Nắng nóng “thiêu đốt” ngành du lịch châu Âu

VHO- Du khách châu Âu có xu hướng tìm đến những khu vực có nhiệt độ ôn hòa, hoặc lựa chọn du lịch trái mùa để tránh nắng nóng khắc nghiệt trong mùa hè năm nay.

Nắng nóng “thiêu đốt” ngành du lịch châu Âu - Anh 1

 Biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt bất thường tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nam Âu Ảnh: AFP

Mùa hè ở Nam Âu đang nóng nực bất thường. Cuối tuần qua, kỳ nghỉ hè của gần 20.000 du khách trên đảo Rhodes của Hy Lạp đã biến thành cơn ác mộng vì bị các đám cháy rừng bao vây. Vào ngày 24.7, 162 vụ cháy đã được ghi nhận tại khắp Hy Lạp và 2.466 khách du lịch và cư dân đã được sơ tán ở phía Bắc Corfu vào đêm hôm trước. Sức nóng khủng khiếp trong mùa hè năm nay đã buộc giới chức trách ở Athens đóng cửa khu thành cổ nổi tiếng Acropolis và buộc du khách trên đảo Sardinia của Italia phải ở trong nhà. Nhiệt độ tăng lên tới 46 độ C trên đảo Sardinia tuần trước khiến đường phố ở đây trở nên vắng tanh trong mùa du lịch cao điểm. Trời nóng tới mức điện thoại di động ngừng hoạt động vì ở mức nhiệt độ cảnh báo.

Tuần trước, Eduardo Santander, giám đốc của Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) cho biết, một số điểm đến ở châu Âu sẽ “chịu đựng” cái nóng khắc nghiệt trong những tháng mùa hè khi “không có nơi nào để thoát khỏi cái nóng”. Ông dự báo, thời tiết nóng lên có thể khiến du khách sẽ đi về phía Bắc thay vì phía Nam châu Âu, hoặc đi du lịch vào mùa xuân hay mùa đông thay vì mùa hè. Mọi người cũng có thể sẽ đặt kỳ nghỉ của họ trong thời gian ngắn, dựa trên dự báo thời tiết tại các điểm đến của họ.

Một trong những dự báo của Santander đã thành hiện thực. Trong tuần trước, lượt tìm kiếm các điểm đến ở Bắc Âu từ những du khách ở Nam Âu tăng lên so với một tháng trước đó, với lượt tìm kiếm các điểm đến ở Ireland tăng hơn 1.000%, theo trang web đặt phòng và vé máy bay eDreams Odigeo. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết, dù ngành du lịch của châu Âu được ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 3,3% cho đến năm 2032, tần suất xảy ra các sự kiện cực đoan ở Nam Âu có thể đẩy du khách đến các điểm đến ở phía Bắc của lục địa. Các đợt nắng nóng có thể “làm giảm sức hấp dẫn của Nam Âu với tư cách là một điểm đến du lịch trong dài hạn hoặc ít nhất là làm giảm nhu cầu vào mùa hè”.

Du khách châu Âu không chỉ tìm kiếm những điểm đến có khí hậu ôn hòa, mát mẻ như Bắc Âu thay vì những điểm du lịch nắng nóng khắc nghiệt. Một số người còn lựa chọn du lịch trái mùa để tránh nắng nóng ngột ngạt vào mùa hè năm nay.

Dữ liệu từ ETC cho biết, xu hướng khách lựa chọn vào thời gian du lịch từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay đã giảm 4% so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao 69%. Tây Ban Nha là điểm đến du lịch phổ biến nhất, nhưng chỉ 8% trong số những người tham gia khảo sát do ETC thực hiện cho biết, họ đã lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ tại địa phương trong những tháng tới. Theo sát là các quốc gia Nam Âu này là Pháp (7%), Italia (7%), Hy Lạp (5%) và Croatia (5%). Mức độ phổ biến của các điểm đến nghỉ dưỡng ở Địa Trung Hải đã giảm 10% so với năm ngoái, khi châu Âu đang trải qua những ngày hè nóng nhất được ghi nhận. Tuy nhiên ETC cho biết, các điểm nghỉ dưỡng tại các nước như Cộng hòa Séc, Bulgary, Ireland và Đan Mạch lại ghi nhận số lượng lớn du khách tới đây bởi xu hướng tìm về những điểm đến có khí hậu mát mẻ hơn.

Biến đổi khí hậu có thể khiến khí hậu mát mẻ ở một số nơi thay đổi đến mức không thể nhận ra. Theo Bloomberg, một nghiên cứu gần đây dự đoán đến năm 2050, khí hậu của Madrid (Tây Ban Nha) sẽ giống với thành phố Marrakesh ở Bắc Phi. Và nhiệt độ ở London (Anh) sẽ giống Barcelona (Tây Ban Nha). Đây sẽ là một sự thay đổi lớn đối với ngành du lịch và lữ hành của châu Âu, vốn đóng góp 1,9 nghìn tỉ euro (2,1 nghìn tỉ USD) cho nền kinh tế khu vực vào năm ngoái, đồng thời có thể khiến các lộ trình du lịch thông thường thay đổi theo cách có thể gây tổn thương lớn cho một số quốc gia ở Nam Âu.

Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu công bố trong năm nay, thế giới sẽ nóng thêm tới 4 độ C vào cuối thế kỷ này và kéo theo đó sẽ là sự sụt giảm mạnh hơn 9% lượng du khách đến quần đảo Ionian của Hy Lạp. Trong khi đó, lượng du khách đến xứ Wales sẽ tăng 16%. Sự thay đổi đó sẽ là một đòn giáng mạnh đối với những nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du khách. Ngành du lịch đóng góp 14,9% GDP của Hy Lạp vào năm 2021 và chiếm lần lượt là 9,1% và 8,5% GDP của Italia và Tây Ban Nha. 

 THÁI AN

Ý kiến bạn đọc