Bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc (Bài 1):

Tìm lại “khuôn vàng thước ngọc“

THANH NGỌC

VHO - LTS: Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn âm nhạc truyền thống dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thế nhưng, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu vẫn miệt mài dành tâm huyết thực hiện các dự án nhằm gìn giữ, phát huy, đưa các giá trị nguyên bản, độc đáo của di sản này đến với công chúng trong và ngoài nước.

Tìm lại “khuôn vàng thước ngọc“ - ảnh 1

 Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng các nghệ nhân nỗ lực bảo tồn nguyên vẹn giá trị của âm nhạc truyền thống

Để thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã tìm gặp những người dành trọn cuộc đời đau đáu với nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Trước nguy cơ bị mai một của di sản, những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu ấy vẫn hằng ngày, hằng giờ dốc hết tâm sức để tìm ra cách thức bảo tồn, phát huy và đưa các giá trị nguyên bản, độc đáo của văn hóa dân tộc đến gần hơn với công chúng.

Nỗ lực xây dựng nguồn tư liệu

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long vừa ra mắt dự án Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan gồm 1 clip trò chuyện Về đất Tổ nghe Xoan và 16 bài Xoan. Ê kíp sáng tạo đã lựa chọn 13 bài chặng quả cách (chặng hát trung tâm) và 3 bài chặng hát thờ để thực hiện dự án với mong muốn tạo nên một bức tranh tổng thể, đa dạng của di sản độc đáo này.

Các dự án trước thường có sự tham gia của cả 4 phường Xoan cổ là Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái. Tuy nhiên, ở dự án này, ê kíp chỉ chọn duy nhất phường Xoan Thét để giới thiệu. Từng gắn bó với hát Xoan và nghệ nhân các phường Xoan trong hơn một thập kỷ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Do đặc thù của âm nhạc dân gian, dù 13 quả cách giống nhau nhưng mỗi phường lại có cách thể hiện khác nhau, mang những nét riêng ở phần âm nhạc và lời ca. Dự án chọn phường Xoan Thét để góp phần tạo nên một quỹ bài đầy đủ ở chặng hát quan trọng nhất của hát Xoan ở một phường Xoan gốc, nếu sau này có điều kiện sẽ tiếp tục giới thiệu các phường Xoan khác, giúp công chúng có cái nhìn tổng quan về nghệ thuật hát Xoan”.

Sản phẩm của dự án được giới thiệu chính trên kênh YouTube “Dân ca & Nhạc cổ truyền” do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long xây dựng và vận hành, với mục đích giới thiệu các sản phẩm âm nhạc dân gian độc đáo; chung tay bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị cổ nhạc ra cộng đồng, đặc biệt là trên không gian mạng để đông đảo công chúng tiếp cận. “Tôi mong muốn giới thiệu tới mọi người các bài bản chuẩn mực nhất mình sưu tầm được. Dù có thể đây không phải âm nhạc dành cho đại chúng, nhưng tôi nỗ lực tạo nên tư liệu cho những ai cần có thể khám phá, người yêu nghệ thuật truyền thống có thêm một kênh để tìm hiểu. Tôi thấy điều này là cần thiết, vì đó là di sản vô giá của dân tộc”.

Trước đó, năm 2021, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cũng ra mắt dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” giới thiệu toàn bộ 3.254 câu trong Truyện Kiều hoàn toàn theo đúng lối ngâm Kiều truyền thống, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ông cũng cho biết đang phối hợp với Giáo phường Ca trù Thái Hà để sắp tới cho ra mắt 10 bài Ca trù hát nói của cụ Nguyễn Công Trứ, tác giả lớn của nghệ thuật hát Ca trù.

Ca Huế, Quan họ không nhạc đệm, Xẩm cũng từng được nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long giới thiệu tới khán giả qua Internet, với những giọng hát hàng đầu. Qua đó, giúp công chúng nhìn thấy tổng thể hay một góc nào đó của âm nhạc truyền thống. “Đó là điều tôi mong muốn, cũng là xu hướng của thế giới, tại sao ta không theo xu hướng đó để tiếp cận tới mọi người dễ dàng hơn. Dù hành trình này tốn nhiều công sức, nhiều khó khăn và phần lớn chủ động về kinh phí, tôi vẫn muốn làm để thỏa đam mê của mình và tin tưởng cứ đi rồi sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Rất may mắn, trong hành trình đó cũng có ê kíp, tổ chức đồng hành cùng tôi với sự nhiệt tâm…”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bày tỏ.

Tìm lại “khuôn vàng thước ngọc“ - ảnh 2

Các nghệ nhân phường Xoan Thét tỉnh Phú Thọ trình diễn nghệ thuật Hát Xoan

Tìm về chuẩn mực để bảo tồn nguyên vẹn

Thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu cũng có những đóng góp quan trọng cho việc bảo tồn âm nhạc cổ truyền Việt Nam, từ việc sưu tầm, nghiên cứu, đến giới thiệu ra công chúng. Trong số đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã dành 9 năm miệt mài tìm về những “khuôn vàng thước ngọc” của nghệ thuật Ca trù. Chạy đua cùng thời gian để tiếp cận với các nghệ nhân cuối cùng của loại hình nghệ thuật này, sưu tầm tư liệu khắp trong và ngoài nước, cùng nhiều đêm “thức trắng” để tìm hiểu về những giá trị kinh điển của Ca trù, kết quả cuốn sách Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật của ông đã ra mắt độc giả tháng 4 vừa qua.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu đồ sộ về nghệ thuật hát Ca trù (Ả đào), một loại hình âm nhạc cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật cung cấp cho người đọc những thông tin chi tiết về lịch sử, nghệ thuật, cũng như những giá trị văn hóa mà loại hình âm nhạc này mang lại.

Gắn bó nhiều năm với các loại cổ nhạc như Tài tử Cải lương Nam Bộ, Tuồng Bắc, nhạc Cung đình Huế, Bài chòi, Chèo, hát Văn… nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng: “Nếu như Chèo, Quan họ là cấu trúc ca khúc dân gian; Tài tử, Cải lương, Tuồng, nhạc Cung đình Huế là cấu trúc lòng bản; hát Văn là cấu trúc làn điệu thì Ả đào tôi gọi là cấu trúc lắp ghép. Thực sự đây là một cuộc chơi âm thanh đỉnh cao của cổ nhân… Chúng ta đang cố gắng xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa. Vậy hãy cùng ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách thương mại hóa một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào. Thông qua cuốn sách này, hy vọng các đào kép thế hệ mới sẽ nhận diện được “khuôn vàng thước ngọc” của cha ông, hiệu chỉnh lại lời ca, lá phách, tiếng đàn của mình về với đúng chuẩn mực Ả đào cổ điển. Và như thế, di sản nghìn năm tuổi mới được bảo tồn nguyên vẹn, đúng nghĩa”.

Có thể nói, Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này nói riêng, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nhận định: “Ngoài việc khảo cứu về lịch sử, cuốn sách còn có một khảo cứu quan trọng, có tính chất nền tảng, đó là khảo cứu về âm nhạc. Trước đó, chưa có công trình nghiên cứu nào khảo cứu kỹ lưỡng về Ca trù, thể loại âm nhạc phức tạp nhất trong nền cổ nhạc Việt Nam, là hình thức âm nhạc độc đáo nhất, sáng tạo nhất, mà theo GS Trần Văn Khê - là kiệt tác di sản nhân loại…”.

Việc bảo tồn âm nhạc cổ truyền Việt Nam dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay, thế nhưng, sự chung tay nghiên cứu, giới thiệu, thực hành của những người tâm huyết chắc chắn sẽ tạo nên nền tảng vững chắc trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản này trong đời sống đương đại.

(Còn tiếp)