Sướng, khổ với “vật bất ly thân”

MINH TUỆ

VHO - Tùy theo thời kỳ và tính chất sinh hoạt mà con người có những “vật bất ly thân”, tức những vật không thể rời con người. Chẳng hạn xưa kia nhiều hùm beo và giặc cướp thì “vật bất ly thân” của đồng bào miền núi là dáo mác, tên ná mà đi lên rẫy, đi thăm chơi, đi lễ hội cũng mang theo. Với những người phụ nữ ăn trầu, đi đâu cũng giắt theo cái đãy. Với những người nghiện thuốc lào thì đi đâu cũng vác kè kè cái “nòng đại bác” chuyên kêu rọt rọt và nhả khói.

 Thế còn “vật bất ly thân” ngày nay là cái gì? Chính là 

Điện thoại di động (mobilephone) là phát triển của điện thoại bàn hay điện thoại cố định (telephone). Telephone hay điện thoại nghĩa là nghe, nói từ xa. Trước khi có telephone hay điện thoại, con người ở xa muốn giao tiếp với nhau tốt thì phải… đến gặp nhau. Ác nỗi người ta có thể ở cách nhau không xa lắm còn gặp được nhau, ở xa muôn trùng thì không thể. Người ta dùng thư viết tay để trao đổi. Nhưng thư cũng có hạn chế của thư. Thư đi tin lại rất mất thời gian mà người ta cũng không thể nói hết những gì mình muốn nói.

Vậy nên khi có điện thoại ra đời, mọi người liền “Ok!” chào đón. Điện thoại phát triển với mức độ công nghệ ban đầu thô sơ, sau tiện ích, cao dần. Bấy giờ người nói người nghe đã thấy “sướng”. Hỏi trong lịch sử đã có ai nói chuyện được với người ở xa tít mù khơi hay không? Quả là chuyện thần kỳ. Nhưng telephone đặt bàn cũng chưa phải vật bất ly thân, bởi người ta không thể bỏ nó vào túi mang theo được với cái máy to và dây dợ lằng ngoằng. Chỉ đến khi máy điện thoại di động ra đời, mang lưới sóng tỏa khắp thì nó mới trở thành “vật bất ly thân”. Dần dần mỗi người, không phân biệt già trẻ gái trai đều có một chiếc điện thoại di động, có người đến hai ba cái. Ban đầu điện thoại chỉ để nghe và nói, sau có cả thứ điện thoại thông minh (smartphone) cho phép chụp ảnh, hiện hình, đăng hình, kết nối, chia sẻ, bình luận, thì sự “vật bất ly thân” càng sâu sắc. Người ta dù làm việc gì cũng không rời mắt khỏi nó, cả lúc ăn, lúc ngủ. Nó quá tiện ích.

Thế nhưng sự “bất ly thân” lại đẻ ra vấn đề mới. Lâu ngày gặp nhau, tôi gọi mời một anh bạn đi uống cà phê để thư giãn, tâm sự với nhau ít điều. Thế nhưng anh bạn lại cứ dán mắt vào cái điện thoại, bấm bấm lướt lướt, thi thoảng mới trả lời vài câu, tôi thấy chán và không muốn mời mọc gì nữa. Lại nghĩ rằng điện thoại thông minh ra đời là để kết nối con người dù ở rất xa lại với nhau, mà khi con người đang ngồi đối diện nhau không trò chuyện, lại kết nối ở đẩu đâu, liệu có ý nghĩa gì? Một người cao tuổi nọ hay nhắc đến các con cháu của ông ở xa, ông nhớ và muốn con cháu về thăm chơi. Hè về, con cháu về chơi với ông bà. Người hàng xóm bảo: Các cháu về vui quá nhỉ. Không ngờ ông buồn buồn trả lời: Đời sống vật chất thì đi lên mà đời sống tinh thần thì đi xuống hay sao ý! Sao ra nông nổi vậy? Ông mới tâm sự rằng mấy đứa cháu về mỗi đứa cầm một chiếc điện thoại, lúc ăn, lúc ngủ, lúc ngồi chơi, ông bà nói gì, hỏi gì cũng chỉ đáp một câu gọn lỏn rồi lại dán mắt vào điện thoại. Chán thật! “Vật bất ly thân” vô hình trung trở thành trở ngại cho tình cảm gia đình.

Dùng điện thoại thuộc về sinh hoạt cá nhân, khó mà bắt người ta phải theo một quy tắc gì. Nhưng rõ ràng sự thái quá với nó đã phát sinh vấn đề vô cùng quan trọng, đó là tình cảm gia đình, văn hóa gia đình, mối dây gắn kết gia đình. Bây giờ là lúc không phải mơ ước có được chiếc điện thoại thông minh nữa rồi, mà là lúc mong chiếc điện thoại kia bớt bớt “bất ly thân” để người ta còn nhờ, để cho cuộc sống có được những điều giản dị tự nhiên như nó vốn có. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc