Chạy đua với thời gian…
VHO - Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành đã bấm nút kích hoạt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Việc thực hiện lấy mẫu ADN lưu trữ trong Ngân hàng Gen là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc.
Là một trong những gia đình đầu tiên đăng ký giám định mẫu ADN tại Ngân hàng gen (thuộc Trung tâm dữ liệu Quốc gia, C06 Bộ Công an), gia đình bà Phạm Thị Vinh (em gái liệt sĩ Phạm Văn Thước) may mắn nhận kết quả ADN trùng khớp. Bà Vinh không cầm được nước mắt khi thực hiện được ý nguyện của bố mẹ là tìm được anh sau gần nửa thế kỷ thất lạc. Năm 1971, anh trai bà lúc đó vừa tròn 17 tuổi, sau một buổi đi học đã nói với bố mẹ: “Con đi lính một vài năm rồi con về”, nhưng anh đi luôn, không trở về nữa. Mười năm sau (1985), gia đình mới nhận được giấy báo tử, nhưng điều kiện kinh tế quá khó khăn nên không đi tìm anh được. Bố mẹ bà Vinh dần đi xa, nhưng vẫn đau đáu dặn lại các con các cháu phải bằng mọi giá tìm liệt sĩ cho bằng được. Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, bà Vinh đã được lấy mẫu tóc và móng tay để xét nghiệm ADN. Niềm vui vỡ òa khi gia đình bà nhận được tin AND trùng khớp. Vậy là bà đã hoàn thành di nguyện của cha mẹ.
Giống như gia đình bà Vinh, gia đình ông Nguyễn Đức Kim, cháu gọi liệt sĩ Nguyễn Chí Cường bằng cậu, cũng đón niềm vui tương tự khi tìm được hài cốt liệt sĩ nhờ giám định ADN. Liệt sĩ Nguyễn Chí Cường sinh năm 1942 tại thôn Trung Tiến, xã Tây Lương; nhập ngũ năm 1967 và hy sinh ngày 10.6.1972. Thi hài liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn (Bình Định). Lần theo những lời đồng đội của cậu kể, ông Kim đã từng tìm đến nghĩa trang nơi liệt sĩ Nguyễn Chí Cường yên nghỉ, nhưng vì thấy tên trên bia mộ không trùng khớp, ông lại trở về. Gần nửa thế kỷ qua, chiến tranh càng lùi xa, manh mối về liệt sĩ cứ nhạt nhòa dần, việc đi tìm cũng càng lúc càng khó khăn. Gia đình ông Kim chỉ biết thành tâm cầu mong vận may sẽ đến, ngày nào ông cũng viết nhật ký, ghép nối lại những manh mối mong manh để tìm lại người cậu đã hy sinh.
Sau nhiều cố gắng, tháng 7.2024, gia đình ông Kim đã nhận được kết quả giám định AND trùng khớp của Trung tâm Pháp y quốc gia (Bộ Y tế). Chấp thuận đơn đề nghị của gia đình, được phép của cơ quan chức năng, gia đình ông Kim đã di dời hài cốt liệt sĩ Nguyễn Chí Cường từ Nghĩa trang liệt sĩ Nhơn Hưng về quê nhà an táng theo tập tục địa phương. Tuy nhiên, cũng còn nhiều gia đình không may mắn khi chưa tìm được manh mối người thân. Đơn cử như ông Lê Văn Quý, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), có anh trai nhập ngũ năm 1965 và hy sinh vào tháng 10.1972 tại chiến trường Đông Nam Bộ. Suốt mấy chục năm, bố mẹ già yếu dần mất đi, các anh em trong nhà tiếp tục tìm nhưng vô vọng. Không biết làm thế nào, gia đình ông đành tìm vào đơn vị liệt sĩ đóng quân năm 1972 tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bốc một nắm đất mang về để tượng trưng cho hài cốt liệt sĩ.
Người thương binh già bày tỏ vui mừng vì Nhà nước đã có chính sách để tạo ra nguồn gen phục vụ cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, năm tháng dần trôi qua, xương cốt liệt sĩ không còn, do đó cần phải xác định ngay gen của thân nhân để sau này tìm được hài cốt thì từ hai nguồn gen này có thể so sánh để xác nhận.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương khi 200 ngàn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Nước mắt vẫn chưa ngừng rơi trên gương mặt những người mẹ; ánh mắt mòn mỏi vẫn khắc khoải ngóng trông của những gia đình chưa biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu, là những câu hỏi chưa từng thôi day dứt. Tìm nhân thân và quy tập hài cốt liệt sĩ là việc làm cần phải chạy đua với thời gian. Công tác kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp phần xoa dịu những hy sinh, mất mát của thân nhân những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc.