Những người trẻ mang khát vọng gìn giữ âm nhạc truyền thống dân tộc
VHO - Bằng nhiều cách khác nhau, những bạn trẻ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đang nỗ lực từng ngày để góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống dân tộc.
Bén duyên với âm nhạc truyền thống
Câu chuyện bảo tồn, song song với làm mới âm nhạc truyền thống trong dòng chảy đương đại vẫn luôn là trăn trở của giới nghiên cứu và cả những khán giả. Nhất là trong bối cảnh âm nhạc hiện đại đang dần chiếm lĩnh thị trường, vấn đề này càng được lưu tâm. Để âm nhạc truyền thống được bảo tồn và đến gần hơn với công chúng, trách nhiệm của những thế hệ kế thừa vô cùng quan trọng
Giống như nhiều sinh viên nghệ thuật khác, Nguyễn Thục Anh (24 tuổi) được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm. Bắt đầu từ những buổi sinh hoạt nghệ thuật tại Cung thiếu nhi Hà Nội, Thục Anh đã bén duyên với âm nhạc truyền thống từ lúc nào không hay.
Được sự động viên của gia đình, cô nàng lựa chọn đàn tranh để bắt đầu theo đuổi đam mê. Gắn bó với cây đàn tranh 12 năm, tiếng đàn tranh đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Thục Anh.
Khác với Thục Anh, Trần Viết Học (19 tuổi) và Trần Phi Hùng (18 tuổi) cùng tới với âm nhạc truyền thống sau chương trình The Voice Kids 2018. “Sau chương trình năm ấy, được sự động viên của các cô chú ban giám khảo, mình đã quyết định theo đuổi âm nhạc và lựa chọn môn đàn bầu để phát triển đam mê”, Phi Hùng chia sẻ.
Cùng theo học tại Khoa Âm nhạc truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 3 bạn trẻ đều được tiếp xúc với những kiến thức chuyên ngành trong môi trường đào tạo hàng đầu về âm nhạc. Không chỉ vậy, cả Thục Anh, Viết Học và Phi Hùng còn có cơ hội biểu diễn tại các sự kiện, sân khấu lớn, từ đó nâng cao chuyên môn về âm nhạc truyền thống.
Hết mình với âm nhạc truyền thống
Mặc dù được trưởng thành trong môi trường chuyên nghiệp, 3 bạn trẻ vẫn luôn gặp phải những khó khăn trong quá trình học tập. Nhất là trong bối cảnh âm nhạc truyền thống đang chịu sức ép từ âm nhạc hiện đại, những bạn trẻ như Thục Anh, Viết Học và Phi Hùng không tránh khỏi những lúc chạnh lòng.
“Khi mình chia sẻ về ngành học, không ít người trêu đùa, giễu cợt rằng mình học nhạc truyền thống thì ra làm gì? Không có tương lai đâu. Mình cũng chạnh lòng, nhưng đó cũng là động lực để mình cố gắng phát triển đam mê với những làn điệu âm nhạc truyền thống của dân tộc”, Viết Học chia sẻ.
Tuy nhiên, không vì vậy mà 3 bạn trẻ nản lòng với đam mê âm nhạc truyền thống. Thục Anh, Viết Học và Phi Hùng luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn những làn điệu truyền thống, trăn trở làm sao để âm nhạc truyền thống ngày càng được lan tỏa.
“Mình có lợi thế được học tập bài bản, chuyên nghiệp hơn các bạn trẻ khác. Chính vì vậy, mình luôn muốn đem kiến thức, trải nghiệm để góp phần giúp âm nhạc truyền thống ngày càng lan tỏa”, Thục Anh thể hiện quyết tâm gìn giữ âm nhạc truyền thống dân tộc.
Đối với Thục Anh, cô nữ sinh chuyên ngành đàn tranh lựa chọn theo học hai trường đại học để nuôi dưỡng khát vọng. Song song với học nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Thục Anh còn đang theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân.
Thoạt nghĩ, nhiều người cho rằng việc Thục Anh lựa chọn 2 ngành học khác nhau sẽ gây nhiều khó khăn. Tuy nhiên đối với cô nàng, học kinh tế chính là đòn bẩy cho đam mê âm nhạc.
“Những kiến thức có được khi theo học kinh tế giúp em biết cách phát triển bản thân, tư duy sắp xếp công việc và cân bằng hai ngành học. Đồng thời, học kinh tế cũng mang tới cho em góc nhìn mới về thị trường âm nhạc, từ đó có hướng đi đúng để phát triển âm nhạc truyền thống”, Thục Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm với Thục Anh, Viết Học cũng lựa chọn theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền bên cạnh âm nhạc. Bởi đối với Viết Học, chỉ chơi đàn tốt thôi là chưa đủ để gìn giữ, bảo tồn âm nhạc truyền thống.
Cũng vì vậy mà anh chàng quyết tâm học thêm chuyên ngành liên quan tới báo chí - truyền thông để phát huy được hết tiềm lực của bản thân. Sau đó sử dụng những kiến thức về báo chí để lan tỏa giá trị truyền thống một cách hiệu quả và rộng rãi hơn.
Khác với Thục Anh và Viết Học, Phi Hùng lại lựa chọn một lối đi riêng để gìn giữ âm nhạc truyền thống dân tộc. Xuất thân từ vùng quê nghèo tại Đắk Lắk, chàng trai chuyên ngành đàn bầu đã cùng gia đình chuyển ra Hà Nội sinh sống để theo đuổi đam mê âm nhạc.
Hiểu được xuất phát điểm của bản thân không thuận lợi, Phi Hùng luôn nỗ lực tham gia những cuộc thi ca hát, chương trình âm nhạc để khẳng định bản thân và lan tỏa tiếng đàn bầu tới đông đảo công chúng.
“Khi tham gia các cuộc thi âm nhạc, mình vừa được thỏa mãn đam mê, vừa có thêm kinh nghiệm và bản lĩnh sân khấu. Có như vậy, bản thân mình mới phát triển được và từ đó góp phần lan tỏa bộ môn đàn bầu, đem tiếng đàn tới với công chúng”, Phi Hùng chia sẻ về cách mà anh chàng giữ lửa đam mê.
Đang gặp không ít khó khăn nhưng với sự góp sức của những người trẻ như Thục Anh, Viết Học và Phi Hùng, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào việc âm nhạc truyền thống sẽ được bảo tồn và ngày càng phát triển.