Những nghệ sĩ miệt mài cống hiến cho âm nhạc dân tộc

VHO - “Âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc truyền thống, chính là bản sắc văn hóa, là hồn cốt của dân tộc, vì vậy việc lan tỏa, quảng bá âm nhạc truyền thống là trách nhiệm của mọi nghệ sĩ; bởi họ chính là những vị đại sứ chuyển tải văn hóa Việt, tình yêu âm nhạc Việt đến với khán giả trong và ngoài nước”…

Những nghệ sĩ miệt mài cống hiến cho âm nhạc dân tộc - Anh 1

 NSƯT Xuân Chung giành giải Nhất tiết mục độc tấu sáo trúc tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023

Đó là chia sẻ của NSƯT Xuân Chung, nhạc sĩ Vũ Quang Huy, nghệ sĩ Trần Văn Dũng, NSƯT Thanh Hoa - những gương mặt giành giải thưởng cao quý tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023 và cũng là những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu vừa được Bộ VHTTDL vinh danh.

Vinh quang đến từ những nỗ lực không ngừng

Văn hóa, nghệ thuật luôn giữ vai trò cốt yếu trong sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ mai một đã được các nghệ sĩ bằng tài năng, nhiệt huyết và sự sáng tạo của mình, thổi vào từng tác phẩm, từng vai diễn một sức sống mới, góp phần đưa nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với công chúng, nhất là những người trẻ.

Là nghệ sĩ đã có nhiều năm cống hiến cho âm nhạc dân tộc, NSƯT Xuân Chung, người đã giành giải Nhất với tiết mục độc tấu sáo trúc Mục đồng Hoa nắng tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023 bày tỏ: “Mục đồng là tác phẩm đầu tay của tôi. Nội dung tác phẩm mang tính hiện đại nhưng được pha trộn với âm nhạc dân gian. Khi biểu diễn, tôi đã sử dụng tiếng sáo trầm “phiêu” một mình mà không cần đến dàn nhạc, nhằm tạo sự trẻ trung, mới lạ và tinh tế, phù hợp với sự phát triển của âm nhạc đương đại”.

Xuân Chung kể, khi bắt tay vào sáng tác, anh đã gặp không ít khó khăn. Bởi để sáng tác ra một tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc, ngoài việc mất nhiều thời gian còn đòi hỏi người nghệ sĩ phải am hiểu tính năng, kỹ thuật của nhạc cụ mà mình đang sử dụng, từ đó mới có thể viết ra được những tác phẩm đúng với ý tưởng của mình. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục sáng tác ra nhiều tác phẩm hay, lạ và độc đáo để giới thiệu đến mọi tầng lớp công chúng.

Những nghệ sĩ miệt mài cống hiến cho âm nhạc dân tộc - Anh 2

Nhạc sĩ Quang Huy

Nhạc sĩ Quang Huy, người đã có 15 năm làm việc trong môi trường âm nhạc dân tộc (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), cảm thấy rất may mắn khi được là thành viên trong “ngôi nhà” âm nhạc chuyên nghiệp. Càng ngày anh càng đam mê với các nhạc cụ truyền thống, mày mò tìm hiểu và trở nên dày dạn kinh nghiệm trong việc phối khí cho các tác phẩm âm nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Quang Huy cho rằng: “Vinh quang và hạnh phúc chỉ có thể đến từ sự đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ”.

Năm vừa qua, nhạc sĩ Quang Huy đã nhận được giải Nhạc sĩ phối khí xuất sắc nhất Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023 cho các tác phẩm Mùa vàng (độc tấu đàn nhị), Hoa nắng (độc tấu sáo trúc), Tình non nước (độc tấu đàn bầu), đặc biệt là Liên khúc quốc tế do chính anh biên tập, chuyển soạn và phối khí. Điều quan trọng và đáng tự hào hơn nữa, đó là lần đầu tiên anh được Bộ VHTTDL vinh danh là gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu năm 2023 vì đã có những đóng góp ý nghĩa đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. “Đây sẽ là động lực rất lớn để tôi tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp của mình”, nhạc sĩ Quang Huy xúc động bày tỏ.

Một hành trình dài lan tỏa âm nhạc truyền thống

Với bề dày kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Quang Huy cho biết: “Để phối khí cho một dàn nhạc đệm cho nhạc cụ dân tộc không hề đơn giản. Bởi các nhạc cụ Việt Nam, đại đa số âm thanh vang lên không được nhiều như piano hay ghi ta của phương Tây. Ngoại trừ cây đàn tứ là vang được khoảng 4 âm thanh cùng lúc, còn đàn tam thập lục hay đàn tranh... chỉ có thể vang lên khoảng 2 âm thanh. Trong khi việc phối khí hiện đại như hiện nay đòi hỏi hòa thanh phải mới mẻ, mang hơi thở thời đại, rất cần một lượng âm thanh dầy dặn hơn, vì thế, người nhạc sĩ phải nghiên cứu thật kỹ để khai thác hết được tính năng của từng loại nhạc cụ, tạo ra hiệu quả hòa âm tốt nhất”.

Bên cạnh khó khăn cũng có những thuận lợi, đó là khi phối khí dàn nhạc dân tộc đệm cho tiết mục độc tấu hay hòa tấu, thì âm nhạc vang lên rất mềm mại, mượt mà, dễ nghe và đi vào lòng người. “Khai thác tốt tính năng của nhạc cụ dân tộc sẽ đưa âm nhạc Việt cất cánh, và hòa quyện với âm nhạc thế giới tốt hơn”, nhạc sĩ Quang Huy nhấn mạnh.

Những nghệ sĩ miệt mài cống hiến cho âm nhạc dân tộc - Anh 3

Nghệ sĩ Trần Văn Dũng

Sau quãng thời gian có phần mai một, đến nay, một số người yêu nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là các bạn trẻ đã và đang góp phần đưa di sản này trở lại và phát triển trong đời sống đương đại. Theo nghệ sĩ Trần Văn Dũng (giải Nhất tiết mục độc tấu đàn nhị Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023), âm nhạc dân tộc đã trở thành câu chuyện văn hóa, không gian văn hóa độc đáo giàu bản sắc Việt và luôn được bảo tồn, phát triển phù hợp với đời sống, phục vụ đời sống. Đàn bầu, tiêu, sáo, trống, nhị... những tinh túy của nghệ thuật Việt Nam hòa vào âm nhạc thế giới, đó là điều tất yếu. Vì thế, không nhất thiết quá đi theo lối cổ, mà các nghệ sĩ cần thể hiện được tính hiện đại trong việc đưa nhạc cụ phương Tây, thanh nhạc hoặc những hiệu ứng khác hỗ trợ cho nhạc cụ dân tộc để có những tác phẩm mới hơn, hiện đại hơn. “Tôi đã kết hợp cùng một số bạn ca sĩ hát dòng nhạc dân gian, được giới trẻ yêu thích đón nhận như Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân chúc phúc của Hà Myo…, qua đó góp phần phát triển nhạc cụ truyền thống, lan tỏa âm nhạc dân tộc thông qua các bản cover nhạc trẻ, nhạc vàng, nhạc thiếu nhi… và phát hành qua YouTube, Facebook, Tiktok”, Trần Văn Dũng chia sẻ.

Những nghệ sĩ miệt mài cống hiến cho âm nhạc dân tộc - Anh 4

 NSƯT Thanh Hoa, giải Nhất tiết mục độc tấu đàn tranh tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023

NSƯT Thanh Hoa (giải Nhất tiết mục độc tấu đàn tranh với tác phẩm Hoài niệm Bạch Đằng giang tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023) bày tỏ vui mừng vì âm nhạc truyền thống Việt Nam hiện đang được các bạn trẻ quan tâm và ý thức hơn trong việc gìn giữ, quảng bá ra thế giới. Vì thế, bên cạnh là nghệ sĩ biểu diễn, NSƯT Thanh Hoa còn tham gia giảng dạy và biên soạn nhiều giáo trình cho các dự án phổ cập Âm nhạc dân tộc của Quỹ Ford. “Với mong muốn xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giáo trình tôi biên soạn để phổ cập âm nhạc truyền thống đến mọi lứa tuổi, nên đa số là các bài dân ca, các tác phẩm nổi tiếng, quen thuộc, được biên soạn từ dễ đến khó để các bạn học viên dễ hiểu, dễ học, qua đó thu hút được đông đảo, lan tỏa và truyền cảm hứng đến nhiều người yêu âm nhạc hơn nữa”, NSƯT Thanh Hoa chia sẻ. 

 THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc