng, tạo không khí gần gũi, dễ tiếp cận cho khán giả.
Trước mỗi buổi diễn, dàn nhạc của Nhà hát trình diễn các bản hòa tấu dân tộc nhằm thu hút người xem và dẫn dắt cảm xúc vào không gian nghệ thuật. Phần còn lại là các giai điệu quê hương sâu lắng, đan xen với dân vũ, nhạc cụ Chăm, dân ca khu V - tạo nên một chương trình đa sắc màu văn hóa, đậm chất miền Trung.
Giữa thành phố trẻ trung, năng động, Tuồng xuống phố mang đến hơi thở da diết và mạnh mẽ của quá khứ, từ ánh mắt háo hức của những em nhỏ khi lần đầu chứng kiến nghệ thuật hóa trang độc đáo, đến sự xúc động của người lớn tuổi khi bắt gặp lại một phần ký ức tuổi thơ trong từng làn điệu, từng động tác uyển chuyển của nghệ sĩ Tuồng...
Nguyễn Ngọc Mai Anh, sinh viên Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Em tình cờ “phải lòng” Tuồng khi đi dạo qua đường Trần Hưng Đạo. Trong không gian sôi động, hiện đại, tiếng hát Tuồng vang lên thật đặc biệt và ấn tượng. Em đã dành cả buổi tối để xem hết và thấy rất nhiều bạn trẻ cũng dừng lại nghe như mình”.
Còn với chị Ngô Thị Hoa Cúc (Sơn Trà), buổi xem Tuồng là một cuộc trở về đầy xúc động: “Ngày xưa ba mẹ tôi hay xem Tuồng cùng nhau. Giờ ba mất rồi, tôi lại dắt mẹ đi xem, như một cách nối lại ký ức cho mẹ”.
Những chương trình như Tuồng xuống phố vừa là hoạt động biểu diễn nghệ thuật, vừa là nỗ lực sáng tạo trong hành trình gìn giữ và hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống, nơi nghệ thuật cổ xưa không nằm trong bảo tàng, mà sống động từng ngày giữa lòng phố thị.
Khơi nguồn mạch sống mới
Được chắt lọc từ tinh hoa dân tộc, nghệ thuật Tuồng là sự kết tinh của tư duy sáng tạo và kỹ thuật biểu diễn mẫu mực của những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm. Tuồng vốn nổi bật với lối diễn trang trọng, khuôn thước, mang tính hàn lâm cao.
Tuy nhiên, trong dòng chảy văn hóa hiện đại, việc tiếp cận và cảm thụ hết chiều sâu của loại hình nghệ thuật này không phải là điều dễ dàng đối với số đông công chúng. Chính vì vậy, Tuồng xuống phố ra đời không chỉ với sứ mệnh trình diễn, mà còn là chiến lược nuôi dưỡng lực lượng khán giả mới, đặc biệt là giới trẻ, cho nghệ thuật Tuồng.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã linh hoạt lựa chọn những trích đoạn ngắn, dễ hiểu, gần gũi với đời sống hiện đại nhưng vẫn đảm bảo giữ được tinh thần, giá trị cốt lõi của bộ môn nghệ thuật. Trang phục, mặt nạ rực rỡ, đạo cụ truyền thống kết hợp cùng sân khấu mở hiện đại đã tạo nên không gian biểu diễn sống động, dễ tiếp cận cho đông đảo khán giả.
Từ đầu năm 2025, Nhà hát đã tổ chức hơn 10 đêm diễn Tuồng xuống phố, mỗi buổi thu hút từ 300-400 lượt người xem tại sân khấu chính, góp phần làm nên hiệu ứng tích cực cả về mặt văn hóa lẫn truyền thông.
Chương trình nhận được sự đánh giá cao từ khán giả và chính quyền địa phương, trở thành mô hình tiêu biểu trong việc đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng nhận định: “Chương trình đã góp phần thiết thực vào việc phổ cập nghệ thuật đến công chúng. Đây là cách để người dân tiếp cận văn hóa mà không mất chi phí, đồng thời tạo nên không gian ấn tượng, thu hút du khách khi đến với Đà Nẵng”...
Việc bố trí thời gian và địa điểm cũng là yếu tố then chốt làm nên thành công. Mỗi buổi diễn bắt đầu từ 19h30, thời điểm người dân và du khách bắt đầu khám phá thành phố về đêm, và kết thúc lúc 20h30, đúng lúc khán giả có thể di chuyển sang Cầu Rồng để thưởng thức màn trình diễn phun lửa, phun nước đặc trưng của Đà Nẵng. Nhờ đó, Tuồng xuống phố trở thành điểm hẹn đặc sắc của thành phố bên sông Hàn.
Không dừng lại ở đó, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đang tiếp tục nỗ lực làm mới nội dung chương trình để phù hợp với thị hiếu khán giả. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Nhà hát cho biết: Đơn vị sẽ tăng cường đầu tư các tiết mục mới cho hai chương trình chủ lực là Tuồng xuống phố và Nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các trích đoạn mẫu mực, Nhà hát cũng chú trọng đến các tiết mục độc tấu, hòa tấu dân ca và nhạc cụ cổ truyền.
Đặc biệt, một chuỗi hoạt động trải dài từ tháng 4 đến tháng 9 đang được đề xuất tổ chức dọc hai bên bờ sông Hàn, bao gồm: Trưng bày mặt nạ Tuồng, triển lãm ảnh nghệ thuật Tuồng qua các thời kỳ, trình diễn vẽ mặt nạ tại chỗ và các cuộc diễu hành trang phục - đạo cụ truyền thống trên các tuyến phố chính...
Qua đó, tạo điều kiện để người dân và du khách được trải nghiệm trực tiếp, góp phần lan tỏa vẻ đẹp đặc trưng của Tuồng đến với cộng đồng rộng rãi hơn.
Với những bước đi sáng tạo và quyết liệt, Đà Nẵng đang tiên phong trong việc hồi sinh nghệ thuật truyền thống bằng hơi thở đương đại. Tuồng xuống phố không chỉ là một chương trình biểu diễn, mà đã và đang trở thành biểu tượng của sự kết nối hiệu quả giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ thuật và công chúng.