Từ ngày 1.9.2025, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định mới sẽ được thực hiện như thế nào?

TÙNG QUANG

VHO - Chính phủ ban hành Nghị định 208/2025/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khảo cổ; quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm trong, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thế giới; dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập.

Từ ngày 1.9.2025, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định mới sẽ được thực hiện như thế nào? - ảnh 1
Có nhiều quy định mới trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Ảnh: T.L

Về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, Nghị định quy định cụ thể thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; trình tự trong hoạt động quy hoạch di tích; nhiệm vụ lập quy hoạch di tích; hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch di tích; quy hoạch di tích; hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch di tích; trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích...

Thẩm quyền lập nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích:

Nghị định quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có di tích hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (quy hoạch di tích).

Trường hợp di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương, phân bố trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, căn cứ vào việc phân bố di tích có giá trị quan trọng, tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ VHTTDLthống nhất quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chủ trì chịu trách nhiệm lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích sau khi có ý kiến đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương có di tích.

Thẩm quyền thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch di tích:

Nghị định quy định đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích.

Đối với cụm di tích quốc gia hoặc cụm di tích quốc gia với di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với bộ, ngành liên quan thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích.

Thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch di tích:

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL; thỏa thuận nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích tại địa phương.

Trường hợp di tích phân bố trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên theo quy định ở trên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chủ trì phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và ý kiến thỏa thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích.

Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch cụm di tích quốc gia hoặc cụm di tích quốc gia với di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và ý kiến thỏa thuận của Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có di tích.

Nghị định quy định trình tự trong hoạt động quy hoạch di tích:

1- Lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch di tích.

2- Lập quy hoạch di tích, điều chỉnh quy hoạch di tích.

3- Lấy ý kiến bằng văn bản và tổ chức tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng dân cư tại nơi có di tích và ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan.

4- Thẩm định và tổ chức tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định; hoàn thiện, trình phê duyệt, phê duyệt quy hoạch di tích, điều chỉnh quy hoạch di tích.

5- Công bố quy hoạch di tích, điều chỉnh quy hoạch di tích và tổ chức thực hiện quy hoạch di tích, điều chỉnh quy hoạch di tích đã được phê duyệt.

6- Cắm mốc giới theo quy hoạch di tích, điều chỉnh quy hoạch di tích được phê duyệt.

Về nhiệm vụ lập quy hoạch di tích, Nghị định quy định:

1- Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch di tích bao gồm các nội dung sau đây:

a) Căn cứ lập nhiệm vụ lập quy hoạch;

b) Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; rà soát sơ bộ các quy hoạch đã và đang thực hiện có liên quan đến khu vực dự kiến lập quy hoạch di tích;

c) Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; tính chất và chức năng của khu vực quy hoạch di tích;

d) Phạm vi nghiên cứu quy hoạch, phạm vi quy hoạch;

đ) Nội dung, yêu cầu về định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới;

e) Xác định kế hoạch thực hiện quy hoạch;

g) Các nội dung yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

2- Bản đồ số và bản đồ in:

a) Bản đồ vị trí di tích tỷ lệ 1:15.000 hoặc tỷ lệ phù hợp;

b) Bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ hiện trạng công trình đã xây dựng tỷ lệ 1:500 - 1:2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp;

c) Bản đồ xác định các khu vực bảo vệ di tích tỷ lệ 1:500 - 1:2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp;

d) Bản đồ xác định phạm vi nghiên cứu quy hoạch, phạm vi quy hoạch tỷ lệ phù hợp;

đ) Các bản đồ có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Nghị định quy định cụ thể về quy hoạch di tích như sau:

1- Báo cáo thuyết minh quy hoạch di tích bao gồm các nội dung sau đây:

a) Căn cứ lập quy hoạch di tích bao gồm: những nội dung có liên quan được nêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương có di tích đã được phê duyệt; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển; quy hoạch thời kỳ trước; nhiệm vụ lập quy hoạch di tích đã được phê duyệt.

b) Phân tích, đánh giá hiện trạng di tích và đất đai thuộc di tích bao gồm: kết quả khảo sát, nghiên cứu về đặc điểm, giá trị di tích; tình trạng kỹ thuật, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phân tích, đánh giá các yếu tố của môi trường tự nhiên và xã hội tác động tới di tích; hiện trạng về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, mối liên hệ di tích được quy hoạch với các di tích khác trong khu vực nghiên cứu.

c) Quan điểm, mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn.

d) Xác định ranh giới khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp ranh giới khu vực bảo vệ di tích; xác định khu vực cảnh quan văn hóa của di tích, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; đề xuất việc xếp hạng bổ sung công trình, địa điểm mới phát hiện.

đ) Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; danh mục công trình cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng công trình; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

e) Định hướng phát huy giá trị di tích.

g) Định hướng tổ chức không gian, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu của công trình xây dựng mới; định hướng cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch di tích và các định hướng khác có liên quan.

h) Dự báo tác động môi trường và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong phạm vi quy hoạch di tích.

i) Đề xuất nhóm dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên và nguồn vốn đầu tư cho dự án thành phần đó.

k) Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch di tích.

l) Các nội dung yêu cầu khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

2- Bản đồ số và bản đồ in:

a) Bản đồ vị trí di tích và mối liên hệ với di tích khác trong khu vực nghiên cứu quy hoạch tỷ lệ 1:5.000 - 1:15.000 hoặc tỷ lệ phù hợp.

b) Bản đồ hiện trạng về sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực đã được phê duyệt tỷ lệ 1:500 -1:2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp.

c) Bản đồ xác định khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích; khu vực cần giải tỏa vi phạm di tích tỷ lệ 1:500 - 1:2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp.

d) Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng; phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích tỷ lệ 1:500 - 1:2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp.

đ) Bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật tỷ lệ 1:500 - 1:2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp.

e) Các bản đồ cần thiết khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Nghị định quy định trình tự, thủ tục thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích:

Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích là di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia hoặc cụm di tích quốc gia với di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý:

UBND cấp tỉnh hoặc bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích gửi trực tuyến, nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ theo quy định tới Bộ VHTTDL.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch di tích, Bộ VHTTDL có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ. Văn bản thông báo phải nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung hoặc chỉnh sửa hồ sơ liên quan.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của Bộ VHTTDL, UBND cấp tỉnh hoặc bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm bổ sung hoặc chỉnh sửa hồ sơ liên quan. Hết thời hạn trên, nếu chưa nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ VHTTDL có văn bản trả lại hồ sơ.

Trong thời hạn 27 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL có trách nhiệm lấy ý kiến của các bộ, ngành, các nhà khoa học có liên quan và tổ chức Hội đồng thẩm định theo quy định tại Điều 90 Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa.

Trong thời hạn 27 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích, Bộ VHTTDLh có văn bản thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch di tích.

Nghị định quy định trình tự, thủ tục phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích:

Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích là di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, Bộ VHTTDLgửi trực tuyến, nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ theo quy định tới Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích.

Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích là cụm di tích quốc gia hoặc cụm di tích quốc gia với di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý:

Chủ đầu tư lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích gửi trực tuyến, nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích theo quy định tới UBND cấp tỉnh, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích để phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch di tích, UBND cấp tỉnh, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ. Văn bản thông báo phải nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung hoặc chỉnh sửa hồ sơ liên quan.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của UBND cấp tỉnh, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích, chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung hoặc chỉnh sửa hồ sơ liên quan. Hết thời hạn trên, nếu chưa nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp tỉnh, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích có văn bản trả lại hồ sơ.

Trong thời hạn 27 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định của Bộ VHTTDL, UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích.

Nghị định nêu rõ đối với nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích phân bố trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích thực hiện như quy định ở trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2025.