Những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của ngành VHTTDL
VHO - Bộ VHTTDL vừa có văn bản số 3585/TB-BVHTTDL thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị sơ kết công tác VHTTDL 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Theo đó, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, để hoàn thành Kế hoạch công tác năm 2025 với quyết tâm “Tăng tốc, bứt phá, về đích”, Bộ trưởng đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Giám đốc Sở tiếp tục nỗ lực, cố gắng với quyết tâm chính trị cao nhất thực hiện phương châm hành động: “Bộ hướng dẫn - Sở đồng hành - Vì một sứ mệnh chung”. Từ đó, tập trung triển khai thực hiện bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Tập trung nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cho nhân dân. Đây là nhiệm vụ then chốt để chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Truyền thông phải đi trước một bước, góp phần quan trọng để chuyển hóa nhận thức thành hành động, đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Triển khai các hoạt động, sự kiện trọng đại của đất nước: Bộ VHTTDL được giao chủ trì tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, đây không chỉ là dịp quan trọng để tổ chức các chương trình văn hóa, thể thao mà còn là cơ hội để kích cầu du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước, lan tỏa các giá trị truyền thống gắn với tinh hoa văn hóa nhân loại và nghệ thuật đương đại, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của nhân dân.
Toàn ngành, từ Trung ương đến địa phương, cần chủ động “chọn điểm, chọn lĩnh vực, chọn sự kiện”, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để triển khai hiệu quả...
Tập trung phát triển kinh tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8%: Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là thúc đẩy du lịch trở thành động lực tăng trưởng bền vững. Các Sở VHTTDL, Sở Du lịch cần chủ động phối hợp, xác định lại những sản phẩm đặc trưng, xây dựng hệ thống tour, tuyến liên kết vùng rõ nét.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giữ vai trò điều phối tổng thể, chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến dịch xúc tiến du lịch. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức xúc tiến du lịch, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong việc phát triển sản phẩm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường và chính sách hỗ trợ.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hình thức quảng bá sáng tạo như xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh. Việc các đoàn làm phim quốc tế khảo sát tại Hải Phòng, Ninh Bình... chính là cơ hội tốt để lan tỏa quảng bá hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu. Toàn Ngành cần vào cuộc với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 25 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các Giám đốc Sở cần chủ động bám sát 10 thị trường quốc tế trọng điểm, tích cực tham mưu các giải pháp kết nối thị trường, thúc đẩy tăng trưởng thực chất và bền vững.
Song song với phát triển du lịch, cần thúc đẩy CNVH, trọng tâm là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, xây dựng các chương trình nghệ thuật quy mô, hiện đại, mang dấu ấn sáng tạo, kế thừa thành công của các sự kiện như “Anh trai Say Hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, khẩn trương tham mưu, trình lãnh đạo Bộ về Đề án đổi mới sáng tạo trong nghệ thuật biểu diễn, để đăng ký với Bộ KH&CN, chú trọng huy động hiệu quả nguồn lực từ cả đầu tư công và tư, để triển khai ngay trong năm 2025.
Đây không chỉ là đổi mới về hình thức biểu diễn, mà là thay đổi tư duy sản xuất, quản trị, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm văn hóa. Các Nhà hát, các Trường, Nhạc viện, Học viện, các đoàn nghệ thuật cần chủ động nghiên cứu, đăng ký các nhiệm vụ cụ thể, từng bước góp phần tham gia trong hệ sinh thái công nghiệp văn hóa của đất nước.
Phân vai rõ, phối hợp chặt, chú trọng xây dựng đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực: Tại Bộ, các Trường, Viện, các đơn vị nghiên cứu phải là “máy cái” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Rất đáng hoan nghênh khi một số ngành, như Chèo đã thu hút nhiều thí sinh đăng ký theo học, là minh chứng cho niềm tin được khơi dậy và trách nhiệm kế thừa di sản văn hóa đang dần lan tỏa.
Đồng thời, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn tại các Vụ, Viện, Trường của Bộ. Đối với các Sở, Bộ đã có hướng dẫn cụ thể về mô hình tổ chức bộ máy theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đề nghị các Giám đốc Sở bám sát triển khai, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, cần báo cáo để cùng phối hợp, tháo gỡ kịp thời. Tinh thần là không có “quyền anh, quyền tôi”, mà là vì trách nhiệm chung, theo đúng phương châm hành động “Bộ hướng dẫn - Sở đồng hành - Vì một sứ mệnh chung”.
Đặc biệt, với vai trò của các Giám đốc Sở, những “tư lệnh ngành” tại địa phương phải thật sự là những “nhạc trưởng”, vừa giữ nhịp ổn định, vừa tạo nhịp bứt phá. Mỗi người cần phát huy sức mạnh tổng hợp, “làm những việc nhỏ bằng một tình yêu lớn” với văn hóa, thể thao, du lịch, bằng tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, biết kết nối công nghệ, chuyển đổi số và khơi dậy sáng tạo để cùng Ngành tăng tốc, về đích.
Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ cụ thể, như sau: Tập trung phát triển văn hóa Việt Nam, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc. Tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, hoàn thiện thể chế đồng bộ, khả thi, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền hai cấp.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương hoàn thành các dự án trọng điểm, xử lý dứt điểm các dự án còn tồn đọng, tạo động lực tăng trưởng ngành. Phát triển mạnh mẽ CNVH, hình thành thị trường sáng tạo hiện đại, để thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến tới vai trò là trung tâm trong tổng thể nền kinh tế quốc gia tương lai.
Đổi mới công tác báo chí, truyền thông, nâng cao hiệu quả thông tin chính sách và quảng bá hình ảnh quốc gia. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng bền vững, phấn đấu đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số. Phát triển thể thao vì sức khỏe toàn dân, nâng cao thành tích quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng ngành và quảng bá hình ảnh quốc gia. Tăng cường hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại, nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, hình thành nền tảng dữ liệu ngành phục vụ quản lý, phát triển và đổi mới sáng tạo. Sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành vững vàng, chuyên nghiệp, tận tâm.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của địa phương tại Hội nghị, yêu cầu các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ chủ động nghiên cứu, hướng dẫn, trả lời để các địa phương triển khai thực hiện.