“Phở Nam Định” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

KHẢI HƯNG

VHO - Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định”.

“Phở Nam Định” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1

"Phở Nam Định" được đánh giá đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của di sản phi vật thể quốc gia với tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Qua thời gian, phở cùng với các tri thức dân gian tạo nên món ăn này đã trở thành niềm tự hào của đất và người Nam Định; khẳng định giá trị thương hiệu, văn hóa ẩm thực với những nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu chế biến.

Việc “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Nam Định là quê hương của nghề phở. Đây là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. 

Theo thống kê, địa bàn tỉnh Nam Định hiện có khoảng 300 cửa hàng phở, đông nhất là TP. Nam Định và huyện Nam Trực. Ba làng Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc ở xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực được xem là quê hương của phở Nam Định. Ở đây có khoảng 600 người bán phở.

Trước đó, tại TP. Nam Định đã diễn ra lễ khai mạc Festival Phở 2024 với chủ đề "Con đường phở Việt".

Đến thời điểm hiện tại, nước ta có tổng cộng 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về ẩm thực, bao gồm phở Nam Định, phở Hà Nội, mì Quảng, nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm nước mắm Phú Quốc.