Bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc (Bài cuối):

Cộng hưởng truyền thống - hiện đại để đưa nhạc Việt vươn xa

THANH NGỌC - HUYỀN MY

VHO - Với sự đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc riêng của từng vùng miền, âm nhạc truyền thống Việt Nam là nguồn cảm hứng vô tận để các nghệ sĩ sáng tạo, làm mới, từ đó quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa, tạo sức hút tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.

 Cộng hưởng truyền thống - hiện đại để đưa nhạc Việt vươn xa - ảnh 1

 Chương trình nghệ thuật “Về Kinh Bắc” biến tấu chất liệu dân gian cho phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc đương đại

Chất liệu vô giá cho sáng tạo

Cuối tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Về Kinh Bắc” của nhóm nhạc Thiên Thanh, do nghệ sĩ Ngô Hồng Quang làm Tổng đạo diễn. Trong đêm nhạc, chất liệu dân gian đã được biến tấu không chỉ vềmặt hòa âm màcòn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau, tạo nên không gian tươi mới, trẻ trung, đa sắc, phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc đương đại.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho biết: “Trong những lần chu du khắp nơi trên thế giới, ở mỗi quốc gia tôi đặt chân tới hay chương trình biểu diễn có tính quốc tế được đề cao, âm nhạc dân gian Việt Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Làn điệu ngũ cung không những được hòa mình bay lượn cùng âm nhạc của các nước để người nghe thấy được âm sắc hoa mỹ rất Việt, mà còn được đón nhận một cách nồng nhiệt từ nhiều tầng lớp khác nhau bởi yếu tố văn hóa và lịch sử của âm nhạc truyền thống”.

Từ những trải nghiệm đó, với mong muốn lan tỏa âm sắc Quan họ và các thể loại âm nhạc dân gian Đồng bằng Bắc Bộ theo hướng hiện đại, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đã thực hiện dự án “Về Kinh Bắc” với 12 tác phẩm, trong đó có 7 tác phẩm Quan họ Bắc Ninh, 2 tác phẩm nhạc Xẩm, 1 tác phẩm Hát văn và 2 sáng tác mới. Các tác phẩm được hình thành với hình thức trình diễn hòa tấu có giọng hát theo lối hòa âm trẻ trung, đặt vai trò trình tấu của các nhạc cụ lên một tầm cao mới; đề cao tính độc tấu, ngẫu hứng và sáng tạo cá nhân của người biểu diễn với tinh thần gìn giữ những nét tinh túy nhất của âm nhạc truyền thống Đồng bằng Bắc Bộ.

Trong không gian diễn xướng này, người yêu nhạc trong và ngoài nước đã được thưởng thức và trải nghiệm văn hóa âm nhạc Việt Nam với những cung bậc cảm xúc khác nhau. “Về Kinh Bắc” không chỉ đưa người nghe trở lại miền ký ức đậm chất văn hóa để họ thêm yêu âm nhạc truyền thống mà còn kích thích sự quan tâm, tìm hiểu những không gian văn hóa đương đại nước nhà.

Gần đây, nhiều nghệ sĩ có xu hướng làm mới cổ nhạc, đưa chất liệu dân tộc vào âm nhạc hiện đại, thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau: Sử dụng những làn điệu dân ca làm nền tảng cho sáng tác, kết hợp với hòa âm phối khí hiện đại để tạo nên những bản phối mới mẻ, thu hút; sử dụng nhạc cụ truyền thống để tạo điểm nhấn cho tác phẩm; kết hợp âm nhạc dân gian với các thể loại nhạc hiện đại như Pop, Rock, R&B... để tạo nên những sản phẩm âm nhạc độc đáo, bắt tai…

Nhận định những giai điệu cổ của cha ông là chất liệu vô giá để từ đó có những sáng tạo mới phù hợp với nhịp sống đương đại, giúp giới trẻ tiếp cận và thêm yêu truyền thống, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho rằng: “Việc đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc đương đại là rất đáng quý, cần khuyến khích. Vẫn là không gian, văn hóa, âm nhạc, câu hát quen thuộc, nhưng đã được mang âm hưởng trẻ trung, tươi mới. Việc làm mới này đã mang đến giá trị của thời đại, từ đó góp phần quảng bá giá trị di sản, văn hóa các vùng miền, kích thích du lịch phát triển. Rõ ràng các bạn trẻ nối tiếp truyền thống, hiện hữu giá trị đương đại, tôn vinh văn hóa Việt Nam và dần hội nhập với thế giới”.

Cần sự đầu tư xứng tầm

Không chỉ dừng lại với các chương trình biểu diễn ở trong nước, nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến bạn bè quốc tế cũng đã được thực hiện. Cuối năm 2023, Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật gồm 60 nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã lưu diễn tại 6 thành phố của đất nước Mặt trời mọc, không chỉ trình diễn nhạc giao hưởng mà còn giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam, gây ấn tượng với khán giả nơi đây.

Thực tế, nhiều hoạt động quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra nước ngoài đã được tổ chức, góp phần khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng của nghệ thuật truyền thống trên trường quốc tế, góp phần làm giàu thêm cho kho tàng âm nhạc thếgiới. Điển hình là những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật Việt Nam tại các liên hoan âm nhạc hoặc sự kiện văn hóa lớn ở nước ngoài. Âm nhạc dân tộc Việt Nam cũng được giới thiệu thông qua các kênh truyền thông thế giới như đài phát thanh, truyền hình, các trang web âm nhạc trực tuyến…

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá âm nhạc dân tộc cũng mang lại hiệu quả tích cực. Các sản phẩm sản xuất dưới dạng MV, được chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả trong và ngoài nước.

NSƯT Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chia sẻ: Nhiều chương trình giới thiệu âm nhạc Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với khán giả quốc tế. Các chương trình được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng khán giả khác nhau, như giới thiệu các tác phẩm phù hợp với giới nghiên cứu, những người muốn hiểu thêm về văn hóa Việt Nam; trong khi tác phẩm được phối khí, làm mới sẽ giúp tiếp cận nhiều người nghe, phù hợp với đông đảo công chúng nước ngoài trong các chương trình ngoại giao nhân dân. “Quảng bá bản sắc văn hóa nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng đã được Bộ VHTTDL và các đơn vị làm tốt trong thời gian qua. Trong các buổi diễn được thực hiện, khán giả đón nhận từ giai điệu, sự độc đáo của nhạc cụ Việt Nam, cũng như phong cách biểu diễn âm nhạc dân tộc”, NSƯT Nguyễn Hải Linh nói.

Tuy nhiên, đểnâng cao hiệu quả quảng báâm nhạc dân tộc đến bạn bè quốc tế, NSƯT Nguyễn Hải Linh cho rằng: Thời gian tới, Nhà nước cần có sự đầu tư xứng tầm vào lĩnh việc này, như dàn dựng tác phẩm, hướng tới từng chuyến đi với mục tiêu quảng bá rõ ràng, phù hợp với văn hóa từng quốc gia, khu vực. Bên cạnh đó, các đoàn biểu diễn, quảng bá cần được đáp ứng đầy đủ số lượng con người và nhạc cụ, tránh tình trạng một đoàn cần 20 người biểu diễn, nhưng chỉ có 10 người được ra nước ngoài thì không thể giới thiệu trọn vẹn, đầy đủ về sự độc đáo của văn hóa nói chung, âm nhạc Việt nói riêng… 

 Nhóm nhạc dân tộc Thiên Thanh được thành lập bởi nhạc sĩ, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, gồm 9 nghệ sĩ trẻ trình diễn các nhạc cụ phổ thông như: Đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tam thập lục, đàn tranh và bộ gõ dân tộc không định âm, với mục đích bảo tồn và nâng tầm giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam bằng hơi thở và ngôn ngữ âm nhạc đương đại. Trong suốt quá trình lao động nghệ thuật và gìn giữ văn hóa cổ truyền, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang luôn nung nấu và nuôi dưỡng tình yêu với nền âm nhạc Việt Nam theo cách riêng biệt của mình.

Ý kiến bạn đọc