“Thổi hồn” cuộc sống vào di sản, có nên không?
Bài 3: Đa dạng hóa hướng tiếp cận di sản, chính là “cuộc sống”!
VHO - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, ngày Di sản Thế giới 23.11 chính thức mở cửa Điện Thái Hòa ở quần thể di tích Hoàng thành Huế, giúp đông đảo du khách và người dân tiếp cận điểm đến di sản giá trị này, sau thời gian trùng tu.
Việc khai mở thêm một điểm đến sau dự án Điện Kính Thiên và nhiều khu vực bảo tồn khác tại Kinh thành Huế cho thấy, công tác tổ chức bảo tồn di sản văn hóa Huế đang diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
Có một điểm lưu ý nhỏ diễn ra ở “không gian mạng” là nhân sự kiện Điện Thái Hòa mở lại, có một nhóm bạn trẻ yêu thích các trò chơi giả lập, mô hình giả lập và không gian mạng đã đăng ký hợp tác cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ra mắt một bộ sưu tập đồ chơi có tên “Đế Đô Khảo Cổ Ký”.
Nhóm này đã giả lập chế tạo một số hình vật từ mẫu “bộ tứ bảo vật” của Cố đô Huế là: Đại Hồng Chung ở chùa Thiên Mụ, Khẩu Hạ trong Cửu Vị Thần Công, Cao Đỉnh trong Cửu Đỉnh và Ngai vàng vương triều Nguyễn để làm thành các đồ chơi bằng nhựa, bỏ vào hộp kín.
Những người chơi sẽ ngẫu nhiên mua các hộp đồ chơi này, không biết mẫu vật bên trong, để đem về nhà làm bộ sưu tập. Tại các món đồ chơi này, sẽ có mã QR, người chơi sử dụng có thể tra cứu, biết rõ thêm thông tin về các bảo vật giả lập được.
Đây là ý tưởng tạo thêm quà lưu niệm, dựa vào trào lưu “trò chơi túi mù” đang thịnh hành trong giới trẻ hiện nay, nhằm tạo kích thích, cảm hứng cho các bạn trẻ tiếp cận, nắm bắt rõ hơn về các hiện vật di sản văn hóa dân tộc.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hướng tiếp cận di sản qua trò chơi, dưới hình thức một món quà lưu niệm độc đáo là rất sáng tạo, cần cổ súy, nhằm tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện hơn, để giới trẻ, và đông đảo du khách đến với các di sản Huế, nắm bắt, trải nghiệm, hiểu đúng các giá trị di sản.
“Mở ra những dòng sản phẩm, giúp chuyển hóa những câu chuyện văn hóa lịch sử đến với đông đảo giới trẻ Việt và bạn bè quốc tế, chính là cách giả lập văn hóa di sản rất hợp lý”, đại diện truyền thông Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhìn nhận như vậy.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tiếp cận các đề xuất, ý tưởng từ các nhóm tác giả, đơn vị sản xuất để tăng thêm cơ hội hợp tác, sản xuất ra các hiện vật “giả lập”, những sản phẩm giúp “giải trí, học tập” phù hợp với thị hiếu, cảm hứng của đông đảo người dân, công chúng và giới trẻ nhằm quảng bá, truyền thông di sản tốt hơn.
Không dừng ở đó, theo Trung tâm Di tích Cố đô Huế, một hướng đầu tư chiều sâu về giáo dục di sản đã được đơn vị này triển khai gần đây, qua hoạt động tổ chức dã ngoại, tham quan, dành cho các học sinh, sinh viên.
Cô Hoài Hương, cán bộ Trung tâm Di tích Cố đô Huế, người đang phụ trách chương trình giáo dục di sản cho thanh thiếu niên và học sinh tại Huế cho biết, Trung tâm đã phối hợp một số trường tiểu học, trung học cơ sở và cả Đại học để đưa các học sinh, sinh viên tiếp cận các di sản.
Thông qua các tài liệu, thông tin hướng dẫn, sách vở tham khảo…, hoạt động này trực tiếp trao dữ liệu về các di sản tại Cố đô Huế đến với nhiều bạn trẻ. Đi cùng thông tin, theo lịch bố trí, Trung tâm tổ chức đưa các bạn trẻ tại Huế tham quan, trải nghiệm các điểm đến di sản.
“Hướng mở về ý thức giáo dục này, đang được chúng tôi tổ chức và nếu cộng hưởng được thêm các nguồn tương tác khác như trò chơi, các trào lưu không gian mạng xã hội, các nhóm sản phẩm, khu vực giả lập khác, chắc chắn sẽ thu được kết quả tích cực”, cô Hoài Hương nhận xét.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ, câu chuyện về truyền thông di sản mà Huế đang làm, thật sự cũng là một phần đầu tư, xây dựng mà ngành văn hóa Đà Nẵng, Quảng Nam đang triển khai. Đơn cử tại dự án trùng tu Hải Vân Quan, hai ngành Văn hóa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã có một chương trình hành động chung khá quyết liệt, để đưa di tích này vào hoạt động, phục vụ du lịch và công chúng.
Song vấn đề quan trọng không dừng lại ở một điểm đến này, mà qua việc hợp tác, những câu chuyện về lịch sử chiến tranh sẽ dần được khơi gợi, mở ra, và những “không gian di sản” như thành Điện Hải, quần thể di sản Cố đô Huế sẽ là “những phim trường lớn” để các nhà nghiên cứu, sáng tác văn học, tổ chức văn hóa cùng tham gia, thay đổi cách tiếp cận di sản ở công chúng.
Ông Thiện miêu tả: “Chúng tôi đang xây dựng phim trường 5D tại di tích thành Điện Hải để tái hiện phần nào hình ảnh lịch sử cuộc chiến năm 1858. Du khách, công chúng sẽ dự xem những câu chuyện ở đó và nếu được tiếp thêm bằng các mẫu vật giả lập, các trò chơi, những thách thức từ trào lưu giới trẻ, thì hình ảnh và giá trị các di sản, bảo tàng chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều”.
Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nếu các không gian di sản này, còn được mở rộng thêm bằng những câu chuyện lịch sử về thương cảng Hội An, về lịch sử Kinh thành Huế, rồi những dấu ấn văn hóa, điểm đến tâm linh, chiêm bái tín ngưỡng trong đời sống người dân xứ Quảng, ở vùng Cố đô rõ ràng các bài học về di sản, về bảo tồn di sản sẽ không còn xa lạ với đời sống nữa.
Rõ ràng trong suy nghĩ của những người nghiên cứu văn hóa, vấn đề bảo tồn di sản không đơn thuần chỉ nằm ở các khu vực khảo cứu, trưng bày hiện vật hay bảo tàng cổ vật.
Làm sao để đưa những gì còn lại từ quá khứ xâm nhập sâu hơn, hào hứng hơn, vào giới trẻ, vào cuộc sống đương đại là một vấn đề cấp thiết, đáng nhận được sự quan tâm, hợp sức của nhiều nguồn lực, nguồn đầu tư và nhất là công tác quản lý, vận dụng trí tuệ xã hội.
Với xu thế hội nhập toàn cầu, đời sống công nghệ số ngày một hiện đại, ngành văn hóa đang rất cần xây dựng hướng bảo tồn di sản bằng các cách tiếp cận mới, các bài học, câu chuyện hấp dẫn hơn và nhất là, từ những hành động thực tiễn cùng các vật phẩm cụ thể.