Chẳng lẽ bó tay?

LUẬT GIA PHẠM VĂN CHUNG

VHO - Hiện nay có khá nhiều YouTuber, TikToker đang tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, nền tảng mạng internet để kiếm tiền như livestream, quảng cáo... khá phổ biến.

 Bên cạnh một số người kiếm tiền một cách đàng hoàng, tử tế với những video có nội dung tích cực, lành mạnh thu hút đông đảo người xem thì cũng xuất hiện nhiều video lố lăng, chỉ nhằm câu view bất chấp, sử dụng hình ảnh nhạy cảm, thông tin cá nhân, hoặc cắt ghép video sai sự thật để trục lợi, kiếm được nhiều tiền.

 Nhiều người gọi đây là sự “ngáo đá” của những YouTuber, TikToker. Minh chứng rõ nhất cho các trường hợp Facebooker, YouTuber, TikToker “bẩn” gần đây là đám đông đeo bám, vây quanh một cá nhân, bất kể ngày đêm để quay phim, chụp ảnh nhằm kiếm tiền. Những YouTuber, Tiktoker này bất chấp tất cả, bỏ qua lời khuyến cáo, thậm chí van xin của cá nhân này. Điều này không những gây ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự xã hội, mất an toàn giao thông rất nghiêm trọng và vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư cá nhân. Bên cạnh một số YouTuber, TikToker chuyên nghiệp, hành nghề để kiếm tiền thì cũng có tình trạng một số đua đòi, thích kiếm nhiều like, nhiều view để khoe trên mạng xã hội mà bất chấp nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của bản thân, phiền toái, khó chịu cho người khác để livestream, chụp hình. Có thể khẳng định việc kiếm view, kiếm like mà bất chấp tất cả đã gây nhiều hệ lụy cho xã hội, tác động đến cuộc sống riêng của nhiều người, nhất là hưởng nghiêm trọng đến công việc, tinh thần của những người liên quan. Vậy chẳng lẽ bó tay với tình trạng các YouTuber, TikToker tung hoành? Thật ra việc xử lý hành vi của những đối tượng này đã được pháp luật quy định khá đầy đủ, chi tiết, còn lại là chờ vào sự ra tay xử lý, trấn áp của lực lượng chức năng. Cụ thể, hành vi bất chấp, làm loạn của YouTuber, TikToker có dấu hiệu cấu thành tội gây rối trật tự công cộng khi những người này tụ tập cản trở giao thông, leo trèo, giẫm đạp lên các công trình công cộng, chen lấn, la lối ồn ào cả một vùng... để quay phim, chụp hình. Đặc biệt, khi đã có cảnh báo, hướng dẫn, yêu cầu giữ gìn trật tự của lực lượng chức năng nhưng những người này vẫn bất chấp, không tuân thủ, có biểu hiện chống đối thì dấu hiệu của tội gây rối đã khá rõ ràng, cơ quan chức năng có thể áp dụng xử lý. Thứ nữa, hành vi bất chấp của YouTuber, TikToker có dấu hiệu của tội vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc, tai nạn giao thông. Đó là khi những người này tràn ra đường, chặn đường giao thông để quay phim, chụp ảnh, livestream hoặc đi lại mất lộn xộn cản trở đi lại của người dân... Vì vậy, cơ quan chức năng có thể xử lý những người này với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, cản trở giao thông, nhất là khi có tai nạn, thiệt hại xảy ra. Và hành vi này có dấu hiệu xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Đó là hành vi tiết lộ, phát tán… những hình ảnh, thông tin riêng tư của cá nhân khi không được người đó đồng ý. Ví như trường hợp cá nhân trên, nhiều lúc ông này không đồng ý cho quay phim, chụp hình, khi ông nghỉ ngơi hoặc thực hiện nhu cầu cá nhân thì những YouTuber, Tiktoker vẫn rình mò quay phim, chụp ảnh là đã xâm phạm quyền riêng tư cá nhân về hình ảnh, cơ quan chức năng có thể xử lý hành vi này nếu người trong cuộc khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng có thể giám sát chặt chẽ nội dung đăng tải, kiểm duyệt video sát sao hơn để kịp thời loại bỏ những nội dung bẩn trên nền tảng. Đồng thời, rà soát xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm trên môi trường mạng, xâm phạm an ninh mạng như hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; vu khống, làm nhục người khác... Từ những quy định trên, có thể thấy pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ, cụ thể đối với các hành vi livestream, chụp ảnh bất chấp, làm loạn đã xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Vấn đề còn lại là trách nhiệm vào cuộc, “ra tay” xử lý nghiêm minh, triệt để của cơ quan chức năng có thẩm quyền mà thôi.