Đừng để là “con tin”?

CAO CHƯ

VHO - Con tin (hostage) là cách mà người ta nói về tình trạng con người bị bắt giữ phi lý để yêu sách. Kẻ bị bắt giữ như nằm trong lồng, trong bẫy (trape), không thoát ra được, người liên quan phải nhượng bộ yêu sách của kẻ bắt cóc (kidnapper). Nhưng “con tin” còn có nghĩa bóng. Trong xã hội, có nhiều trường hợp không chắc ai là con tin của ai, ai là con tin của điều gì.

 Một anh bạn mê chơi chim, sắm lồng đẹp, mua chim quý về nuôi. Cứ sáng sáng chiều chiều lại bón thức ăn cho chim ăn, rót nước cho chim uống, dọn phân cho chim ở, khi trái gió trở trời anh dùng bạt che quanh lồng cho chim khỏi ốm. Rõ là chim bị “bắt cóc”, bị nhốt trong lồng, phải hót. Chim đẹp hót hay thì thích thật, nhưng trường hợp này thì “ai” là đày tớ của “ai”, “ai” là“con tin” của “ai”?

Gần đây có trường hợp nhân viên y tế ở Anh Quốc, rồi Hàn Quốc đình công. Nhân viên y tế, cũng như các ngành khác, khi người ta bức xúc về cuộc sống, thì người ta mới đình công. Nhưng khác ở chỗ chính là ngành y tế trực tiếp chăm lo sức khỏe con người. Một khi nhân viên y tế đình công thì ai sẽ chăm lo cho người già, người ốm, người đẻ? Ở đây không bàn nguyên nhân đình công (nhà nước hay nhân viên y tế), ai đúng ai sai, chỉ nghĩ đến chuyện những người cần chăm sóc sức khỏe không được chăm sóc đã thấy khó nghĩ. Nhân viên y tế có thể bắt chẹt nhà nước, lấy người bệnh làm “con tin” cho yêu sách của mình, hay nhà nước lấy lương tâm của người thầy thuốc không thể để bệnh nhân chết oan để làm “con tin”, không đáp ứng yêu sách của nhân viên y tế? Thật khó có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát.

Trong đời có khá nhiều trường hợp người này là “con tin” của người khác. Chẳng hạn một người lầm lỗi không bị trừng phạt mà bị người khác ra sức lợi dụng, dọa tung ảnh lên mạng xã hội, điều khiển người đó phải làm theo yêu sách của mình, nhược bằng không làm theo sẽ bị đe dọa. Người ta cũng có thể lợi dụng báo chí để bắt chẹt một doanh nghiệp sai trái nào đó để tống tiền, và hệ quả là chính người làm báo bị bắt giữ. Nhiều trường hợp người ta dùng quyền uy bắt người khác phải tuân theo ý kiến sai lệch của mình. Đó cũng là những “con tin”. Có những trường hợp mình lại là“con tin” của chính mình. Đó thường là những người bảo thủ với nguyên tắc cứng nhắc trong đầu, không chịu đổi mới tư duy, cứ khư khư theo lối cũ và luôn cho mình là đúng.

Có nghĩa là không ai bắt cóc mình, ức hiếp mình, mà mình tự nhốt mình vào lồng và không thoát ra được. Còn “con tin” tự nguyện của tiền bạc thì nhiều. Có những người tuổi đời còn rất trẻ, tương lai còn rộng mở, nhưng nóng lòng làm giàu, không từ cả mánh khóe lừa đảo, để đến nỗi bị vướng vào lao lý. Có người đã giàu nứt đố đổ vách, nhưng sức yếu ăn còn không nổi, lại vướng vào những chuyện lôi thôi tiền bạc, bị bắt, bị xử án, bị tù. Xem ra không có gì phi lý cho bằng chính mình tựtrói mình, tự bắt mình làm “con tin” của chính mình. Vậy nên sự tự vấn, xem xét mình có bị quán tính, bị tuân theo một tập quán vô thức nào đó hay không rất quan trọng, để tự giải phóng mình, để mình có cuộc sống hài hòa, không chỉ giúp ích cho mình mà còn có lợi cho xã hội. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc