Từ SEA Games đến Olympic

THU SÂM (từ Paris, Pháp)

VHO - Bấy lâu nay cứ mỗi lần Thể thao Việt Nam xuất quân thi đấu tại Olympic, lại có những ý kiến rằng chúng ta quá chú trọng tới đấu trường khu vực và ít quan tâm tới đấu trường châu lục. Vậy sự thật thì như thế nào?

Từ SEA Games đến Olympic - ảnh 1

 Hà Thị Linh (bìa trái) từng 2 lần vô địch SEA Games trước khi giành vé dự Olympic. Ảnh: TTXVN

 Phải đi từ thấp đến cao

Sự thật là không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực Đông Nam Á đều coi SEA Games là bàn đạp, là đấu trường để các VĐV rèn giũa trước khi bước ra đấu trường lớn nhất châu lục là Asian Games, rồi lớn nhất thế giới là Olympic. Bằng chứng cho việc này là tại kỳ SEA Games gần đây nhất tổ chức trên đất Campuchia, các nước trong khu vực Đông Nam Á đều cử binh hùng, tướng mạnh đến Đại hội.

Tại SEA Games 32, Thái Lan tham dự Đại hội với thành phần gồm 877 VĐV, tranh tài ở 38 môn thi đấu, đứng thứ 2 toàn đoàn, giành 108 HCV, xếp sau đoàn Việt Nam. Indonesia tham gia Đại hội với 599 VĐV tranh tài ở 31 môn, xếp thứ 3, giành 87 HCV. Malaysia tham gia Đại hội với 677 VĐV, giành 34 HCV, đứng thứ 7. Philippines đứng thứ 5 với 840 VĐV, tranh tài ở 38 môn. Singapore đứng thứ 6, với 558 VĐV, tranh tài ở 30 môn thể thao. Trong khi đó Việt Nam dự Đại hội với 702 VĐV, tranh tài ở 38 môn, dẫn đầu Đại hội, giành 136 HCV.

Như vậy trong số các nước kể trên, Thái Lan là nước có lực lượng VĐV dự SEA Games 32 đông nhất (877), tiếp đến là Philippines (840), Việt Nam (702), Malaysia (677), Indonesia (599), Singapore (558) và Việt Nam là nước có thành tích vượt trội với 136 HCV. Các con số trên cũng cho thấy rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á không hề bỏ qua SEA Games mà vẫn rất chú trọng đến đấu trường này, tương tự như việc muốn học Đại học thì phải qua THPT, muốn học THPT thì phải học THCS vậy. Chủ trương dùng SEA Games làm bàn đạp để tiến ra đấu trường châu Á và thế giới của các nước cũng tương tự như chiến lược của Thể thao Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy hầu hết các VĐV đỉnh cao của Đông Nam Á đều trải qua đấu trường SEA Games và coi đây là đấu trường quan trọng trong sự nghiệp. Đơn cử như võ sĩ Taekwondo Panipak Wongpattanakit (Thái Lan), bắt đầu được biết đến với chiếc HCB SEA Games 2013. Đến nay cô đã là nhà vô địch Olympic Tokyo 2020, 2 lần lên ngôi vô địch giải thế giới, 2 lần đoạt HCV tại 2 kỳ Asian Games liên tiếp, gần đây nhất là Asian Games 19.

Còn với Thể thao Việt Nam thì sao? Hầu hết các VĐV giành vé dự Olympic lần này đều thi đấu tốt tại đấu trường khu vực. Đơn cử như tay chèo Nguyễn Thị Hương từng đoạt tới 8 HCV SEA Games, hay như võ sĩ Hà Thị Linh (Boxing), Hoàng Thị Tình (Judo) cũng giành tới 2 HCV SEA Games tính tới thời điểm này.

Những dẫn chứng này cho thấy, các VĐV phải trải qua quá trình thi đấu từ đấu trường thấp đến đấu trường cao, giống như quá trình trưởng thành của mỗi người, nếu không có phép mầu thì không thể từ trẻ lên ba trở thành Thánh Gióng. Tất nhiên nếu có điều kiện, chúng ta không cần chọn SEA Games mà có thể cử VĐV tập huấn, thi đấu ở các nước phát triển trên thế giới rồi tham dự đủ các giải đấu lớn, nhỏ ở các khu vực phát triển thì chắc chắn sẽ có cơ hội tiến xa. Đó là cách đào tạo gà nòi mà Thể thao Việt Nam từng tính tới nhưng bài toán về kinh phí thì ai sẽ là người giải?

Có thực mới vực được đạo

Thực tế bài toán về việc vươn tới đấu trường châu lục và thế giới là mục tiêu mà ngành thể thao đã hướng tới trong chiến lược phát triển. Gần đây nhất, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị định hướng phát triển Thể thao thành tích cao với chủ đề “Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic” đã được tổ chức. Hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp để Thể thao Việt Nam dần tiếp cận và có thành tích tốt tại 2 đấu trường lớn này.

Như thế về chủ trương, về định hướng, chúng ta đều đã có và đang được thực hiện bài bản. Hội nghị này đã có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, HLV, VĐV, đại diện 45 Sở VHTTDL, Sở VHTT và đại diện các ngành Công an, Quân đội, Giáo dục. Các ý kiến tại Hội nghị đều tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc của Thể thao Việt Nam cũng như đề ra các giải pháp cụ thể.

TS Cao Văn Chóng, Ủy viên BCH Hội khoa học TDTT Việt Nam, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Vấn đề mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của Thể thao Việt Nam theo tôi là nguồn lực đầu tư. Thực tế cho thấy, mức đầu tư của chúng ta so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Mục tiêu thì muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực lại chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực. Vì thế nói gì thì nói trước hết chúng ta phải giải quyết được vấn đề về kinh phí, về nguồn lực đầu tư cho thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Chắc chắn rằng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động được các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động thể thao”.

Hay nghe tâm sự của người trong cuộc, chúng ta mới có thể thấy rằng mong muốn thì nhiều nhưng không phải cứ muốn là thực hiện được ngay bởi cái khó bó cái khôn. “Trung tâm huấn luyện tại các nước tiên tiến vào mùa đông có hệ thống sưởi ấm, mùa hè thì có hệ thống điều hòa làm mát nên VĐV lúc nào cũng ở trong trạng thái nhiệt độ ổn định. Vì thế các HLV cũng không phải điều chỉnh giáo án và quá trình tập luyện của các VĐV luôn ổn định. Đây cũng là mức nhiệt độ phù hợp với các cuộc thi đấu quốc tế. Trong khi đó ở nước ta, đa phần các đội tập luyện tại miền Bắc đều phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, lại hay thay đổi nên giáo án của HLV cũng thường xuyên phải thay đổi theo. Chẳng hạn như mùa đông quá lạnh, còn mùa hè quá nóng cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình tập luyện của VĐV, vì nếu tính trung bình mùa đông và mùa hè chúng ta bị ảnh hưởng mất gần 3 tháng. Nếu 3 tháng đó không bị ảnh hưởng thì HLV, VĐV sẽ có chu kỳ huấn luyện xuyên suốt. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các Trung tâm huấn luyện thể thao sẽ được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thi đấu”, đó là tâm sự của HLV Trương Minh Sang, đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia.

Trưởng thành từ VĐV, rồi đến vai trò HLV, HLV Trương Minh Sang là người hiểu rõ những khó khăn cũng như những khát vọng nâng tầm của Thể thao Việt Nam. Có một thực tế rằng muốn các VĐV vượt ngưỡng thành tích của bản thân, vươn tới đấu trường lớn thì chúng ta phải có sự đầu tư lớn bởi có thực mới vực được đạo. Thể thao thành tích cao không phải chỉ có khát vọng, chỉ có quyết tâm “hô” vươn tới đấu trường thế giới là ngay lập tức đạt được.

Vì vậy cần phải được đầu tư, cần phải được chăm bẵm và cần phải có thời gian cho những khát vọng nâng tầm này. Bởi theo chu trình huấn luyện chúng ta thường phải mất khoảng 2 chu kỳ Olympic mới có thể đào tạo được lứa VĐV có đủ khả năng thi đấu tại đấu trường lớn nhất thế giới. Và chúng ta cần phải kiên nhẫn, kiên trì cho việc thực hiện khát vọng “hoá rồng” đó.