Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: Nhiều khoảng trống vì “đi sau” thực tiễn

VHO - Sau hơn 10 năm thực thi, Luật Quảng cáo đã nảy sinh nhiều bất cập và chưa theo kịp thực tiễn đời sống. Bất cập trong quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời; sự xuất hiện của các loại hình quảng cáo mới trên không gian mạng; tràn lan nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật… đang đặt ra những thách thức mới.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: Nhiều khoảng trống vì “đi sau” thực tiễn - Anh 1

Quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời còn nhiều bất cập cần giải pháp khắc phục Ảnh: TRẦN HUẤN

 Bộ VHTTDL nhấn mạnh, quảng cáo là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục.

Chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của ngành quảng cáo

Đề cập đến xu hướng và thách thức trong hoạt động quảng cáo ở Việt Nam, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh thách thức mới về công nghệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số, công chúng có thể tương tác trực tiếp với các nội dung trực tuyến, tốc độ phản hồi nhanh chóng nên việc kiểm soát thông tin tiêu cực là một trong những thách thức không nhỏ.

Tốc độ phát triển vũ bão của ngành quảng cáo đã tạo ra sự lan tỏa rộng khắp trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, cũng như thể hiện vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hàng hóa phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo Statista, doanh thu quảng cáo của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỉ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN, xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng 12,7%, chỉ sau Malaysia (18,9%). “Tuy nhiên, Luật Quảng cáo sau hơn 10 năm thực thi đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý ngành cũng như chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo phát huy hết tiềm năng. Luật cần sớm được sửa đổi, bổ sung, tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển ngành quảng cáo…”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: Nhiều khoảng trống vì “đi sau” thực tiễn - Anh 2

 Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, ngành nghề quảng cáo đang phát triển như vũ bão kèm theo đó nhiều loại hình quảng cáo xuất hiện, trong khi đó luật hiện hành vẫn chưa theo kịp với thực tiễn Ảnh: N.HOA

Bộ VHTTDL, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (dự Luật) cũng nêu rõ, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục. Có thể kể đến thực trạng nhiều đối tượng lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, Luật hiện hành không quy định quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.

Một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cũng cần điều chỉnh nhằm đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập. Hiện phần lớn các cơ quan báo chí đều phải tận dụng mọi biện pháp để tối ưu hóa lợi nhuận từ quảng cáo. Trong khi đó, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chíchuyên quảng cáo; tỷ lệ thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo... “Các quy định trên đã gây bó buộc cho các cơ quan báo chí trong việc linh hoạt thay đổi các gói quảng cáo, không thể tối ưu giá quảng cáo để cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp”, Bộ VHTTDL khẳng định.

Hoạt động quảng cáo trên báo hình gần đây tập trung vào các chương trình phim truyện, đặc biệt vào khung giờ vàng. Tuy nhiên, quy định tại Luật Quảng cáo: Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 5 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải tríkhông được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút, dẫn đến tình trạng các đài truyền hình giảm thời lượng mỗi tập phim trong khi vẫn áp dụng quy định ngắt để quảng cáo, gây bức xúc cho người tiếp nhận. Nhằm cân bằng lợi ích của các đài và người tiếp nhận, cần điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp với thời lượng các tập phim.

 Quảng cáo là ngành nghề lấy sáng tạo làm chủ đạo. Vì vậy, quảng cáo luôn thay đổi với nhiều hình thức thể hiện mới mà hành lang pháp lý chưa theo kịp. Luật mới ra đời đòi hỏi phải lường trước hoặc dự báo được những loại hình mới trong tương lai ít nhất 10-15 năm.

Đặc biệt, hiện nay có rất nhiều loại hình quảng cáo mới mà các doanh nghiệp không biết phải xin phép ở đâu, cơ quan quản lý không biết cấp phép như thế nào vì chưa có đủ cơ sở pháp lý.

(Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam NGUYỄN TRƯỜNG SƠN)

 

“Siết” quảng cáo trên mạng, quảng cáo ngoài trời

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và bùng nổ của công nghệ thông tin, quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng thì nhiều quy định của Luật Quảng cáo hiện hành không còn phù hợp. Đơn cử như, không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây. Quy định này được nhìn nhận là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trang thông tin điện tử, báo điện tử không thể tối ưu lợi nhuận từ quảng cáo để duy trì hoạt động.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: Nhiều khoảng trống vì “đi sau” thực tiễn - Anh 3

 Cần nghiêm khắc với nghệ sĩ quảng cáo thiếu trung thực, tràn lan

“Hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, kéo theo sự khó khăn trong quản lý nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ. Luật Quảng cáo chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên hiệu quả quản lý chưa cao…”, theo cơ quan soạn thảo dự Luật. Quản lý quảng cáo ngoài trời cũng đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức mới. Thực tế hiện nay, việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời vẫn còn khó khăn do thiếu quy định chi tiết về nội dung, trách nhiệm xây dựng và triển khai quy hoạch. Hoạt động quảng cáo trên màn hình đặt nơi công cộng hiện nay phát triển mạnh, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, chuyển tải nhanh và hiệu quả, song lại tiềm ẩn nguy cơ trong việc sử dụng âm thanh, ánh sáng hoặc bị tấn công, gây mất trật tự giao thông, an toàn thông tin mạng… Tuy nhiên, Luật Quảng cáo chưa có quy định về việc quản lý và thông báo sản phẩm quảng cáo trên màn hình, gây khó khăn cho công tác quản lý của các địa phương.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: Nhiều khoảng trống vì “đi sau” thực tiễn - Anh 4

 Cần mạnh tay với tình trạng vi phạm phổ biến về quảng cáo trên không gian mạng Ảnh: CỤC PTTH VÀ TTĐT

Các quy định về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng rôn, bảng quảng cáo, thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo đoàn người thực hiện quảng cáo còn bất cập, khó khăn trong hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo. Với việc mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn lượt hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo ngoài trời, đơn cử như năm 2022 có tới 12.408 hồ sơ về bảng quảng cáo, 15.149 hồ sơ về băng rôn, 1.132 hồ sơ về đoàn người thực hiện quảng cáo, thì những bất cập trên làm tăng thời gian, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, người dân cũng như giảm hiệu lực quản lý nhà nước.

“Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay…”, Bộ VHTTDL khẳng định. Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn cho rằng, quảng cáo là ngành nghề lấy sáng tạo làm chủ đạo. Vì vậy, quảng cáo luôn thay đổi với nhiều hình thức thể hiện mới mà hành lang pháp lý chưa theo kịp. Luật mới ra đời đòi hỏi phải lường trước hoặc dự báo được những loại hình mới trong tương lai ít nhất 10-15 năm. Đặc biệt, hiện nay có rất nhiều loại hình quảng cáo mới mà các doanh nghiệp không biết phải xin phép ở đâu, cơ quan quản lý không biết cấp phép như thế nào vì chưa có đủ cơ sở pháp lý.

Quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn văn hóa trong quảng cáo cũng được các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa đặc biệt lưu tâm. Nhiều tổ chức, cá nhân thời gian qua còn nhận thức chưa đầy đủ, có trách nhiệm về vấn đề này và hệ quả là nhiều trường hợp vì lợi ích kinh tế mà bỏ quên truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục; một số người nổi tiếng vì lợi ích riêng mà lãng quên trách nhiệm với cộng đồng… 

 Hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, kéo theo sự khó khăn trong quản lý nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ.

Luật Quảng cáo chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên hiệu quả quản lý chưa cao…

(Bộ VHTTDL)

 

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc