Quảng Ngãi:
Kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi qua nền tảng thương mại điện tử
VHO - Nhờ tiếp cận phương thức bán hàng mới bằng cách áp dụng nền tảng số, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi đã mở ra hướng đi mới trong tiêu thụ hàng hóa.
Phát trực tiếp (livestream) trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong thời đại công nghệ số. Bắt nhịp xu thế, thời gian gần đây, chị Nguyễn Thị Hạnh, ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà thường xuyên thực hiện các phiên livestream, đưa ổi ra thị trường.
Chỉ cần một thiết bị điện thoại di động có kết nối internet, mỗi ngày chị đưa ra thị trường khoảng 50kg ổi các loại. “Tôi bán hàng trên Facebok, zalo cho khách hàng cơ quan, trường học, người chuyên dùng ở các nơi tôi gửi xe buýt, ở gần mình ship tận nhà. Ngày nhiều nhất là bán 60 -70 ký ổi”, chị Hạnh chia sẻ.
Đam mê trồng trọt, năm 2022, chị Hạnh nhập 500 gốc ổi lê từ KonTum về trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, chị mạnh dạn mở rộng diện tích ổi lê và trồng thêm ổi ruby ruột đỏ với tổng cộng 1.500 gốc.
Không dừng lại ở đó, chị xen canh thêm một số cây ăn quả khác với tổng diện tích trên 3 ha. Hiện, ổi đang cho thu hoạch rộ, mỗi ngày bán từ 30 - 40 kí, mỗi ký 25 nghìn đồng. Nhờ đẩy mạnh bán hàng qua mạng facebook, zalo, nên việc tiêu thụ trở nên dễ dàng, mang lại thu nhập đáng kể, với hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Tôi thấy bán trên mạng thì thuận tiện hơn, nhất là mình không cần phải chủ động dậy thiệt là sớm đi chợ. Còn ở nhà thì từ từ làm hết việc làm rồi ra hái đi ship, trong ngày lúc nào cũng được. Hầu hết khách hàng chuyển khoản, không thanh toán tiền mặt”, chị Hạnh cho biết thêm.
Là doanh nghiệp trẻ, hình thành và phát triển ngay trong giai đoạn dịch Covid bùng phát nên vợ chồng anh Đặng Thành Công và chị Nguyễn Thị Ý, chủ của Công ty TNHH Wecay, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng có nhiều kinh nghiệm đưa sản phẩm ra thị trường qua các nền tảng mạng xã hội.
Hằng tuần, công ty tổ chức ít nhất 4 phiên livestream để giới thiệu các sản phẩm quế ra thị trường. Chính Sự mộc mạc, chân thật và giản dị trong lời nói, giao tiếp livetream của vợ chồng anh Công, chị Ý đã thu hút cộng đồng mạng theo dõi.
Cùng với việc livestream, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trẻ ở các huyện vùng cao còn tích cực đẩy mạnh, giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua thương mại điện tử. Để thu hút người tiêu dùng, nhiều nơi chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực thực hiện các video, hình ảnh chất lượng đưa sản phẩm ra thị trường. Qua các video, giúp cho khách hàng ở nhiều nơi biết đến thương hiệu, đặc trưng riêng của các đặc sản, nông sản, vùng đất và con người ở vùng cao Quảng Ngãi.
Anh Trương Văn Nguyên, Nhân viên truyền thông, Công ty TNHH Wecay, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng cho hay: “Nhang quế của Trà Bồng mang nét văn hóa, đặc trưng vùng miền riêng, vì vậy chúng tôi xây dựng tuyến nội dung, kịch bản đặc biệt hơn theo câu chuyện, tự hào về quế Trà Bồng đưa hương quế Trà Bồng ngày càng đi xa”.
Những sản phẩm số về đặc sản, nông sản vùng cao xuất hiện ngày càng dày đặc trên các mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Mạnh dạn, tự tin ứng dụng công nghệ số livestream bán hàng qua mạng xã hội, thương mại điện tử, người dân vùng cao mở ra hướng đi mới trong tiêu thụ nông sản; mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.