Tháo gỡ khó khăn trong vận hành đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực VHTTDL khi thực hiện chính quyền 2 cấp
VHO - Nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong vận hành, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch sau khi sáp nhập và thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Vấn đề được các địa phương nêu ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ VHTTDL.
Chưa thống nhất mô hình các trung tâm VHTTDL
Từ điểm cầu UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, để tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 của TP đạt trên 8%, đặc biệt là bảo đảm tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 80 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, gia đình, báo chí, truyền thông và du lịch phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp.

Đồng thời sớm ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, gia đình, báo chí và truyền thông số, du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc thù của địa phương, làm cơ sở cho các tỉnh, TP hoàn thành xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà mong rằng, Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý, hướng dẫn quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, di tích, cơ sở lưu trú, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện chính quyền hai cấp như hiện nay. Cụ thể, cần có cơ chế rõ ràng về phân cấp, uỷ quyền, nguồn lực và trách nhiệm quản lý, khai thác để các thiết chế hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai Nông Việt Yên cho biết: Hiện tại địa phương chưa thống nhất về tên gọi đối với các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch trực thuộc cấp xã. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Lào Cai cũ) gọi là Trung tâm Văn hoá, thể thao - Truyền thông. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Yên Bái cũ): Trung tâm Truyền thông và Văn hóa.
Ông Nông Việt Yên đề nghị Bộ VHTTDL có hướng dẫn thống nhất về tên gọi của Trung tâm cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trong lĩnh vực du lịch, trường hợp thứ nhất, ranh giới đề nghị công nhận Khu du lịch cấp tỉnh nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên nhưng do tổ chức quản lý khu du lịch thực hiện. Vậy, trong trường hợp này, việc lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh sẽ do tổ chức quản lý thực hiện hay do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh chủ trì thực hiện và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Trường hợp thứ hai: Hồ sơ đề nghị công nhận Khu du lịch cấp tỉnh do tổ chức quản lý lập hồ sơ, ranh giới nằm trên 01 đơn vị hành chính cấp huyện. Hồ sơ đã được Sở VHTTDL thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh trước ngày 1.7.2025.
Tuy nhiên, do việc sáp nhập tỉnh, UBND tỉnh chưa ban hành Quyết định công nhận trước ngày 1.7.2025.
“Vậy, sau 1.7.2025, hồ sơ đề nghị công nhận Khu du lịch cấp tỉnh đã trình có cần lập lại không? Nếu có thì việc lập hồ sơ do tổ chức quản lý khu du lịch hay cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện. Đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện”- ông Nông Việt Yên bày tỏ băn khoăn.

Trong lĩnh vực Di sản văn hoá, lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai cho biết, khó khăn, vướng mắc đối với việc hướng dẫn thành lập Ban quản lý di tích phân bố trên địa bàn 2 xã trở lên:
Theo hướng dẫn của Bộ tại văn bản số 2706/BVHTTDL-TCCB ngày 13.6.2025: Giữ nguyên các Ban/trung tâm quản lý di tích do cấp huyện quản lý hiện nay chuyển về cấp xã mới quản lý (nơi có di tích); điều này rất vướng mắc đối với di tích quốc gia (Ruộng bậc thang Mù Căng Chải hiện do 3 xã quản lý).
Vậy Ban quản lý di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Mù Căng Chải sẽ chuyển về xã nào trong 3 xã này và do Chủ tịch UBND xã ban hành quyết định thành lập hay do cơ quan nào ban hành quyết định thành lập?
Đề nghị phân cấp quản lý di tích do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập Ban quản lý di tích xã (nơi có di tích) thực hiện quản lý trực tiếp, toàn diện đối với di tích, di sản văn hoá phi vật thể có trên địa bàn.
Ngoài ra, đối với việc tổ chức, quản lý các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được UNESCO ghi danh và Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đa phần đều phân bố trên địa 2 xã trở lên, do đó khi thực hiện chính phương 2 cấp cũng gặp nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản như: Công tác công tác tổ chức lễ công bố quyết định và trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể, lựa chọn xã nào đại diện đứng ra tổ chức nghi lễ đón bằng ghi danh…

Ông Nông Việt Yên cũng nêu một số quy định đối hiện không còn phù hợp khi vận hành chính quyền 2 cấp như quy định như về thu phí cấp phép dịch vụ karaoke, vũ trường, tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 01/2021/TT-BTC ngày 7.1.2021 của Bộ Tài chính; Việc triển khai đặt tên đường, phố và công trình công cộng Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11.7.2005 của Chính phủ không còn phù hợp với điều kiện thực tế.
Về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn, tổ dân phố văn hóa”. Điều 59 Nghị định số 129/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã phân cấp thẩm quyền quyết định danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa, “Gia đình văn hóa” cho Chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, tại Điều 8 Nghị định số 86/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” thẩm quyền công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hoá là UBND cấp huyện. Điều này chưa phù hợp với chính quyền 2 cấp hiện nay.
Ngoài ra, ông Yên cho biết, việc xây dựng đề án vị trí việc làm khó khăn, phức tạp: Ví dụ Trung tâm Thông tin xúc tiến và du lịch tỉnh Lào Cai (chưa có hướng dẫn của Bộ về hệ thống chức danh nghề nghiệp lĩnh vực chuyên ngành), các đơn vị khác như Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh có những vị trí cần thiết phải có nhưng không trong danh mục vị trí việc làm của Bộ VHTTDL, phải sử dụng hệ thống danh mục vị trí việc làm của các lĩnh vực khác (xây dựng, thông tin - truyền thông,...) cho các vị trí về tu bổ tôn tạo di tích, điện ảnh, kho hiện vật.
Ông Nông Việt Yên đề nghị Bộ có hướng dẫn xây dựng đề án vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập ngành VHTTDL.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng cho biết, đối với mô hình trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch tại các xã, phường, đã có văn bản của Bộ VHTTDL hướng dẫn thực hiện.
Tuy nhiên, ở Thanh Hóa, hiện có 3 loại hình trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch gồm thuộc các xã, phường, nơi thì thuộc Sở, còn 1 số thì để tại xã chính.

Kịp thời xử lý những vẫn đề thực tiễn, tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế
Điều hành Hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định về phân cấp, phân quyền và Bộ đã ban hành các Thông tư để kịp thời xử lý những vẫn đề thực tiễn, tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 192 của Quốc hội.
Ngày 13.6.2025, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn số 2706/BVHTTDL-TCCB gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc Hướng dẫn phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch ở địa phương khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc sáp nhập và tổ chức lại chính quyền hai cấp cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện. Đặc biệt là trong vận hành, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch ở địa phương.
Trong đó, đối với đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, Bộ VHTTDL đã yêu cầu các địa phương rà soát các trung tâm văn hóa, trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao cấp tỉnh hiện có, đảm bảo các yếu tố: Được quy hoạch tại khu vực trung tâm, thuận lợi để tổ chức các hoạt động; kiến trúc phù hợp với bản sắc văn hóa địa phương; có quy mô xây dựng, cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị, các phòng chức năng đồng bộ, đầy đủ công năng đáp ứng tốt trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của thiết chế văn hóa, thể thao... để làm trung tâm văn hóa, trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao chính thức của tỉnh mới sau sắp xếp.

Các trung tâm văn hóa, trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao còn lại là cơ sở vệ tinh.
Trung tâm văn hóa, trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VHTTDL.
Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc các trung tâm khác ở cấp huyện hiện nay có hoạt động văn hóa, thể thao được chuyển về cấp xã quản lý (nơi đặt trụ sở chính của các đơn vị này), thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn xã, khu vực liên xã và các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trên địa bàn xã; đảm bảo điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền lưu động, triển lãm, cổ động trực quan, câu lạc bộ, nhóm sở thích, các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã mới mà không có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện trước đây trên địa bàn, thực hiện như sau:
Ưu tiên chọn 1 thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã hiện có đạt chuẩn theo quy định, đủ đáp ứng các điều kiện phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của cấp xã mới để làm thiết chế văn hóa, thể thao chính thức; tổ chức chỉnh trang để duy trì khai thác phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao và cung ứng dịch vụ công cho cấp xã mới. Các thiết chế văn hóa, thể thao tại các xã cũ là các cơ sở vệ tinh.
Trong trường hợp các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã hiện nay chưa đạt chuẩn: Nghiên cứu theo hướng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã hiện nay có vị trí trung tâm, thuận lợi, dư quỹ đất thực hiện nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới đạt chuẩn theo quy định để chọn làm 01 thiết chế văn hóa, thể thao chính thức của cấp xã mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, quá trình sử dụng và vận hành các thiết chế do các địa phương chủ động, xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền ở địa phương cho phép để đảm bảo hoạt động. Trong quá trình vận hành theo mô hình, có vấn đề gì thì tập hợp ý kiến qua Vụ Tổ chức cán bộ để Bộ VHTTDL nắm bắt và báo cáo Chính phủ.