Không nên đặt tên con theo cảm tính

Th.S, Luật gia PHẠM VĂN CHUNG

VHO - Việc một người dân ở Phú Quốc (Kiên Giang) dự định đặt tên con là Nguyễn Bảo Phà Chạy để lưu lại kỷ niệm đẹp về hành trình khó khăn để cứu con và tri ân những người đã tận tình giúp đỡ gia đình. Việc đặt tên con để lưu lại kỷ niệm ấn tượng nào đó, khó quên trong đời không phải là hiếm, tuy nhiên việc đặt tên con theo kiểu tùy hứng, cảm tính quá... và không thể hiện là tên gọi thuần Việt theo truyền thống văn hóa dân tộc hoặc tập quán vùng miền là điều không nên.

Theo quy định pháp luật hiện hành tại khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015: “1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó...”. Thông tư số 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp cũng quy định: “Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng”. Như vậy, việc đặt tên cho con là quyền của cha, mẹ, tuy nhiên việc đặt tên cho con cũng phải nhằm giữ gìn bản sắc, tập quán truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhất là không nên đặt tên khó sử dụng. 

Trở lại việc người cha định đặt tên cho con theo cảm hứng mà chưa nghĩ đến những rắc rối mà con anh có thể gặp phải vì cái tên quá... ngộ của nó. Đó là khi đến tuổi đi học sẽ bị bạn bè trêu chọc, rồi đứa trẻ sẽ tự ti, mặc cảm với tên của mình, thậm chí kỷ niệm đẹp của người cha khi con mới sinh ra cũng là đề tài bàn tán không hay cho chúng bạn. Từ đó, có thể gây ra hệ lụy tiêu cực cho đứa trẻ như bị trêu mà bỏ học, tự gây hại cho bản thân... Thực tế cá nhân người viết từng giải quyết nhiều trường hợp xin đổi tên vì lý do tương tự. Người dân phải vất vả làm thủ tục đổi tên vì tên xấu, khó gọi hay tên gây bất lợi cho bản thân như tên Lê Thị Bướm, Nguyễn Gia Điện (bạn bè cứ gọi là điện giật) hay tên quá dài rất khó làm CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng như Công Tằng Tôn Nữ Kiều Trang... 

Đặt tên thì dễ nhưng đổi tên là phải có lý do chính đáng, chứ không phải cứ thích đổi là đổi! Đó là chỉ được giải quyết đổi tên nếu có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác. Mặt khác, khi đổi tên được rồi còn tiếp tục gặp rắc rối khác, thậm chí không thể khắc phục. Đó là các giấy tờ nhân thân sẽ không khớp nhau sau khi đổi tên và một số loại giấy tờ không được cấp lại, không được sửa lại như sổ học bạ, bằng cấp, chứng chỉ... Thậm chí, đối với các loại giấy tờ có thể thay đổi, điều chỉnh như giấy tờ nhà đất, xe cộ, CCCD, hộ chiếu... thì người dân cũng mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc khi đi làm. 

Vì vậy, người cha dự định đặt tên con theo cảm tính, không phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa về tên gọi thông thường của cộng đồng là không nên. Bởi nếu muốn lưu lại kỷ niệm đẹp thì thiếu gì những cái tên hay, tên đẹp, ý nghĩa liên quan đến sự kiện này, chứ không nhất thiết phải quá cụ thể, mô tả quá thật về sự kiện như thế... Con người sinh ra phải có tên, đó là định danh không chỉ đối với xã hội mà chính bản thân họ nên việc đặt tên cho con rất quan trọng, theo con suốt cả cuộc đời. Vì vậy, cha mẹ khi đặt tên không nên dựa vào cảm xúc nhất thời mà phải suy nghĩ thật sự chín chắn cả về ý nghĩa tên đối với gia đình nhưng cũng phải phù hợp với truyền thống cộng đồng, xã hội, đặc biệt là thuận lợi cho con về sau. Tuyệt đối không nên đặt tên con theo tùy hứng mà gây rắc rối cho con suốt cả cuộc đời sau này. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc