Công nghiệp quảng cáo sẽ là ngành kinh tế dịch vụ quan trọng

HOÀNG HẢI - DIỄM MY

VHO - “Thời gian qua, ngành công nghiệp quảng cáo đã xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng để hội nhập với kinh tế quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, tiềm năng, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới, đóng góp chung vào sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh tại sự kiện khai mạc Festival Quảng cáo Việt Nam 2024.

  Cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nằm trong chuỗi các sự kiện triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy hy vọng, với sự quy tụ của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực quảng cáo, Festival Quảng cáo Việt Nam 2024 là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và tầm quan trọng của ngành quảng cáo Việt Nam nói riêng và các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung đến bạn bè thế giới.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, sau gần 10 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, với sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng. Bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt gần 7,2%/năm. Thống kê riêng trong năm 2022 có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, thu hút bình quân lực lượng lao động khoảng 1,7 đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, đồng thời dẫn đến sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Đặc biệt, việc xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Sự xuất hiện của ba thành phố sáng tạo gồm Hà Nội, Đà Lạt và Hội An trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Đóng góp chung vào sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngành công nghiệp quảng cáo đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng và phát triển mạnh mẽ, đã xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng để hội nhập với kinh tế quốc tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, tiềm năng, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc