Xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần tại di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ:

Không được phá vỡ cảnh quan di tích

PHƯƠNG ANH; ảnh: TR.HUẤN

VHO - Việc xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần tại TP Điện Biên Phủ nằm trong tổng thể của di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ cần cân nhắc hạn chế ảnh hưởng tới cảnh quan chung khu vực di tích; không xâm phạm, xóa bỏ các thành phần, chứng tích gốc của di tích; không cản trở việc tái tạo, phục dựng, phỏng dựng lại cảnh quan chiến trường, các thành phần công trình theo định hướng của Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

 Không được phá vỡ cảnh quan di tích - ảnh 1
Du khách tham quan di tích đồi A1. Ảnh: TR.HUẤN

 Đây là một trong những nội dung trọng tâm tại hội thảo khoa học “Xây dựng khôi phục đền thờ Đức Thánh Trần tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên” do tỉnh Điện Biên phối hợp Hội Di sản Văn hóa Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Nghiên cứu kỹ lưỡng

PGS.TS Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên chia sẻ, trong quy hoạch, định hướng bảo tồn, phục hồi di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, vấn đề được đặc biệt lưu ý là cần gắn với bản sắc văn hóa địa phương và bảo tồn di tích.

Theo các chứng cứ lịch sử và ký ức của người dân địa phương, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhân dân Điện Biên (Lai Châu trước đây) đã xây dựng ngôi đền, lưu truyền là đền thờ Đức Thánh Trần tại khu vực đồi cao trung tâm (trước đồng bào Thái gọi là Đồi Lạng Chượng), nay là khu vực dãy các Đồi A1 - Đồi F - Đồi Cháy (tên gọi của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ) thuộc TP Điện Biên Phủ. “Ngày nay, nhân dân Điện Biên mong mỏi được xây dựng khôi phục ngôi đền thờ Đức Thánh Trần do cha ông xây dựng”, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, khi đến TP Điện Biên Phủ, du khách luôn mong muốn tìm hiểu lịch sử giai đoạn trước 1954. Dù khá muộn nhưng những phát hiện mới xung quanh các tấm ảnh về đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1 bổ sung cho mong muốn nêu trên, với ý tưởng ban đầu về việc phục dựng đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1.

Ông Hùng cũng cho biết, qua những bàn thảo, quan điểm xây dựng mới đã dần thay thế quan điểm phục dựng ban đầu. Bảo tồn và khai thác hiệu quả một thành phố lịch sử là công việc khổng lồ và là chuyện của muôn đời. Trong bối cảnh tỉnh Điện Biên đang phát triển về kinh tế - xã hội, cần tạo nên nhận thức chung về mục tiêu xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần. Đền thờ là một điểm tựa tinh thần dân tộc, điểm tựa tâm linh và văn hóa nơi vùng biên viễn Tây Bắc Tổ quốc.

“Nghiên cứu kỹ lưỡng và có phương án quản lý gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Những giá trị to lớn của di tích nhất thiết trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo, sản phẩm du lịch, mang lại nguồn thu cho bảo tồn, cho sự phát triển bền vững. Đó là biện pháp đảm bảo sự tồn tại lâu dài của di sản văn hóa…”, TS Nguyễn Thế Hùng lưu ý.

 Không được phá vỡ cảnh quan di tích - ảnh 2
Du khách tham quan đồi A1

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cũng nhấn mạnh, cần gắn việc nghiên cứu xây dựng, phục dựng đền với quy hoạch di tích Chiến trường Điện Biên Phủ để có cơ sở, hành lang pháp lý phù hợp với định hướng bảo tồn, phục hồi di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; xã hội hóa những đóng góp vật chất, nguyên vật liệu, kinh phí của các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, không gian văn hóa tại ngôi đền này cũng cần được xây dựng phù hợp với cảnh quan sinh thái xung quanh, với truyền thống văn hóa, lịch sử, quan niệm thẩm mỹ, tập tục thờ cúng của không gian văn hóa Tây Bắc - Điện Biên; có hình thức ghi nhận dấu tích đồi Lạng Chượng tại khu vực các đồi cao…

 Không được phá vỡ cảnh quan di tích - ảnh 3
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tìm những giải pháp khả thi để không ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian di tích

Đồi Cháy sẽ là địa điểm xây dựng?

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, phục hồi đền thờ Đức Thánh Trần tại TP Điện Biên Phủ là một công việc lớn và cần thiết. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công hiển hách, niềm kiêu hãnh của dân tộc, ngày nay Điện Biên cũng đã trở thành một điểm đến thu hút với đông đảo du khách.

“Việt Nam có rất nhiều địa điểm xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần, tại sao Điện Biên lại không? Việc phục hồi đền thờ Đức Thánh Trần cần đưa được giá trị thiêng vào không gian Điện Biên Phủ, đặc biệt phải có sự gắn kết truyền thống và hiện đại. Đền thờ cần được phục hồi như một sản phẩm văn hóa độc đáo và đó chính là cách tăng thêm giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Lưu ý về vị trí xây dựng, KTS Trần Quốc Tuấn (Viện Bảo tồn Di tích, Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, đền thờ nằm trong tổng thể của một di tích quốc gia đặc biệt, có tính chất khác biệt so với tính chất của di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ.

 Không được phá vỡ cảnh quan di tích - ảnh 4
Ảnh tư liệu đền thờ Đức Thánh Trần tại đồi A1 (được chụp đầu thế kỷ XX) do Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên thu thập

Do đó, việc xây dựng, khôi phục cần cân nhắc hạn chế ảnh hưởng tới cảnh quan chung khu vực di tích; không xâm phạm, xóa bỏ tới các thành phần, chứng tích gốc của di tích; không cản trở việc tái tạo, phục dựng, phỏng dựng lại cảnh quan chiến trường, các thành phần công trình theo định hướng của Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

KTS Trần Quốc Tuấn cũng cho rằng, địa điểm xây dựng đền thờ phải tạo được mối liên kết với các điểm di tích góp phần cộng hưởng, làm tăng giá trị tổng thể chung, phát huy hiệu quả giá trị của di tích gốc; ưu tiên lựa chọn các điểm di tích dạng chỉ còn địa danh, không còn dấu tích, chứng tích gốc của cuộc chiến, chưa được đầu tư khai thác và phát huy.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đồng quan điểm cho rằng, đền thờ nằm trong tổng thể không gian di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ nên công trình xây dựng mới không được làm ảnh hưởng, phá hủy các dấu tích đã được bảo tồn hoặc đã được phục hồi, hoặc đang còn bị vùi lấp dưới đất.

Bên cạnh đó, đền thờ Đức Thánh Trần là công trình tưởng niệm, phương án kiến trúc ngoài tuân thủ nguyên tắc chung thì không nên “dập khuôn nguyên mẫu” các đền thờ gắn trực tiếp với cuộc đời và sự nghiệp của Đức Thánh Trần ở Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình. Quy mô cần tính toán hợp lý, bảo đảm trang nghiêm và hài hòa với cảnh quan vùng Tây Bắc.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên đã cung cấp thông tin tư liệu về sự tồn tại của Đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1 những năm đầu thế kỷ XX. Đây là một phát hiện mới có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa bởi đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1 chưa được ghi chép tại các thư tịch ở Việt Nam. Qua nghiên cứu, phân tích của Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên cho thấy các tư liệu này có tính xác thực.

“Đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên tìm kiếm thêm tư liệu ảnh, ghi chép và điều tra thực địa, kiểm tra hồ sơ dự án, phỏng vấn nhân chứng, nhất là đơn vị thi công di tích đồi A1 dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ để thu thập thêm thông tin về dấu vết nền móng của ngôi đền đã bị phá hủy”, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa nhấn mạnh.

Địa điểm xây dựng đền thờ là nội dung rất thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà quản lý và nhân dân. PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh, phục hồi hay xây dựng mới đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1 hay ở một vị trí khác đã được bàn thảo kỹ và có thể kết luận không đủ cơ sở để phục hồi với các tư liệu hiện có, đồi A1 không có đủ không gian mặt bằng cho việc này.

Nếu đặt vấn đề phục hồi hay xây dựng mới tại đồi A1 sẽ ảnh hưởng tới bảo tồn các dấu tích của đồi A1, không có vị trí đáp ứng các điều kiện của một ngôi đền truyền thống, đặc biệt là ngôi đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo với những chiến công bất hủ ở thế kỷ XIII.

Một số ý kiến khẳng định đồi Cháy là địa điểm nhiều lợi thế về vị trí, mặt bằng, không gian, diện tích, cảnh quan, môi trường. “Việc xây dựng đền Trần tại di tích đồi Cháy sẽ tạo nên một trục liên hoàn gồm đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1, tạo thành nơi tập trung sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và các bậc tiền nhân có công lao trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thuận lợi cho nhân dân, du khách khi đến tham quan, tưởng nhớ”, ông Đào Duy Trình, Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên khẳng định.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ nêu: “Đề xuất này là hợp lý. Tuy nhiên, tỉnh Điện Biên cần khảo sát kỹ, tính đến tới nhiều mặt, nhất là cơ sở pháp lý, vì đồi Cháy là di tích quốc gia đặc biệt, trong số 46 điểm di tích quốc gia đặc biệt của Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch và cho phép xây dựng...".