Cơ hội cùng áo dài Huế:
Bài 1: Đưa đề án vào cuộc sống
VHO - Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tri thức dân gian “Tri thức may, mặc áo dài Huế”.
Đây được xem là kết quả vận động trong hơn 4 năm qua của địa phương, nhằm phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử của trang phục áo dài truyền thống từ quá khứ đến hiện tại, xây dựng các giá trị mới, “biến di sản thành tài sản” văn hóa.
Từ “lịch sử y quan”…
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, Áo dài Huế là một “trường hợp điển hình” trong chủ trương, định hướng của địa phương, nỗ lực tôn vinh, giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa bền vững qua từng chặng đường lịch sử, vừa bảo vệ những thành tựu truyền thống, vừa cập nhật, phát triển thêm những giá trị mới, hợp thời đại hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, câu chuyện Áo dài Huế, đại diện cho mẫu trang phục áo dài truyền thống Việt Nam, đã diễn ra suốt mấy thế kỷ, liên quan đến lịch sử định hình những giá trị văn hóa từ triều Nguyễn.
Đến nay, Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế căn cứ thực tiễn ngành may đo áo dài địa phương, cùng những nội dung văn hóa xã hội mà trào lưu trang phục cổ truyền được cổ súy tại Huế, để mạnh dạn vận động, vun đắp cơ hội chấn hưng những mẫu áo dài truyền thống, biến thể cách tân, thành câu chuyện phát triển dài lâu.
Từ năm 1744, sau khi xưng Vương ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát với mong muốn thể hiện quyền lực quản lý, xây dựng thể chế chính trị của mình ở vùng đất đã kiểm soát, tiến hành nhiều cải cách trong bộ máy quản lý, áp dụng những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Một trong những biểu hiện cụ thể của ông là quyết định chọn mẫu áo dài ngũ thân trong dân gian, cải sửa lại một số chi tiết, định chế thành triều phục cho quan lại và thứ dân. Áo dài ngũ thân theo đó trở thành trang phục chính của người dân Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ về văn hóa, khác biệt với người dân Đàng Ngoài.
Tuy nhiên phải đến năm 1826, sau khi ổn định triều chính được tiếp nhận từ vua cha Gia Long, Hoàng đế Minh Mạng mới quyết liệt thực thi các chính sách hoàn thiện văn hóa nước nhà, xác định mẫu quốc phục là áo ngũ thân, áp dụng rộng rãi và thống nhất khắp cả nước.
Mẫu trang phục này, được thiết kế từ dân gian, thành “chuẩn mực y quan” phù hợp kích thước, phong bộ con người Việt Nam, điều chỉnh phù hợp các lễ tiết tập tục, để sử dụng tùy từng hoàn cảnh, đối tượng, phục vụ hoạt động văn hóa trang phục người dân và điển lễ quan trường.
Mãi cho đến khi người Pháp thực hiện chính sách đô hộ, nền chính trị quân chủ nước nhà suy bại, mẫu mã trang phục người Việt mới biến cải đi, Âu hóa từng bước theo dòng hội nhập, rồi hoán cải thêm cho phù hợp từng giai đoạn lịch sử đất nước để khác biệt dần. Song về mặt nghi lễ dân gian, những điển cố văn hóa cổ truyền vẫn được người dân gìn giữ.
Áo ngũ thân truyền thống vẫn lưu truyền trong làng xã thôn quê. Vào những dịp lễ Tết quan viên, lại được người dân dùng làm trang phục chính. Cứ vậy theo thời gian, qua chiến tranh rồi hòa bình, mẫu áo ngũ thân vẫn tồn tại trong ý thức phục trang của người dân.
Đặc biệt tại Huế, mảnh đất vương phong đế vị, bao sóng gió biến đổi đi qua, thì chất liệu văn hóa triều đại vẫn được người dân níu giữ bảo toàn, như một giải pháp duy trì lễ tiết nghi thức của cuộc sống. Người dân Huế dù cơ cực thế nào vẫn giữ nguyên nếp nhà và phép hành xử vốn dĩ, bảo toàn mọi tiết lễ gia phong.
Nhờ vậy, chiếc áo ngũ thân trong văn hóa xứ Huế vẫn được giữ gìn, được người Huế trang trọng sử dụng trong mọi dịp tiết lễ nghi đốn, quanh năm bốn mùa. Người Huế, một cách lễ giáo, vẫn nghiêm túc chỉnh tề khi thấy mẫu áo ngũ thân truyền thống xuất hiện và trong mỗi gia đình văn hóa, luôn lưu giữ những bộ áo dài ngũ thân như dấu mốc cho sự hiển đạt gia phong một cách tự hào.
Đến đề án và thực tế phát triển
Tiến sĩ Thái Kim Lan, một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Huế biểu đạt, bà cũng là người phụ nữ Huế và bao năm sống, làm việc ở nước ngoài, bà vẫn luôn giữ gìn cốt cách đoan trang trong mẫu áo dài ngũ thân truyền thống. Đến nay, bà quay về Huế, tiếp tục những công việc cổ súy văn hóa dân tộc, một lần nữa, bà tham gia vào công cuộc chấn hưng thiết chế y quan truyền thống, vận động phát triển lại mẫu áo dài dân tộc.
Sự tham gia của những người như Tiến sĩ Thái Kim Lan, đã tác động mạnh mẽ đến trào lưu văn hóa tiết lễ tại Huế và Sở Văn hóa Thể thao địa phương tích cực thúc đẩy cho phong trào này phát triển. Hơn 3 năm trước, với sự thống nhất từ những nhà nghiên cứu, các tộc họ làng xã, các nghệ nhân văn hóa, những cơ sở may đo trang phục truyền thống, một chương trình hành động, xây dựng lại các giá trị văn hóa từ chiếc Áo dài Huế đã được khởi động.
Theo đó, hình ảnh người Huế với chiếc áo dài ngũ thân đã dần dần phổ biến, được tái hiện, tôn vinh trong mọi hoạt động cộng đồng xã hội, từ lễ Tết cho đến các hoạt động văn hóa địa phương. Những dịp lễ hội Festival quốc tế tại Huế, tại mọi sự kiện truyền thống dân gian, áo ngũ thân đều được chọn là trang phục chính để người tổ chức điều hành nghi lễ một cách trang trọng, mọi cá nhân tham gia đều nghiêm túc tuân hành.
Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế là đơn vị cổ súy mạnh mẽ nhất về hoạt động này, với chủ trương mặc áo ngũ thân truyền thống chào cờ mỗi đầu tuần và tại các hội nghị, cuộc họp chính thức trong quản lý hành chính địa phương.
Không những thế, qua vận động văn hóa, phong trào áo dài truyền thống từ Huế còn nhanh chóng lan tỏa đi các địa phương khác, mạnh dạn quảng bá ở các dịp hội chợ, sự kiện văn hóa từ Hà Nội vào tới TP.Hồ Chí Minh.
Những nghệ nhân Áo dài Huế đã không quản ngại đường xa, có mặt tại nhiều chương trình, sự kiện lớn, như dịp lễ hội mùa xuân ở phố cổ Hà Nội, những tuần lễ thương mại văn hóa lớn TP.Hồ Chí Minh; vào Đà Nẵng, lên Tây Nguyên tổ chức giao lưu văn hóa.
Một số nhà hoạt động ngoại giao quốc gia, các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, cũng nhận chân vấn đề trang phục quốc gia, cùng tham gia chương trình vận động này, từng bước đem hình ảnh Áo dài dân tộc lan truyền khắp nơi.
Ngày 29.3.2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”, chính thức công nhận hoạt động cổ súy phát triển mẫu áo ngũ thân truyền thống tại địa phương. Sự việc này tạo thêm cơ sở pháp lý cho công tác quảng bá, tôn vinh Áo dài Huế, hướng đến thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định hình ảnh Áo dài Huế trong văn hóa cộng đồng và đối ngoại quốc tế.
Một định hướng phát triển Áo dài Huế mạnh mẽ hơn theo đó cũng được ấn định, với dấu mốc quan trọng đến nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp bằng công nhận Di sản văn hóa - tri thức dân gian cho nghề may đó Áo dài Huế. Câu chuyện “biến di sản thành tài sản” chính thức mở ra.