Kinh nghiệm quốc tế về hợp tác sản xuất phim
VHO - Nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới là vấn đề được các chuyên gia điện ảnh trong nước và quốc tế dành sự quan tâm, bàn thảo tại hội thảo Hợp tác sản xuất phim- Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ hai (DANAFF II).
Sáng 5.7.2024 tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo "Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển" với sự tham dự của các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp phim. Nhiều nội dung được thảo luận, trọng tâm nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong sản xuất phim.
Trong những nỗ lực hợp tác nhằm nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho sản xuất phim, các chuyên gia trong ngành cùng các cơ quan địa phương cùng gặp gỡ, bàn thảo tại Hội thảo Hợp tác sản xuất phim: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF).
Sự kiện do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ các thực tiễn quốc tế tốt nhất, và khám phá các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy ngành công nghiệp phim của Việt Nam tiến xa hơn.
TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc LHP Châu Á Đà Nẵng lần thứ II (DANAFF II) phát biểu khai mạc Hội thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam tập trung phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.
TS. Ngô Phương Lan khẳng định rằng ngành công nghiệp điện ảnh không chỉ có tiềm năng lớn trong việc đóng góp vào nền kinh tế quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân.
"Một bộ phim được làm ra có công sức lao động của rất nhiều người, từ rất nhiều ngành nghề trong xã hội, đòi hỏi thời gian và nỗ lực của nhiều cá nhân và cả một êkip đoàn làm phim. Để tạo ra một sản phẩm là một bộ phim hoặc một chương trình truyền hình cho khán giả Việt Nam và toàn cầu, chúng ta cần học hỏi nhiều từ các quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Hội thảo Hợp tác Sản xuất Phim chính là nơi để chúng ta lắng nghe và học tập, từ đó cùng nhau nâng cao chất lượng các bộ phim mang thương hiệu Việt Nam…”, Giám đốc DANAFF II chia sẻ.
Năm 2023, VFDA đã giới thiệu Bộ chỉ số Thu hút đoàn làm phim (gọi tắt là PAI - Production Attraction Index), nhằm truyền tải thông điệp từ các địa phương trên cả nước đến các nhà làm phim và mời gọi họ đến quay phim. Nhờ PAI, lời mời từ nhiều địa phương đã đến được với các nhà làm phim và bước đầu đã có những bộ phim được thực hiện như kết quả của chương trình này.
Đại diện một trong sáu hãng phim Hollywood, ông Jared Dougherty, Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách Chính sách công và Đối ngoại của Sony Pictures Entertainment Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã mang đến cho hội thảo những kinh nghiệm thực tiễn quốc tế có thể áp dụng được ở Việt Nam. Ông Jared Dougherty chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến những khía cạnh trong hoạt động làm phim, từ kinh nghiệm kêu gọi đầu tư tài chính cho bộ phim đến việc khai thác giá trị tài sản trí tuệ của các bộ phim.
Theo các chuyên gia điện ảnh, dù đây là những vấn đề đã được trao đổi tại nhiều diễn đàn nhưng thông tin từ một hãng phim lớn, cha đẻ của các bộ phim bom tấn vẫn là kênh rất bổ ích cho các nhà làm phim Việt Nam.
Chương trình hội thảo lần này đã được chuẩn bị một cách công phu với tiết mục kịch ngắn dẫn đề thảo luận: Thiên đường làm phim của nhà sản xuất Quỳnh Hà, đạo diễn Quốc Trung, và biên kịch từ Bột Creative Hub.
Các diễn giả giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực điện ảnh trong nước và quốc tế tham gia thảo luận có ông Sirisak Koshpharashin, đại diện Liên đoàn Quốc gia của các Hiệp hội làm phim Thái Lan; bà Winnie Tsang, Người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty điện ảnh Golden Scene (Hong Kong, Trung Quốc); đại sứ Phạm Quang Vinh; bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL); nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan.
Hội thảo đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ điện ảnh quốc tế, khẳng định cam kết của các cơ quan và tổ chức trong việc hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh đất nước.