Di sản “lên đèn” giữa nightlife

MAI HOA

VHO - Từ ánh đèn mờ ảo và nhịp nhạc sôi động của nightlife (không gian giải trí về đêm), bất ngờ vang lên tiếng trống tuồng, lời hát bội - một cuộc “chạm ngõ” đầy táo bạo giữa nghệ thuật truyền thống và đời sống hiện đại.

Khi bar, pub trở thành sân khấu cho tuồng cổ, cải lương, đó vừa là sự phá cách ngoạn mục, vừa là nhịp cầu sáng tạo đưa di sản đến gần hơn với thế hệ trẻ...

 Thế nhưng, để những giá trị xưa cũ thật sự sống được trong guồng quay mới, sự cách tân cần đi đến tận cùng, không chỉ dừng ở bề nổi, mà phải chạm đến chiều sâu.

 Di sản “lên đèn” giữa nightlife - ảnh 1
Biểu diễn hát bội trong không gian hiện đại tại Dot Bar

Tuồng, hát bội… vào bar

Từng gắn liền với mái đình rêu phong, sân khấu nhà hát hay hội làng rộn rã trống chiêng, hát bội - tưởng chừng đã lùi về quá khứ, nay bất ngờ “đổi gió” khi xuất hiện giữa không gian quán bar sôi động. Một bước chuyển mình đầy mới mẻ, mở lối đưa nghệ thuật truyền thống hòa nhịp cùng hơi thở hiện đại.

Tại Dot Bar (TP.HCM), hát bội được đưa vào biểu diễn định kỳ. Không gian quán thiết kế mang âm hưởng dân gian hiện đại, sử dụng đạo cụ truyền thống như chướng thêu, trống, kèn,… kết hợp cùng ánh sáng và âm nhạc dân tộc để tái hiện một sân khấu truyền thống thu nhỏ, vừa lạ, vừa quen.

Hai vở San Hậu Ôn Đình chém Tá được trình diễn với phiên bản rút gọn, kết hợp dẫn chuyện song ngữ và phần thị phạm vũ đạo, giúp khán giả dễ tiếp cận, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế. Giữa không gian bar về đêm, bên tiếng cụng ly và ánh đèn mờ, khán giả bất ngờ chứng kiến hình ảnh Ôn Đình vung gươm, San Hậu khoác long bào.

Anh Lê Ngọc Minh (đồng sáng lập Dot Bar) cho biết, ý tưởng đưa hát bội vào không gian quán xuất phát từ thực tế: Nhiều bạn trẻ hiện nay chưa từng tiếp xúc với loại hình nghệ thuật này, phần vì cảm thấy xa lạ, phần vì thiếu môi trường trải nghiệm phù hợp.

Từ đó, Dot Bar đã chủ động lên ý tưởng, kết nối và hợp tác cùng các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM và tổ chức văn hóa phi lợi nhuận Hiếu Văn Ngư để tạo nên chuỗi chương trình biểu diễn.

“Hiện tại, Dot Bar đã tổ chức được 3 kỳ biểu diễn hát bội. Dự kiến trong thời gian tới, quán sẽ duy trì với tần suất 2 tháng/ lần và tiếp tục đưa thêm nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác vào không gian quán”, anh Lê Ngọc Minh chia sẻ.

Tại Hà Nội, khán giả Thủ đô cũng có dịp trải nghiệm với nghệ thuật tuồng qua chương trình Ái Long Địa #3: Tuồng meets techno, diễn ra tại ENTROPY Cocktail Club. Với mục tiêu đưa nghệ thuật truyền thống thoát khỏi không gian nhà hát để đến gần hơn với công chúng trẻ, dự án là sự hợp tác giữa đội ngũ sáng tạo của ENTROPY Cocktail Club và Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Dưới bàn tay đạo diễn NSƯT Trần Văn Long, hai trích đoạn kinh điển từ vở Ôn Đình chém Tá được làm mới qua hình thức sân khấu thử nghiệm, nơi kỹ thuật biểu diễn tuồng truyền thống giao thoa với âm nhạc techno, vũ đạo đương đại và hiệu ứng ánh sáng lấy cảm hứng từ mỹ thuật dân gian.

Không ít người lo ngại việc đưa nghệ thuật truyền thống vào môi trường nightlife sẽ làm phai nhạt giá trị di sản, thế nhưng “Ái Long Địa” đã minh chứng rằng: Nghệ thuật truyền thống có thể hòa mình vào đời sống của giới trẻ. Chị Trần Thị Mỹ Nhật (Trưởng phòng marketing ENTROPY Cocktail Club) bày tỏ: “Âm nhạc nightlife luôn cần những cao trào khiến khán giả bùng nổ cảm xúc. Thật thú vị, tuồng cũng có những nút thắt kỳ ảo, kịch tính rất đặc trưng. Khi được đặt đúng chỗ, những cao trào ấy hòa nhịp hoàn hảo với không khí một đêm nhạc điện tử”.

Những thử nghiệm tại Dot Bar hay ENTROPY Cocktail Club không chỉ dừng lại ở sự kết hợp thú vị giữa truyền thống và hiện đại, mà còn cho thấy những không gian giải trí đêm có thể trở thành sân khấu của nghệ thuật truyền thống và được giới trẻ sẵn sàng đón nhận.

 Di sản “lên đèn” giữa nightlife - ảnh 2
Một trích đoạn tuồng được biểu diễn tại ENTROPY Cocktail Club

Làm mới nhưng không đánh mất bản sắc

Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào không gian giải trí hiện đại giúp những giá trị xưa cũ hòa mình vào mạch sống đương đại. Tuy nhiên, quá trình làm mới này phải được đặt trên nền tảng hiểu đúng và tôn trọng bản chất của các loại hình nghệ thuật truyền thống, tránh biến tấu lệch lạc hay làm phai nhạt tinh thần cốt lõi.

Đưa nghệ thuật truyền thống vào không gian giải trí hiện đại không chỉ là đổi mới hình thức, mà cần một “cú bắt tay” thực chất giữa người đang gìn giữ nghệ thuật truyền thống và người sáng tạo trẻ. Các nhà hát cần chủ động chia sẻ tư liệu, kỹ thuật, chuyên môn.

Ngược lại, những người trẻ cũng phải tiếp cận với tinh thần cầu thị, hiểu rằng loại hình nghệ thuật có cấu trúc và giá trị riêng. Những mô hình hợp tác như giữa ENTROPY Cocktail Club và Nhà hát Tuồng Việt Nam, hay Dot Bar và Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM là dẫn chứng cho cách làm mới nghệ thuật truyền thống một cách nghiêm túc. Sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội chính là yếu tố bảo chứng về mặt kỹ thuật và chất lượng.

Ê kíp sáng tạo cũng cần trang bị cho mình tư duy nghệ thuật đủ sâu để hiểu: Không phải cứ đưa nghệ thuật truyền thống vào bar, hòa âm bằng điện tử, thêm vũ đạo đương đại là tạo nên đột phá.

Chị Khánh Linh (đồng sáng lập ENTROPY Cocktail Club) cho biết: “Để dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, điều tiên quyết là phải tôn trọng cấu trúc cốt lõi của nghệ thuật gốc. Chúng tôi không remix tuồng theo kiểu thay trống bằng beat điện tử, mà giữ nguyên hệ phách, cách hát, rồi đặt nó giữa không gian âm thanh điện tử hiện đại, để người nghe cảm được sức nặng của từng tiếng trống, từng nhịp chân, chứ không phải sự pha tạp dễ dãi. Nghệ thuật truyền thống, nếu chỉ diễn trên sân khấu của nhà hát thì rất dễ bị lớp trẻ xem là xa lạ. Chúng tôi không cố kéo khán giả đến với tuồng, mà kéo tuồng đến gần hơn với nhịp sống hôm nay”.

Để nghệ thuật truyền thống thực sự “sống” trong đời sống hiện đại, cần những nỗ lực bền bỉ để chuyển tải giá trị xưa bằng ngôn ngữ của thời nay - trên những sân khấu linh hoạt, nhưng vẫn giữ vẹn nguyên tinh thần, bản sắc của di sản.