Sự dịch chuyển văn hóa từ Tây sang Đông của giới trẻ Anh

CHI MAI

VHO - Nếu trước đây người trẻ Anh tôn sùng văn hóa Mỹ, thì giờ đây họ đang phát cuồng với những thứ dễ thương đến từ châu Á. Sự dịch chuyển từ Tây sang Đông này là do một thế hệ người tiêu dùng trẻ nước Anh dường như đã tìm thấy thứ gì đó trong ẩm thực, văn hóa, thương hiệu và ban nhạc Đông Á mà họ không thể tìm thấy ở phương Tây.

Sự dịch chuyển văn hóa từ Tây sang Đông của giới trẻ Anh - ảnh 1
Thương hiệu Trung Quốc Pop Mart đang gây “bão” ở Anh với những hộp đồ chơi dễ thương

 Một buổi chiều thứ 7, Ayla và Edie (đều 12 tuổi) cùng đi chơi ở Westfield Stratford City - một trung tâm thương mại bên cạnh Công viên Olympic cũ của London. Đầu tiên, hai cô bé ghé vào cửa hàng trà sữa Đài Loan T4, nơi bán loại đồ uống lạnh ngọt ngào, với những viên trân châu đầy màu sắc và bùng nổ hương vị. Ayla chọn trà hoa hồng, Edie chọn hương dâu tây. Mỗi cốc có giá 6 bảng Anh (195.000 đồng). “Khá đắt. Nhưng cháu kiếm được tiền tiêu vặt khi giúp bố mẹ những việc nhỏ như lấy bát đĩa ra khỏi máy rửa hay phơi gấp quần áo”, Edie nói.

Hai đứa trẻ đi tiếp để đến Kenji - một cửa hàng quà tặng, đồ gia dụng, đồ ăn nhẹ và văn phòng phẩm tự quảng cáo họ là “thương hiệu chịu ảnh hưởng từ văn hóa Đông Á”. Ayla mua một con mèo nhồi bông sushi giá 10 bảng Anh (325.000 đồng) - một con thú nhồi bông mềm mại với chiếc gối buộc chặt vào lưng như thể nó là một lớp cơm phủ cá ngừ - để làm quà sinh nhật cho bạn. “Bạn cháu mang sushi đến trường mỗi ngày. Bạn ấy thực sự thích nó”, Ayla nói.

Cuối cùng, đôi bạn đến Pop Mart, một cửa hàng Trung Quốc. Các kệ được xếp hàng trăm bức tượng nhỏ cao 8-10 cm và được sơn màu rực rỡ trị giá 13,5 bảng Anh (440.000 đồng), được thương hiệu này mô tả là “đồ chơi nghệ thuật”. Một số sản phẩm dựa trên các nhân vật nổi tiếng, chẳng hạn Harry Potter hoặc Teletubbies, nhưng hầu hết được thiết kế riêng bởi Pop Mart và có chung nét thẩm mỹ đặc trưng của Đông Á, với đôi mắt to quá mức và đầu lớn không cân xứng.

Ayla và Edie cùng dừng lại khu vực có Skullpanda, một nhân vật do nghệ sĩ Trung Quốc Xiong Miao tạo ra, một phần là goth, một phần là nữ phi hành gia, với mái tóc thanh thoát và lớp trang điểm ma cà rồng. “Cháu nghĩ chúng vừa dễ thương vừa đáng sợ. Chúng thật kỳ lạ, cháu không thể thấy bất cứ thứ gì giống thế này ở bất kỳ nơi nào khác”, Edie giải thích sự hấp dẫn.

Đôi bạn thân này không phải là những người trẻ duy nhất ở nước Anh mê mẩn văn hóa châu Á. Phóng viên của Guardian, Harry Wallop đã trò chuyện với nhiều khách mua sắm tại Pop Mart, chủ yếu là sinh viên ngoài 20 tuổi, trong đó phần lớn là nữ. Nhiều người hào hứng chia sẻ về sở thích xem anime, phim hoạt hình Nhật Bản trên Crunchyroll, về cách họ đón nhận những bản hit lớn đến từ Hàn Quốc như K-pop, K-dramas, xúc xích Hàn Quốc, kim chi và về đam mê thưởng thức trà sữa trân châu.

Đây không phải là hiện tượng chỉ có riêng ở London. Tại Oxford có ít nhất 10 cửa hàng trà sữa trân châu. Chuỗi bán lẻ Kenji có thể được tìm thấy ở các thành phố Liverpool và Preston. Miniso, một nhà bán lẻ đồ gia dụng, đồ chơi, văn phòng phẩm và mỹ phẩm của Trung Quốc - có chi nhánh ở Brighton và Newcastle. Trung tâm mua sắm Buchanan Galleries của Glasgow có Kim’s - thương hiệu phục vụ xúc xích ngô Hàn Quốc và kimchijeon (bánh kếp). Costa Coffee - chuỗi cà phê lớn nhất nước Anh - đang bán trà sữa trân châu việt quất và xoài. Xu hướng đó không chỉ có ở trung tâm mua sắm. Tại Glastonbury 2024, Seventeen - một nhóm nhạc nam Hàn Quốc đã bán được hơn 10 triệu album vào năm ngoái.

Một phần của sự gia tăng đến từ thúc đẩy xuất khẩu văn hóa. Trong trường hợp của Hàn Quốc, chính phủ đã tích cực tài trợ cho các hoạt động xuất khẩu văn hóa như K-pop và K-drama. Dù sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc có thể đã chững lại, một số công ty đã huy động được số tiền lớn trên thị trường chứng khoán để mở rộng trên quy mô toàn cầu. Công ty mẹ của Temu, nhà bán lẻ Trung Quốc cạnh tranh với Amazon là một ví dụ và một ví dụ khác là Pop Mart, hiện có giá trị 5,2 tỉ bảng Anh.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển từ Tây sang Đông này không chỉ vì tiền. Một thế hệ người tiêu dùng trẻ nước Anh dường như đã tìm thấy thứ gì đó trong ẩm thực, văn hóa, thương hiệu và ban nhạc Đông Á mà họ không thể tìm thấy ở phương Tây. Khi được đặt câu hỏi về việc tại sao lại yêu thích văn hóa Á Đông đến vậy, Edie nói: “Ngày xưa, nước Mỹ là tương lai. Nhưng bây giờ, ở ngoài kia, mọi thứ khác biệt đều đến từ châu Á”.