Phát triển nghệ thuật trong bối cảnh đương đại:

Cơ hội và thách thức

BÌNH THỦY

VHO - Tại Hội thảo khoa học: “Cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững”, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức tại TP.HCM mới đây, chuyên gia cho rằng, hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sự cạnh tranh trên trường quốc tế đang ngày càng gay gắt hiện nay, sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và kì vọng…

Cơ hội và thách thức - ảnh 1
Điện ảnh là một trong những ngành nghệ thuật có nhiều thế mạnh của Việt Nam

Nghệ thuật Việt Nam phải có cách nhìn mới

GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh, cùng với lịch sử của dân tộc, nghệ thuật Việt Nam phát triển không ngừng và đến nay đã gặt hái được nhiều thành quả nhất định. Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng trước bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sự cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia trên trường quốc tế đang ngày càng gay gắt hiện nay, sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và kì vọng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt ra.

Cơ hội và thách thức - ảnh 2
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên

Theo GS Nguyễn Xuân Tiên: “Thực tiễn đòi hỏi văn hóa và nghệ thuật Việt Nam phải có cách nhìn mới, những chủ trương mới và sự chỉ đạo, định hướng quyết liệt để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh của ngành, thúc đẩy nền nghệ thuật quốc gia phát triển sao cho xứng với vai trò, vị trí vốn có của nó.

Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu một cách tổng thể, hệ thống mang tính liên ngành và tiếp cận nghệ thuật theo nhiều chiều kích khác nhau với mục tiêu phát triển nghệ thuật Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước là vô cùng cần thiết và cấp bách”.

Chia sẻ về phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thời đại số, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Trường ĐH Sài Gòn cho biết, công nghệ đã tham gia rất sâu vào chuyên môn âm nhạc, từ sáng tác âm nhạc đến phối khí, hòa âm. Đến nay, trí thông minh nhân tạo (AI) tiến rất xa trong việc “sản xuất” những “tác phẩm” âm nhạc chỉ trong vài giây. Đối với các sản phẩm nghệ thuật âm nhạc, chỉ bàn về mặt chất lượng, người ta dễ dàng nhận thấy hàm lượng nghệ thuật, văn hóa kể cả tính chất thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa... đều có thể bị đẩy xuống hàng thứ yếu do kỹ thuật - công nghệ đã có đủ khả năng thay thế…

“AI đang là xu hướng không thể cưỡng lại của sáng tác âm nhạc, nên, dù không muốn sử dụng, cũng cần phải biết cách phân biệt sản phẩm âm nhạc của AI với sáng tác từ con người. Tóm lại, trong lĩnh vực biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, thực tế cho thấy công nghệ đã trở thành phương tiện đắc dụng, và… không thể thiếu. Nhưng để phát triển nghệ thuật âm nhạc theo hướng “bền vững”, chúng ta vẫn chưa chiếm lĩnh, quản lý, đưa công nghệ vào nghệ thuật một cách chủ động”, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm bày tỏ.

Cơ hội và thách thức - ảnh 3
PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm

Góc nhìn đào tạo, PGS.TS Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chia sẻ: Các nghiên cứu cho thấy những đóng góp quan trọng của giáo dục nghệ thuật mang lại kiến thức và những giá trị phổ quát, nâng cao nhận thức xã hội và hiểu biết về di sản văn hóa chung của nhân loại. Nghệ thuật vẫn được xem là phương tiện “kích hoạt” lý trí và cảm xúc, bởi nghệ thuật có khả năng kết hợp cả hai phương diện này thông qua nguồn cảm hứng và cách cảm nhận nghệ thuật. Đặc biệt trải nghiệm đời sống là một cách thức kích thích sự sáng tạo vì nó kích hoạt tư duy quan sát, óc phán đoán và tư duy sáng tạo để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật.

“Hiện nay, trong các cơ sở đào tạo, các bộ môn nghệ thuật như văn học, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… đều đã được đưa vào nghiên cứu ở dạng chuyên đề, môn tự chọn hoặc tổ chức tọa đàm… Tuy nhiên, nghệ thuật với tư cách là một đối tượng nghiên cứu và giảng dạy một cách tổng phổ, toàn vẹn thì lại do hoàn cảnh nên chưa được tổ chức đào tạo một cách xứng đáng, đúng tầm ở Việt Nam”,  PGS.TS Phan Thị Bích Hà cho hay.

Cần tạo hệ sinh thái tích cực để nuôi dưỡng nghệ thuật

Bàn luận về câu chuyện cần làm gì để nghệ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh đương đại, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đưa ra một số giải pháp. Theo ông, Nhà nước cần thường xuyên quan tâm đồng hành cùng chiến lược xây dựng các tập đoàn điện ảnh gồm những nhà đầu tư tâm huyết, có thực lực trở thành những “người mẹ đỡ đầu”, đầu tư mạnh cho điện ảnh Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái để kích thích sự phát triển điện ảnh trong nước từ khâu tìm kiếm ý tưởng, sản xuất đến phát hành, tài trợ cho nhiều dự án phim - chính là việc tạo dựng một hệ sinh thái điện ảnh làm bệ đỡ cho nhiều bộ phim vươn cao, vươn xa.

Cơ hội và thách thức - ảnh 4
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú

“Việc tạo được hệ sinh thái tích cực, lành mạnh giúp nuôi dưỡng tác phẩm điện ảnh từ khi còn là ý tưởng đến khi thành tác phẩm xứng tầm, giúp nền điện ảnh dân tộc thực sự phát triển và phát triển bền vững.

Cạnh đó, ở khâu “đầu ra”, đầu tư các cụm rạp vào loại lớn và hiện đại với hệ thống máy móc, thiết bị chiếu phim hình ảnh và âm thanh đạt chất lượng cao cũng là một trong những thành tố quan trọng góp phần đồng hành kiến tạo nên một hệ sinh thái điện ảnh bền vững và mở đường cho điện ảnh Việt Nam đến nhiều hơn với các liên hoan phim uy tín trên thế giới”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam mong muốn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, hoạt động của mỗi lĩnh vực nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đều đòi hỏi có những nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Đây là xu hướng, là nhu cầu và là sự tồn tại của ngành âm nhạc. Đây cũng là dấu hiệu nhanh chóng hòa nhập và phù hợp xu thế của ngành âm nhạc. Khoa học công nghệ có thể là một hướng mở cho hoạt động và là hướng phát triển của loại hình nghệ thuật này.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, Hội thảo khoa học thuộc đề tài KH&CN cấp quốc gia “Phát triển nghệ thuật ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo bà, “Nghệ thuật cần phải là một trong những trụ cột phát triển bền vững. Văn hóa - nghệ thuật có vai trò định vị bản sắc, thương hiệu, về tâm thế của một quốc gia… Thế nhưng trong bối cảnh đương đại hiện nay, chúng ta còn nhiều rào cản về mặt thể chế, mặt nhận thức, về sự tham gia, đồng lòng, quyết liệt của các chủ thể tham gia quá trình này”.

Cơ hội và thách thức - ảnh 5
Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, để phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững, cần tập tập trung vào các giải pháp liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm sao các lĩnh vực nghệ thuật sẽ được ưu tiên. Cần phải xác định các chính sách của Đảng và Nhà nước phải tiếp cận được yêu cầu của phát triển bền vững và phải gắn được sức mạnh của nghệ thuật truyền thống, xu hướng của nghệ thuật đương đại và ứng dụng một cách chủ động các tiến bộ của khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần chú trọng các giải pháp liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật...