Giá trị của V.League

NGỌC TRUNG

VHO - Đoạn phim giới thiệu mùa giải LPBank V.League 1-2024/25 không chỉ gây ấn tượng bởi những hình ảnh độc đáo mà còn truyền tải sâu sắc tinh thần văn hóa Việt Nam. Đó là giá trị mà giải đấu cần hướng đến.

Giá trị của V.League - ảnh 1
Hình ảnh các CLB được tái hiện với nguồn cảm hứng từ tranh truyền thống Việt Nam

Từ giá trị chuyển nhượng…

Mới đây, ASEAN Football đăng tải bảng xếp hạng giá trị các giải vô địch quốc gia (VĐQG) trong khu vực Đông Nam Á, tham khảo từ nguồn định giá cầu thủ của chuyên trang chuyển nhượng nổi tiếng thế giới Transfermarkt. Theo đó, giải V.League tiếp tục xếp thứ tư, nhưng tổng giá trị tăng thêm 4,88 triệu euro so với năm ngoái, lên mức 42,93 triệu euro. “V-League đang trên đà phát triển, với mức tăng ấn tượng về giá trị tổng thể. Rõ ràng là giải đấu này đang đầu tư lớn và đạt được những bước tiến”, trang này nhận định.

Trong khi đó, ASEAN Football đánh giá Thai League đã có sự trở lại mạnh mẽ, vượt qua giải Liga 1 của Indonesia để một lần nữa trở thành giải đấu có giá trị nhất khu vực. Cụ thể, giải đấu cao nhất của bóng đá Thái Lan tăng 1,18 triệu euro, lên mức 75,48 triệu euro. Liga 1 của Indonesia tụt xuống vị trí thứ 2 với 67,34 triệu euro còn Malaysia Super League cũng giảm 1,9 triệu euro, xếp thứ ba ở Đông Nam Á với 54,34 triệu euro. Các vị trí còn lại trong bảng xếp hạng lần lượt thuộc về Singapore Premier League (20,56 triệu euro), Cambodia League (14,24 triệu euro), Philippines League (13,08 triệu euro), Myanmar National League (4,68 triệu euro) và Laos Premier League (2,48 triệu euro).

Xếp hạng những CLB giá trị cao nhất Đông Nam Á, Thái Lan cũng chiếm số lượng áp đảo với 4 đại diện trong tốp 5 đội đắt giá nhất. Cái tên còn lại là Johor Darul Ta’zim của Malaysia, xếp thứ hai với tổng giá trị đội hình 10,83 triệu euro. Tính tốp 10 đội giá trị nhất, Malaysia còn một đại diện khác là Selangor FC (6,98 triệu euro). Như vậy, chỉ tính riêng hai đội bóng này đã chiếm 1/3 giá trị của giải VĐQG Malaysia. Điều đó cho thấy chênh lệch lực lượng tại giải đấu này rất lớn. Thực tế Johor Darul Ta’zim đã thống trị bóng đá Malaysia suốt một thập niên qua, khi đã đăng quang 10 mùa giải liên tiếp từ năm 2014 đến nay.

V.League cũng đóng góp 3 đội trong top 10, bao gồm Nam Định (5,81 triệu euro), Hà Nội (5,6 triệu euro) và Công an Hà Nội (5,28 triệu euro). Cũng cần đề cập thêm, kỳ chuyển nhượng vừa qua chứng kiến nhiều hảo thủ của bóng đá Việt Nam chọn đầu quân cho những CLB tại giải hạng Nhất thay vì giải VĐQG. Đáng kể như Công Phượng, Hoàng Đức hay Văn Lâm. Thế nên, trong trường hợp các đội bóng tại giải hạng dưới được đầu tư mạnh mẽ thăng hạng vào mùa tới, giá trị của V.League sẽ còn tăng lên đáng kể.

Tất nhiên, con số ASEAN Football đưa ra dựa trên nguồn tham khảo Transfermarkt chỉ mang tính tham khảo. Chất lượng và trình độ một đội bóng hay nền bóng đá không thể chỉ dựa trên định giá cầu thủ, vốn cũng chỉ là con số ước tính. Đơn cử ở trận mở màn Cúp C1 Đông Nam Á vừa qua, CAHN đã giành chiến thắng 2-1 một cách thuyết phục trước Burinam United, đội bóng đắt giá nhất Đông Nam Á và sở hữu dàn sao chất lượng như tiền đạo Bissoli (định giá 1,8 triệu euro), Lucas (1,2 triệu euro), Vargas (1 triệu euro) hay chân sút Supahchai (1,2 triệu euro).

… đến giá trị văn hóa

Thể thao có mối liên hệ mật thiết với văn hóa, đặc biệt là bóng đá, bộ môn thu hút đông đảo người hâm mộ nhất trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Một đội bóng trở thành đại diện cho bản sắc văn hóa địa phương, hay rộng hơn là cả dân tộc nếu tính đến cấp đội tuyển quốc gia. Thế nên cần dành cho V.League lời ngợi khen với đoạn phim giới thiệu giải đấu mùa giải 2024/25 vừa được công bố. Đoạn phim có thời lượng 1 phút 30 giây được ban tổ chức thể hiện rõ thông điệp “Văn hóa là cội nguồn, là bản sắc, là kế thừa và phát huy giá trị truyền thống. V.League đã, đang và sẽ luôn phát triển song hành cùng với văn hóa của dân tộc”.

21 cầu thủ đến từ 14 CLB tham dự LPBank V.League 1-2024/25 được tái hiện lại bằng cách vẽ đồ họa dựa trên nguyên mẫu là những cầu thủ trong bộ trang phục thi đấu chính thức của mình tại mùa giải 2024/25. Đội ngũ sản xuất đã sắp xếp các cầu thủ xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, với nguồn cảm hứng từ tranh truyền thống Việt Nam như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ… để tạo ra không gian V.League 1 đậm chất Việt. Mỗi CLB, mỗi hình ảnh xuất hiện đều có sự kết nối giữa giá trị văn hóa bản sắc với bóng đá, gắn kết tình yêu với quê hương, đất nước.

Những hình ảnh gây ấn tượng mạnh như Khuê Văn Các xuất hiện trong bức tranh về CLB Hà Nội; Cao Văn Triền cưỡi ngựa gợi nhớ nghĩa quân Tây Sơn bên cạnh hình ảnh bài chòi dân gian Bình Định, Đình Triệu và Lucao cùng xuất hiện với hình ảnh Lễ hội chọi trâu truyền thống, cánh hoa phượng đỏ đặc trưng của vùng đất Hải Phòng; Nguyễn Thanh Bình với điệu chào đặc trưng của “nhà binh” Thể Công Viettel; Nguyễn Xuân Son và Nguyễn Văn Toàn xuất hiện trên nền nét vẽ về Bảo Tháp Đại Bi - ngôi chùa Cổ mang đậm giá trị văn hóa, là niềm tự hào của người dân Nam Định… Từng chi tiết tỉ mỉ được khắc họa trong mỗi bức tranh về CLB, tạo nên một tổng thể hài hòa với những giá trị đậm đà bản sắc văn hóa được giới thiệu.

Không chỉ đầu tư về ý tưởng, hình ảnh, nền giai điệu, âm hưởng từ đàn nguyệt hay sáo trúc cũng là điểm nhấn để mang tới thanh âm Việt Nam cho đoạn phim giới thiệu V.League mùa này. Bóng đá Việt Nam nói chung và V.League nói riêng sẽ phát triển đi cùng với sự phát triển của dân tộc, dựa trên nền tảng tinh túy văn hóa được bảo tồn, phát huy. Đoạn phim giới thiệu V.League trong vài năm trở lại đây luôn để lại những ấn tượng bằng nhiều cách khác nhau. Từ ý tưởng đến trình bày đều được đầu tư công phu, có dụng ý. Và năm nay, rất đáng khen cho đơn vị tổ chức khi đã tiếp tục giữ vững “phong độ”, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.

Giá trị văn hóa rộng lớn gấp nhiều lần và không thể cụ thể hóa thành con số như giá trị chuyển nhượng. Bên cạnh việc tổ chức giải đấu ngày càng chỉn chu, chuyên nghiệp và hiện đại, nếu biết trân trọng cũng như khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa, V.League không chỉ tạo ra sức lan tỏa mà còn thu hút được nhiều nguồn lực hơn nữa để phát triển bóng đá nước nhà. Đó mới là chân giá trị cần hướng đến thay vì chỉ vài con số mang tính ước lượng.