Nhiều di sản được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VHO - Hai thương hiệu nổi tiếng của ẩm thực Việt gồm Phở Hà Nội, Phở Nam Định cùng loạt di sản ở nhiều loại hình như Nghề làm trà sen Quảng An, Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai; Lễ hội đền thờ đức vua Trần Minh Tông, Tri thức may, mặc áo dài Huế, Hát ru của người Mường, Lễ hội Gầu tào của người Mông… vừa được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký các quyết định ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những di sản được ghi danh là những đặc sản tinh hoa của nhiều địa phương, vùng miền, là các thương hiệu lâu nay đã góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và con người ở mỗi vùng đất tới khắp các tỉnh, thành trong nước và ra nước ngoài.
Phở Hà Nội, Phở Nam Định trở thành “hot search” khi cả hai cùng được ghi danh trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này. Hai thương hiệu từ lâu đã tạo nên sức hút mạnh mẽ của ẩm thực Việt Nam đối với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Theo nhiều sử liệu, món “Phở” tại Hà Nội ra đời vào đầu thế kỷ XX. Thủa ban đầu, phở là một loại quà rong, được gánh đi rao bán khắp phố phường Hà Nội vào những năm 1907-1910. Lịch sử của hình thành và phát triển của món Phở gắn với lịch sử thăng trầm của Thủ đô và tồn tại trong ký ức của nhiều người Hà Nội. Phở đã nương theo những biến động lịch sử trong nửa cuối thế kỷ XX của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, phát triển rất sôi động, trở thành món ăn phổ biến được ưa chuộng tại Hà Nội. Khá thú vị là đằng sau mỗi quán phở lại có một câu chuyện lịch sử riêng, tạo thành những mảnh ghép để hiểu hơn ẩm thực và con người Hà Nội.
Quy trình chế biến và thưởng thức Phở chứa đựng tinh hoa đất Kinh kỳ, chứa đựng chiều dài văn hóa, sự khéo léo và tinh tế của người Hà Nội. Giai đoạn mới hình thành, phở xuất phát từ món ăn dân dã hàng ngày, từ món quà vặt rồi đến nay đã xuất hiện khắp các con đường, ngõ phố đến những nhà hàng, khách sạn sang trọng ở Hà Nội. Cùng với Phở Hà Nội, Phở Nam Định từ lâu cũng đã trở thành món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng. Theo số liệu thống kê, địa bàn tỉnh Nam Định hiện có khoảng 300 cửa hàng phở. Phở Nam Định còn được đưa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước và thậm chí cả nước ngoài. Trải qua thời gian, phở cùng với các tri thức dân gian tạo nên món ăn này đã trở thành niềm tự hào của đất và người Nam Định.
Cùng trong loạt di sản được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này, với những giá trị tiêu biểu, Tri thức may, mặc áo dài Huế (Thừa Thiên Huế) đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký Quyết định ghi danh ở loại hình tri thức dân gian. Trải qua quá trình ra đời, tồn tại hàng trăm năm, hoạt động nghề may đo áo dài Huế tuy không tạo ra một hay một số làng nghề may đo áo dài chuyên biệt, nhưng vẫn luôn hiện diện và phát triển tùy từng thời kỳ và được lưu truyền cho đến ngày nay với đặc thù riêng. Huế là nơi quy tụ nhiều gia đình, dòng họ có truyền thống làm nghề may đo áo dài, trong đó có nhiều nghệ nhân, thợ may áo dài giỏi, được nối nghiệp nhiều đời và có nhiều cơ sở may đo nổi tiếng. Đây cũng là vùng đất lưu giữ nhiều kỹ năng, tri thức, bí quyết thực hành di sản nghề may đo áo dài truyền thống với đặc trưng riêng. Chính sự hưng thịnh và phát triển của nghề may đo áo dài cũng đã góp phần hình thành tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế, là một thói quen đã thành nếp trong đời sống văn hóa của cư dân vùng đất sông Hương, núi Ngự từ xưa đến nay.
“Người Huế luôn quan niệm rằng “y phục xứng kỳ đức”. Vì vậy, trang phục áo dài không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đặc biệt đã được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội, gắn liền việc phân định danh phận, vị thế, vai trò cá nhân, giai tầng trong xã hội...”, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết. Áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng, trước hết là học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, rồi đến lớp người trung niên, người cao tuổi, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, ở ngoài chợ... Các cô gái chọn màu áo trắng hay màu tím nhạt, các em học sinh, sinh viên chọn màu áo dài tím Huế thành màu đồng phục... Tà áo dài trắng, tím cùng nón bài thơ luôn đi liền với hình bóng người phụ nữ Huế mọi lúc, mọi nơi, trong nhà, ngoài phố.
Theo ông Phan Thanh Hải, sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa, giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài mà không dễ tìm thấy ở những vùng đất khác. Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân Huế phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.
Vùng đất xứ Huế là nơi chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất Cố đô. Ngày nay, tuy không giữ nguyên nếp cũ, nhưng tỉ lệ áo dài của phụ nữ Huế khi ra đường vẫn cao nhất cả nước. Đàn ông Huế cũng thường sử dụng áo dài trong các hoạt động long trọng của mình như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp tết... Mặc áo dài tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong, người phụ nữ duyên dáng, đoan trang. Áo dài tô thêm dáng vẻ trầm mặc của Huế. Người Huế lung linh hơn khi mặc áo dài. Và nhờ những người Huế, chiếc áo dài trở nên lộng lẫy hơn bao giờ hết.
Các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.