Thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020 - 2023:

Khẳng định giá trị văn hoá Việt Nam trong dòng chảy văn hoá nhân loại

THU SÂM - ĐÌNH TOÁN

VHO - Sáng 4.6 tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về Báo cáo quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020 - 2023.

Tham dự Hội thảo về phía quốc tế có ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; ông Marco Della Seta, Đại sứ Italia tại Việt Nam; ông Piere du Ville, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam; ông Choi Seung Jin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cùng đại diện Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Ấn Độ và Hội đồng Anh…

Khẳng định giá trị văn hoá Việt Nam trong dòng chảy văn hoá nhân loại - ảnh 1
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hoà phát biểu tại Hội thảo

Về phía Việt Nam có TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; đại diện Sở VHTT/VHTTDL một số địa phương; các thiết chế văn hóa, hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo và đông đảo chuyên gia, nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hoà nhấn mạnh, Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa là một công cụ pháp lý quốc tế trao cho các quốc gia chủ quyền ban hành các chính sách văn hóa, tăng cường hợp tác quốc tế để tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển đa dạng của các biểu đạt văn hóa.

Khẳng định giá trị văn hoá Việt Nam trong dòng chảy văn hoá nhân loại - ảnh 2

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam  Jonathan Baker đánh giá Việt Nam là quốc gia tích cực thực hiện Công ước 

Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, ra đời Công ước và cũng là 1 trong những quốc gia sớm phê chuẩn Công ước vào tháng 7.2007, ngay sau khi Công ước có hiệu lực. Kể từ khi tham gia Công ước đến nay, Việt Nam luôn thể hiện vai trò chủ động, tích cực với hai lần trúng cử thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước và hiện đang đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Uỷ ban Liên Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Về nghĩa vụ thành viên, Điều 9 của Công ước 2005 về Chia sẻ thông tin và sự minh bạch quy định các quốc gia thành viên có trách nhiệm cung cấp các thông tin phù hợp trong báo cáo định kỳ 4 năm/lần cho UNESCO về các biện pháp thực hiện để bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong lãnh thổ của mình và ở cấp quốc tế”.

Báo cáo định kỳ của các quốc gia là nguồn tư liệu quan trọng để UNESCO xây dựng Báo cáo Toàn cầu về việc thực hiện Công ước 2005 và đặc biệt để các quốc gia chia sẻ các bài học kinh nghiệm và các thực hành tốt trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.

Khẳng định giá trị văn hoá Việt Nam trong dòng chảy văn hoá nhân loại - ảnh 3
Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Hải Vân trình bày tổng quan báo cáo

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện 3 chu kỳ Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2008 - 2011, 2012 - 2015 và 2016 - 2019. Theo tiến độ, Việt Nam sẽ phải nộp Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2020-2023 cho UNESCO trong tháng 6 năm 2024. Hội thảo nhằm tạo một diễn đàn rộng rãi để các bên liên quan cùng góp ý nhằm hoàn thiện Báo cáo quốc gia do Tổ biên soạn gồm đại diện của các bộ, ban, ngành liên quan và một số tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dự thảo.

Bà Nguyễn Phương Hoà cũng nhấn mạnh, dù phải đối mặt với giai đoạn khó khăn, khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 khiến lĩnh vực văn hoá bị ảnh hưởng nặng nề do các hoạt động đòi hỏi tập trung đông người nhưng chính trong bối cảnh ấy, chưa bao giờ chúng ta lại thấy lĩnh vực văn hóa được Đảng và Nhà nước Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt đến vậy. Đáng chú ý nhất phải kể đến Hội nghị Văn hoá toàn quốc vào tháng 11.2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

Điểm nhấn tiếp theo là các Hội thảo thể chế, chính sách và các nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022 do Quốc hội chủ trì, Hội nghị toàn quốc kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Hội nghị toàn quốc lần đầu tiên về công nghiệp văn hóa năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì… Tất cả đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội.

Ở cấp Trung ương, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đặt ra một loạt các mục tiêu cụ thể cho văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm…

Ở cấp độ địa phương, nhiều chính sách quan tâm đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng được một số tỉnh, thành phố ban hành như TP. Hà Nội với Nghị quyết Số 09 – NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khẳng định giá trị văn hoá Việt Nam trong dòng chảy văn hoá nhân loại - ảnh 4
Toàn cảnh hội thảo

Ngoài ra, TP.HCM đã có Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030; tỉnh Quảng Ninh với Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Tỉnh ủy Quảng Nam có Nghị quyết 11- NQ/TU về phát triển sự nghiệp văn hóa, TDTT giai đoạn 2021 - 2025…

Ở cấp độ các thiết chế văn hóa, hiệp hội, cá nhân nghệ sĩ, nhiều sáng kiến được chủ động thực hiện, tạo nên một đời sống văn hóa – nghệ thuật sôi động. Đây cũng là giai đoạn ghi nhận sự chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam, vượt qua những ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Vì vậy, tại Hội thảo, chúng tôi mong muốn các đại biểu sẽ tham gia đóng góp ý kiến sôi nổi về các biện pháp, sáng kiến, đặc biệt từ các địa phương, các ngành liên quan và các hiệp hội, cá nhân nghệ sĩ; cùng trao đổi, phân tích, đánh giá những kết quả và hạn chế, nhận diện cơ hội và thách thức, đồng thời đề xuất các khuyến nghị để hoàn thiện chính sách trong thời gian tới”, bà Nguyễn Phương Hoà đề nghị.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đối với lĩnh vực văn hoá. Trong giai đoạn này, Chính phủ Việt Nam đã tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi để thúc đẩy thực thi Công ước. Văn hoá Việt Nam cũng có bước tiến bộ lớn. Công nghiệp văn hoá, hệ sinh thái văn hoá sáng tạo của quốc gia được phát triển mạnh.

Ông Jonathan Baker cũng nêu rõ, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội luôn sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thực hiện Công ước 2005 cũng như các lĩnh vực hợp tác liên quan giữa hai bên.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cho ý kiến góp ý về dự thảo báo cáo; đánh giá những thành tựu, thách thức trong quá trình thực hiện Công ước 2005 cũng như đề xuất nhiều giải pháp, chính sách nhằm thực hiện Công ước, phát triển văn hoá Việt Nam.