Bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc (Bài 2):
Khơi thông nguồn lực gìn giữ di sản
VHO - Trước sự xâm lấn của nhiều loại hình giải trí hiện đại và những biến đổi của xã hội, nhận thấy âm nhạc truyền thống đang dần mai một, nhiều nghệ nhân, cộng đồng đã miệt mài lưu giữ, lan tỏa để gìn giữ di sản của cha ông. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những thách thức đang được đặt ra trong việc bảo tồn âm nhạc dân tộc.
Đau đáu trao truyền di sản
“Sau khi Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ nhân được giao lưu, biểu diễn nhiều hơn; đông đảo mọi người, kể cả cán bộ công nhân viên, học sinh cũng học Đờn ca tài tử. Từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng vang lên tiếng đàn lời ca…”, nghệ nhân Đỗ Ngọc Cần, Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) chia sẻ.
Đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nam Bộ nói chung, người dân Bạc Liêu nói riêng. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 đời gắn bó và bản thân cũng có hơn 40 năm sống với Đờn ca tài tử, nghệ nhân Đỗ Ngọc Cần cho biết: “Ở Bạc Liêu có nhiều gia đình truyền nghề Đờn ca tài tử. Ngoài biểu diễn ở Nhà hát, tôi tự thấy mình phải có nhiệm vụ truyền dạy và đào tạo học trò để Đờn ca tài tử trường tồn qua các thế hệ”.
Thực tế, tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển nghệ thuật này như xây dựng các đề án, chương trình, tổ chức liên hoan, giới thiệu, quảng bá...
Tuy nhiên, hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử vẫn còn rất nhiều thách thức: Hầu hết các phong trào đều tự phát, nghệ nhân đều đã lớn tuổi trong khi lớp kế thừa chưa nhiều; giới trẻ ngày nay ít quan tâm và tiếp cận đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, do đó việc đào tạo đội ngũ kế thừa gặp khó khăn; điều kiện về trang thiết bị hỗ trợ cho các câu lạc bộ Đờn ca tài tử còn hạn chế, chưa đáp ứng với tiềm năng phát triển của phong trào…
Ngược ra Bắc, không thể không nhắc đến một trong những “địa chỉ đỏ” của nghệ thuật Ca trù, đó là Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã đóng góp vào công tác bảo tồn và phát huy di sản này suốt hơn 15 năm qua.
Nghệ sĩ ưu tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Thị Hà cho biết: “Chúng tôi nhận được sự trợ giúp của nhiều tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, kinh phí hoạt động của Câu lạc bộ gặp không ít khó khăn, các thành viên đều tự túc, tự nguyện vì đam mê.
Việc truyền dạy Ca trù cho thế hệ trẻ gặp nhiều bất cập, bởi trên thực tế các em có năng khiếu và được truyền dạy trong thời gian dài, nhưng khi trưởng thành lại không có điều kiện gắn bó với Câu lạc bộ và phát huy được tài năng của mình…”.
Chung tay nối dài dòng chảy âm nhạc dân tộc
Trong hành trình tìm về những di sản âm nhạc, chúng tôi gặp không ít nghệ nhân, nhà nghiên cứu tâm huyết đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, truyền dạy và biểu diễn các di sản như: Then, Quan họ, Xẩm, Ca trù, hát Xoan, hát Văn…
Nhiều người không quản ngại đầu tư thời gian, công sức, thậm chí bỏ tiền túi đi sưu tầm, ghi chép, lưu giữ những làn điệu, bài bản cổ đang có nguy cơ mai một; tổ chức các lớp học, buổi biểu diễn để giới thiệu với công chúng; sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ thông tin, góp phần lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống đến với mọi người…
Cộng đồng yêu thích âm nhạc truyền thống cũng tự thành lập các hội nhóm, câu lạc bộ để cùng nhau học tập, trao đổi và chia sẻ niềm đam mê.
Cùng với đó, nhiều nghệ sĩ cũng đã “liều lĩnh” ra những sản phẩm âm nhạc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được khán giả chào đón, đặc biệt là khán giả trẻ, có thể kể đến: Thị Mầu của Hòa Minzy và Masew; Để Mỵ nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh; Xẩm Hà Nội của Hà Myo; MV xẩm Công cha ngãi mẹ sinh thành của NSƯT Tân Nhàn...
Sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng là động lực để các nghệ sĩ quyết tâm cày xới, tạo cho mình một phong cách âm nhạc mới mẻ, độc đáo.
Từ đó có thể thấy, âm nhạc dân tộc không ngừng được sáng tạo và lưu giữ qua thời gian, và cho đến nay, cộng đồng - chủ thể của các di sản vẫn đóng vai trò chính trong việc bảo tồn và phát huy. T
heo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nhờ những nỗ lực của nghệ nhân, cộng đồng, âm nhạc truyền thống đã được gìn giữ và lan tỏa hiệu quả.
Nhiều làn điệu, bài hát cổ truyền được sưu tầm, ghi chép và số hóa; nhiều nghệ nhân trẻ tài năng được đào tạo và tham gia biểu diễn khiến âm nhạc truyền thống ngày càng được đông đảo công chúng yêu thích, đặc biệt là giới trẻ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vẫn còn không ít thách thức cần được giải quyết: Thiếu nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo tồn âm nhạc; nhận thức của cộng đồng về giá trị của âm nhạc dân tộc còn hạn chế, trong khi đó sự xâm lấn của âm nhạc ngoại lai và những biến đổi của xã hội đang có sự ảnh hưởng mạnh mẽ, khiến di sản có nguy cơ mai một nhanh chóng.
Bởi vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngoài sự chung tay góp sức của toàn xã hội, cơ quan quản lý nhà nước cần cụ thể hóa các chính sách, nguồn lực và cơ chế hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn âm nhạc truyền thống.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là đối với giới trẻ. Việc bảo tồn âm nhạc truyền thống cũng cần đi đôi với đổi mới và sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của công chúng trong thời đại mới. (Còn tiếp)