Nghĩ về sự thiếu và thừa

MINH TUỆ

VHO - Vào mỗi buổi sáng người ta tìm một tờ báo, ngồi rung đùi uống nước, đọc tìm những tin tức mới. Hình ảnh quen thuộc ấy bây giờ ít thấy. Thay vào đó, ngày nay, từng lúc, từng nơi mỗi người đều cầm một vật, ngón tay lướt lướt, mắt dán vào đó. Truyền thông phát triển thần kỳ, biến đổi cả nếp sống con người. Đôi khi vì quá nghiện, mê nó mà phụ nữ quên luôn chuyện nấu cơm, gói bánh, nam giới lơ là công việc chính của mình.

 Truyền thông cung cấp tức thì tin tức về các thứ đang xảy ra, là cái mà ai cũng muốn biết. Nhưng đôi khi người ta lại quá đà, suốt ngày cứ lướt lướt đến nỗi “heo kêu con khóc” mà không nghe thấy thì quá đáng thật. Dành quá nhiều thì giờ cho nó còn việc khác, thực tế hơn, ắt phải “teo” lại. Đã 10 năm chúng ta thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với những kết quả khích lệ.

Đó là nói đến tầm vĩ mô. Còn ở tầm vi mô, ta có thể tự hỏi, trong công cuộc lớn lao này, “ai” xây dựng cho “ai” đây? Lại trộm nghĩ, con người ta sinh ra, lớn lên, chịu ảnh hưởng của gia đình, quê hương, nhà trường và xã hội, từ đó mà hình thành nên nhân cách. Vậy thì nếu xét ở giác độ cá nhân, chính là mỗi người tự “xây” cho mình, theo hướng mà Nghị quyết vạch ra. Cũng từ ấy mà nghĩ rằng, trong công cuộc này, vai trò của truyền thông là rất lớn.

Truyền thông được xem hằng giờ, hằng ngày sẽ giúp người ta không chỉ tiếp nhận thông tin, còn giúp người ta cảm nhận những gì là hay, là đẹp, là tốt (hay ngược lại) xảy ra ở nhiều nơi, từ đó mặc nhiên hình thành ở họ nhân cách. Truyền thông ở đây nên hiểu nghĩa rộng, bao gồm các cơ quan báo chí lẫn truyền thông xã hội. Không phủ nhận truyền thông trong thập niên qua (và trước đó nữa, tất nhiên) đã giúp rất nhiều cho con người ta hình thành nhân cách và truyền bá văn hóa. Nhưng cũng xin thưa thật rằng, lướt qua truyền thông hôm nay, không ít người phải băn khoăn vì sự vừa thừa vừa thiếu trong nội dung của nó. Thiếu là thiếu những chuyện cụ thể về cách xử sự cao đẹp của con người đối với con người và tự nhiên, tôn vinh những người những việc ấy, ít ra cũng cho thấy cuộc đời của chúng ta tốt đẹp hơn, đáng sống hơn. Không phải không có, nhưng hình như còn ít. Cái tốt cái đẹp rất nhiều khi không muốn phô bày, mà lẩn khuất trong cuộc sống bề bộn.

Trên thực tế đời sống có những chuyện ẩn sâu mà người viết chỉ với tấm lòng và sự công phu, khó nhọc mới có thể tìm ra. Có những chuyện bình dị, chỉ cần kể trung thực thôi cũng đủ để con người ta xúc động. Thừa là thừa những cảnh ưỡn ẹo ẻo lả, khoe sang chảnh, tâng bốc nhau hay “PR” cho những người nổi tiếng, lắm tiền. Một nghệ sĩ mất đi cũng là niềm thương tiếc, có thể được nhiều người quan tâm, nhưng truyền thông nhiều hơn người bình thường cũng chỉ nên có mức độ, lại đưa lên hết bài này đến bài khác, kể cả cái thuộc về quyền riêng tư của người quá cố và thân nhân của họ. Có nên chăng? Lại có những chuyện kỳ cục như thế này, nghệ sĩ nọ mừng cưới bao nhiêu tiền, phúng điếu bao nhiêu tiền, là cái nên ẩn trong lớp phong bì riêng tư, cũng được phô bày! Nếu cá nhân người đó không cố tình tiết lộ ra, thì ai biết? Có phải trơ trẽn quá không? Thú thật mỗi khi đọc thấy những thông tin như trên, cá nhân người viết rất ngán. Có lẽ nhiều người cũng cảm thấy như vậy. Những thông tin thừa thãi ấy đôi khi lại tràn ngập, lấn át mất không gian của cái đáng có. Tất nhiên mỗi người có một cảm nhận khác nhau. Riêng người viết thấy sự thiếu sự thừa ấy quả nhiên không nên có. Và nếu mỗi người đồng cảm như vậy, người ta khắc biết phải làm gì.

 

 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc