Sân chơi của những người làm thư viện tâm huyết

VHO- Văn hóa đọc là “chìa khóa” để mở ra hiểu biết về biển đảo quê hương, nâng cao nhận thức cho bạn đọc về vai trò, vị trí và ý nghĩa của biển đảo trong lịch sử - văn hóa Việt Nam. Với vai trò là “đầu tàu”, Bộ VHTTDL đã tổ chức “Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách về chủ quyền biển đảo Việt Nam” cho gần 700 cán bộ thư viện - đại diện cho hơn 10.000 người làm công tác thư viện của 63 thư viện tỉnh/ thành phố, thư viện lực lượng vũ trang trong cả nước.

Sân chơi của những người làm thư viện tâm huyết - Anh 1

Các tiết mục được đầu tư kỹ lưỡng về mặt nội dung lẫn hình ảnh

“Việt Nam - Đất nước bên bờ sóng”

Biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, gắn liền với những mốc son chói lọi trong lịch sử  dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, kích động mâu thuẫn, hận thù, chống phá đường lối phù hợp, đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, thì chúng ta càng phải chủ động tích cực đấu tranh phòng chống. Trong đó, phát triển văn hóa đọc là một trong những giải pháp nhằm vun đắp tình yêu biển đảo, nâng cao kiến thức, hiểu biết đúng đắn về chủ trương, đường lối đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cho bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ. Chính vì thế, Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc 2023 đã mang chủ đề vô cùng ý nghĩa là “Việt Nam - Đất nước bên bờ sóng”. Theo đó, những cuốn sách được các đoàn thư viện đem đến giới thiệu tại Liên hoan là nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, đang được lưu trữ và phục vụ bạn đọc tại các thư viện, sẽ cung cấp cho người xem nguồn thông tin toàn diện và cập nhật về biển, đảo; tiềm năng và thế mạnh của biển, đảo Việt Nam; công tác quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, căng thẳng hiện nay.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách năm 2023 với Chủ đề: “Việt Nam - Đất nước bên bờ sóng” là cơ hội để người làm công tác thư viện vận dụng kỹ năng giới thiệu sách, tuyên truyền những tài liệu về lịch sử, vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo; về ý thức bảo vệ tài nguyên - môi trường biển; ý thức đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; quảng bá thành tựu, tôn vinh những điển hình tiên tiến từ phát triển kinh tế biển, đảo của quê hương. Cũng theo Thứ trưởng: “Liên hoan là sân chơi bổ ích để người làm công tác thư viện thể hiện lòng yêu nghề, là cơ hội vô cùng quý báu để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, học hỏi và khơi dậy những cách làm hay, ý tưởng mới, sáng tạo trong hành trình đưa sách tới người đọc. Liên hoan cũng là một trong nhiều hoạt động tăng cường, đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, mang lại hiệu quả và sức lan tỏa, góp phần khuyến khích việc đọc sách và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.

Sân chơi của những người làm thư viện tâm huyết - Anh 2

Phần thi của Thư viện Hải quân được BGK đánh giá cao

Đến với Liên hoan năm nay, các thư viện sẽ trải qua 4 phần thi. Phần 1 là giới thiệu đội hình; Phần 2 là giới thiệu 01 tác phẩm hoặc 01 chùm tác phẩm đề cập một trong những nội dung sau: Về vị trí, vai trò chiến lược của biển đảo; chủ quyền biên giới biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam; những cống hiến của chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư...; cuộc sống của ngư dân và quá trình bám biển, bảo vệ biển đảo của ngư dân; những tấm gương anh dũng, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Phần 3 là giới thiệu một sáng kiến kinh nghiệm hoặc mô hình trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền sách, báo, tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam; Phần 4 là năng khiếu, biểu diễn các tiết mục nghệ thuật hát, múa, kịch, ngâm thơ và các loại hình nghệ thuật khác.

Bằng việc sân khấu hóa với sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng và ứng dụng công nghệ thông tin, các đoàn tham gia Liên hoan đã thể hiện phần thi đầy hấp dẫn, sáng tạo, truyền tải nội dung của sách đến với với bạn đọc một cách dễ dàng. Đặc biệt, với kinh nghiệm, tài năng và kiến thức sẵn có, cộng với lòng say mê nghề nghiệp, những người làm công tác thư viện, văn hóa đã mang đến cho khán giả các tiết mục đặc sắc, chất lượng về phần nghe lẫn phần nhìn, từ đó tạo sức lan tỏa lớn, để lại nhiều ấn tượng.

Nơi cán bộ thư viện thể hiện tài năng và niềm đam mê

Mở màn đêm thi đầu tiên, thư viện Hải quân đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thông qua cuốn sách Lời thề trước biển do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2014 do các tác giả Lam Hồng, Thụy An, Hạnh Nguyên sưu tầm và tuyển chọn. Cùng với đó là trình bày các giải pháp nâng cao hoạt động công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc của Quân chủng Hải quân. Là thành viên tham gia giới thiệu sách, đại úy chuyên nghiệp Trần Thị Phương Loan, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân cho biết, tác phẩm Lời thề trước biển sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Bản thân là một người lính Hải quân, khi tham gia tuyên truyền, giới thiệu sách về chủ đề biển đảo, tôi càng tự hào và trân quý hơn. Chính vì thế, không chỉ bản thân tôi, mà các anh chị em trong đoàn luôn nỗ lực và tập luyện nghiêm túc, để mang đến Liên hoan một tiết mục chất lượng, ý nghĩa nhất. Bởi đây chính là dịp để đội tuyển của Quân chủng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quảng bá những tài liệu, cuốn sách hay, có giá trị về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, đại úy chuyên nghiệp Trần Thị Phương Loan tự hào chia sẻ.

Sân chơi của những người làm thư viện tâm huyết - Anh 3

Các đội thi đã lồng ghép yếu tố văn hóa để quảng bá về địa phương

Theo đó, trong các ngày thi tiếp theo, các đội thi đã khéo léo lồng ghép chủ đề cùng với những nét nổi bật của văn hóa địa phương. Như trong phần dự thi của thư viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), đơn vị đã xây dựng chương trình nghệ thuật gồm các thể loại ca, múa, tiểu phẩm sân khấu, nghệ thuật diễn xướng Nói thơ Vân Tiên, Đờn ca tài tử... với nội dung giới thiệu đặc điểm địa phương, đặc điểm đơn vị tham gia, nêu giá trị và bài học lịch sử của con đường Hồ Chí Minh trên biển. Đồng thời giới thiệu tác phẩm Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến Đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông. Đơn vị cũng giới thiệu đến liên hoan mô hình: “Đổi mới phương thức hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nâng cao hiệu quả tuyên truyền thông qua ứng dụng công nghệ”. Anh Nguyễn Trung Hiếu, viên chức phòng đọc thư viện Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Đây là một sân chơi vô cùng bổ ích, là dịp để cán bộ, viên chức thư viện có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm với các đơn vị thư viện trong cả nước. Qua tác phẩm tác phẩm lần này, thư viện Nguyễn Đình Chiểu mong muốn tuyên truyền, giới thiệu truyền thống cách mạng của nhân dân Bến Tre trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, giáo dục truyền thống yêu nước kết hợp vận dụng phát huy giá trị đường Hồ Chí Minh trên biển trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, trong đó phát triển kinh tế biển ở địa phương và Bến Tre trong giai đoạn hiện nay”.

Bên cạnh đó, mỗi đoàn tham dự đã tô điểm thêm những màu sắc nghệ thuật cho Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc 2023 thêm hoành tráng, như thư viện tỉnh Hà Tĩnh mang đến kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh qua tiết mục Chuyện từ ngày giỗ; thư viện tỉnh Bình Định mang đến dân ca bài chòi; thư viện tỉnh Tuyên Quang mang đến nghệ thuật Then… Chị Trần Hoàng Quyên, viên chức phòng tin học, thư viện tổng hợp thành phố Đà Nẵng cũng vô cùng hào hứng với Liên hoan năm nay. “Tôi thấy chủ đề năm nay rất ấn tượng và vô cùng phù hợp. Qua đó, giúp cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và đặc biệt là những người làm công tác thư viện, những người làm công tác văn hóa thêm vững tin vào chủ trường và chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của đất nước”, chị Quyên chia sẻ.

Có thể thấy, việc phát triển văn hóa đọc để giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân bảo vệ chủ quyền biển đảo rất cần được thực hiện đồng bộ, thường xuyên và lâu dài. Và không ai khác, chính các cán bộ thư viện là cầu nối hiệu quả nhất. Chính vì thế, Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc năm 2023 không chỉ là nơi để người làm công tác thư viện giao lưu, học hỏi, mà thông qua đó chính các tiết mục tuyên truyền, giới thiệu sách về biển đảo sẽ được đơn vị mang về địa phương để phổ biến rộng rãi hơn đến với đông đảo bạn đọc.

Bài, ảnh: HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc