Ngẫm về Ban đại diện cha mẹ học sinh

VĂN CHUNG

VHO - Vụ việc một học sinh lớp 1 phải “ngồi nhìn cả lớp ăn liên hoan” vì phụ huynh không đóng quỹ ở Gia Lộc, Hải Dương không chỉ phơi bày sự vô tâm của một số phụ huynh học sinh có mặt tại buổi liên hoan, mà còn đặt ra vấn đề khác là có nên duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban đại diện) nữa hay không?

 Theo quy định hiện hành, Ban đại diện được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục. 

 Do đó, nhiệm vụ của Ban đại diện đúng ra là đại diện cho ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh học sinh góp ý, phối hợp cùng với nhà trường, thầy cô giáo giáo dục, giúp đỡ học sinh ngày càng tiến bộ trong học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, thực tế thì vai trò và hoạt động của Ban đại diện lại không như mục tiêu, kỳ vọng. Theo phản ánh của người dân, một số nơi Ban này chủ yếu làm nhiệm vụ đứng ra vận động, quyên góp quỹ cho trường, lớp cũng như thay mặt phụ huynh thăm hỏi, tặng quà thầy, cô giáo các dịp lễ tết... Nguyên tắc, việc thu quỹ hội phụ huynh đều được phổ biến, quán triệt là trên tinh thần tự nguyện và việc đóng góp theo khả năng, điều kiện. Tuy vậy, thực tế thì ngược lại, ở nhiều trường có định hướng rõ ràng, cụ thể, theo kiểu “gợi ý”, “tham khảo” hoặc ví dụ các năm trước, các trường khác, lớp khác và Ban đại diện chỉ làm nhiệm vụ “phổ biến lại”, cụ thể hóa các gợi ý đó mà thôi! Điều này dẫn đến việc Ban đại diện buộc phải phân bổ, mức trung bình theo số lượng học sinh của lớp. Thậm chí, một số nơi thu quỹ vì chạy theo phong trào, đua tranh với nhau mà thu quỹ quá cao, theo kiểu tận thu, tìm mọi cách ép buộc phụ huynh phải đóng nhiều khoản vô lý... Như vậy, đã tạo ra sự bất hợp lý khi trong một lớp phụ huynh giàu hay nghèo cũng đều phải đóng quỹ như nhau, gây áp lực cho những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khi luôn phải căng mình chạy theo số phụ huynh khá giả. Bởi nếu phụ huynh không đóng, không theo số đông của lớp thì con mình bị thiệt thòi, bị thầy cô bạn bè xa lánh, cô lập mà vụ việc vừa qua ở tỉnh Hải Dương là minh chứng. Có thể nói, việc duy trì Ban đại diện ở thời điểm hiện nay là không còn cần thiết nữa. Bởi với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc liên lạc giữa phụ huynh với nhà trường, thầy, cô giáo là rất dễ dàng, thuận tiện, không cần phải trao đổi qua Ban đại diện. Theo đó, có nội dung gì cần trao đổi thì thầy, cô giáo nhắn riêng cho từng phụ huynh; đối với công việc chung của trường, của lớp thì bàn bạc, trao đổi, thông báo lên nhóm chung zalo, facebook... Kể cả việc vận động đóng góp cho hoạt động phong trào, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, lễ tết... từng phụ huynh sẽ tự chuyển khoản đến trường, đến thầy cô giáo rất thuận tiện, nhanh chóng. Khi đó không cần qua Ban đại diện và việc cào bằng, phân bổ bình quân cũng sẽ chấm dứt và phụ huynh tùy hoàn cảnh, điều kiện mà đóng góp.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc