Chuyện đặt tên đường

CAO CHƯ

VHO - Ngày 20.8 này là ngày tưởng niệm 160 năm Anh hùng Trương Định hy sinh vì nước. Tên tuổi Trương Định không hề xa lạ. Khắp nơi trên đất nước ta đều có đường phố, trường học hay các công trình công cộng khác mang tên Trương Định. Anh hùng Trương Định sinh năm 1820 ở làng Tư Cung, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 24 tuổi (1844) ông theo cha là Thủy sư đô đốc Gia Định Trương Cầm vào Nam lập nghiệp, khai khẩn đồn điền ở Gò Công (Tiền Giang).

 Năm 1859, quân Pháp tấn công chiếm thành Gia Định, khởi đầu cuộc xâm lược ở Nam Bộ nước ta. Trương Định đem quân đồn điền của mình phối hợp với quân triều đình kháng cự. Khi ba tỉnh miền đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) rơi vào tay giặc Pháp, năm 1862 triều Nguyễn ký hòa ước với Pháp và lệnh Trương Định giải binh, phong ông làm Lãnh binh An Giang, nhưng ông không nhận. 

Các thủ lĩnh nghĩa quân kiên quyết đánh Pháp suy tôn ông làm Bình Tây đại nguyên soái, tiếp tục đánh Pháp. Cuộc khởi nghĩa của Trương Định đã khiến thực dân Pháp phải chịu nhiều tổn thất, phải vô cùng vất vả để đối phó. Ông đánh thắng nhiều trận, trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ lực lượng kháng chiến. Như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết: Trong Nam tên họ nổi như cồn/ Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn/ Dấu đạn hãy rêm tàu bạch quỷ/ Hơi gươm thêm rạng thể hoàng môn. Do có sự phản bội, ông bị Pháp đánh úp và lẫm liệt hy sinh giữa trận tiền ngày 20.8.1864. Cái chết của ông gây xúc động sâu sắc với người dân cả nước. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết bài Văn tế Trương Định, rồi Thơ điếu Trương Định gồm 12 bài thất ngôn bát cú liên hoàn. Vua Tự Đức cấp dưỡng, cấp tuất cho vợ ông là bà Lê Thị Thưởng về lánh ở quê chồng Tư Cung (Quảng Ngãi), lại cấp cho tiền hương khói, cho xây đền thờ Trương Định ở Tư Cung. Từ Nam Bộ xa xôi, hành trạng và cái chết lẫm liệt của người anh hùng đã loang tới triều đình, cảm hóa cả vua. Không có gì ngạc nhiên khi ngày nay tên tuổi của Trương Định đã được vinh danh khắp nơi. 

Người viết đã tham dự nhiều cuộc họp về đặt tên đường phố ở các đô thị. Bên cạnh những trường hợp như Trương Định mặc nhiên phải có, lại có những trường hợp không khỏi băn khoăn. Những người đề xuất tên đường cố gắng chứng minh một nhân vật nào đó từng đỗ đạt cao, chức vụ cao, phong tước vị lớn, nhưng hỏi có công trạng gì với đất nước thì người ta chỉ nói chung chung, nghĩa là… không có gì để nói. Có người thấy ông tổ mình được phong tước “quận công” còn hơi nhỏ, bèn “nắn” lại thành “quốc công” cho oai. Lại thấy ở thời cận hiện đại, cứ thấy chức vụ cao thì người ta đề xuất đặt tên đường phố, nhưng hỏi người ấy tạo dựng được công trạng gì, thì người ta đành chịu! 

Nếu căn cứ chức vụ không thôi thì ngay cả Nguyễn Trãi cũng có người giữ chức vụ cao hơn, người ấy sao không được đặt tên đường? Nếu lấy chức vụ làm tiêu chí, ắt hẳn ông Tú Xương sẽ không “có cửa”, bởi rõ ràng ông thất nghiệp, phải sống nhờ người vợ tần tảo “quanh năm buôn bán ở mom sông”. Ngay cả Trương Định, nếu ta xét về chức vụ hay địa vị, hay tước vị do nhà nước phong kiến ban tặng, đều không có gì đáng kể. Rốt cuộc cuộc khởi nghĩa Trương Định cũng thất bại sau vỏn vẹn dưới năm năm chiến đấu với Pháp, vậy thì ông để lại công trạng gì? Tưởng như không có gì nhưng lại vô cùng lớn. Đó là tinh thần bất khuất, phẩm chất anh hùng, hiên ngang trước quân xâm lược của ông có sức cổ vũ to lớn, không chỉ ở Nam Bộ mà còn trong toàn đất nước, không chỉ ở thời ông còn sống mà còn ở các phong trào yêu nước mãi về sau, ở các thế hệ sau. 

Đặt tên đường, phố là để người ta có địa chỉ xác thực, đồng thời để vinh danh tấm gương nào đó cho cộng đồng xã hội noi theo, là việc hệ trọng, lưu lại lâu dài. Nhìn nhận một danh nhân nào đó là nhìn xuyên thời gian, xuyên không gian, với những hành trạng cụ thể để xác định công trạng hay không công trạng, không nên đơn giản hóa, càng không nên chen ý tứ cá nhân vào ấy.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc