Tránh “sập bẫy” sàn thương mại điện tử

THẾ TUẤN

VHO - Công an tỉnh Cao Bằng mới triệt phá nhóm đối tượng “khủng” có hành vi lừa đảo trên không gian mạng, với thủ đoạn giả danh sàn giao dịch thương mại điện tử.

 Tránh “sập bẫy” sàn thương mại điện tử - ảnh 1

 Lập gian hàng, mã giảm giá ảo trên Shopee để chiếm đoạt tài sản (ảnh minh họa) Ảnh: NGHĨA PHẠM

Thật khó tin, khi trung bình một ngày các đối tượng đã gọi từ 1.500 - 2.000 cuộc điện thoại cho khách hàng, tiếp cận người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Với những chiến dịch “dội bom” như vậy, người tiêu dùng cũng khó lòng thoát nạn. Nguyễn Thị Tuyết Dâng (SN 1990), trú tại tổ 11, phường Đề Thám, TP Cao Bằng được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây thực hiện hành vi lừa đảo.

Cuộc cạnh tranh đang dần quyết liệt

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử (TMĐT) tri ân khách hàng để gọi điện mời khách hàng kết bạn Zalo và hướng dẫn thực hiện các giao dịch, sau đó lừa để chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có việc giả danh các sàn TMĐT không chỉ có một vụ kể trên, mà tới nay đã được coi là phổ biến; nhất là trong bối cảnh TMĐT bùng nổ ở Việt Nam.

Báo cáo quý I.2024 của YouNet ECI (công ty chuyên về phân tích dữ liệu thị trường TMĐT) cho biết, doanh thu thị trường TMĐT của 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop đạt 79.120 tỉ đồng, đến từ 510.000 nhà bán hàng online. Dẫn đầu thị trường là Shopee, chiếm đến 67,9% giá trị giao dịch; xếp sau là TikTok Shop với 23,2%. Trong khi đó, Lazada đứng thứ ba chỉ có 7,6% và Tiki đứng cuối với 1,3%. Như vậy, giao dịch sàn TMĐT đã có sự đổi ngôi. Từ năm 2018 trở về trước, Lazada liên tục dẫn dắt thị trường TMĐT tại Việt Nam. Giai đoạn đỉnh điểm (quý I.2018), mỗi tháng Lazada có hơn 42 triệu lượt truy cập, bỏ xa Shopee (gần 25 triệu lượt) và Tiki (gần 20 triệu lượt).

Tuy nhiên, từ cuối 2018, “gió đã đảo chiều” khi mà Shopee vượt mặt Lazada vươn lên vị trí dẫn đầu với 41 triệu lượt truy cập mỗi tháng trong quý cuối năm. Đứng thứ 2 là Tiki với 35,6 triệu lượt truy cập. Còn Lazada lui lại ở con số 29 triệu lượt truy cập. Từ đó, thị phần cũng thay đổi. Theo YouNet ECI, hiện Shopee đứng nhất với thị phần 63%. TikTok Shop 20%. Lazada xếp thứ 3 với 3%. Tiki đứng chót bảng 1%. Đáng chú ý, sàn Sendo vốn được coi là uy tín nhưng lại không có tên trong bảng xếp hạng này. Những con số trên cho thấy thị trường TMĐT đã và đang diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt, với nhiều chiêu thức, nhất là các đợt khuyến mãi hạ giá “sập sàn” cũng như quà tặng tri ân khách hàng. Từ đó cũng dẫn tới việc bị lợi dụng, giả mạo, lừa đảo nhiều hơn. Thua thiệt đến cho cả các sàn TMĐT chân chính lẫn khách hàng.

Ông Nguyễn Tùng Giang, nhà sáng lập G Investment Group (đơn vị bán hàng lâu năm trên sàn TMĐT) cho rằng, thành công của nhiều sàn TMĐT đến từ việc liên tục tung ra chương trình siêu sale, tung mã giảm giá, hỗ trợ chiết khấu đối với các nhãn hàng, tổ chức những phiên livestream với sự tham gia những người nổi tiếng. TMĐT là ngành phải quảng cáo, khuyến mãi càng nhiều càng tốt để thu hút người dùng. Trong khi lại có thể kích thích lòng tham của các đối tượng lừa đảo.

Nguyên nhân “sập bẫy” từ người tiêu dùng

Trước vấn nạn lừa đảo giao dịch trên sàn TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) từng nhiều lần đưa ra cảnh báo. Theo đó, các thủ đoạn lừa đảo người tiêu dùng có thể bao gồm:

Thủ đoạn thứ nhất: Đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn TMĐT, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, cùng với đó là những dòng mô tả như “giảm giá sốc”, “thanh lý xả kho”, những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử, điện thoại… Khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn TMĐT cung cấp thông tin cá nhân của người mua và sử dụng các phương thức liên lạc như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến không thông qua sàn TMĐT với mức giá thấp hơn mức giá đang niêm yết. Sau khi người đặt mua chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện trong đó có các vật phẩm không giá trị.

Thủ đoạn thứ hai: Đối tượng cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển của các công ty vận chuyển đến địa chỉ người mua. Khi đó đối tượng tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có giá trị. Người bị hại sử dụng phương thức thanh toán trả trước và không kiểm tra sản phẩm khi nhận hàng hoặc lầm tưởng đây là sản phẩm mình đặt mua trên sàn TMĐT nên vẫn tiến hành thanh toán tiền bình thường khi nhận hàng. Đáng chú ý, do việc giao dịch của người bị hại ngoài phạm vi của các sàn TMĐT nên không được đảm bảo quyền lợi đổi trả, hoàn tiền sản phẩm vì hệ thống các sàn TMĐT không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua hàng hay xác định người dùng bị thiệt hại.

Thủ đoạn thứ 3: Đối tượng tự nhận là nhân viên của sàn TMĐT hỗ trợ về việc đổi trả đơn hàng. Đối tượng sẽ hứa thu hồi và hoàn tiền, đền tiền gấp 3 lần, sau đó lừa khách hàng bấm vào link lừa đảo và yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, tên định danh, chi tiết thông tin thẻ tín dụng/tài khoản ngân hàng (bao gồm cả mật khẩu và hoặc OTP) để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Đối tượng còn gửi tin nhắn, hoặc thực hiện cuộc gọi với nội dung: “Bạn được nhận một phần quà vì bạn là khách hàng may mắn trúng thưởng của chương trình nào đó”; hoặc “Bạn là khách hàng thân thiết”… Sau đó sẽ yêu cầu người bị hại phải trả thêm phí vận chuyển hoặc phí hỗ trợ.

Nguyên nhân “sập bẫy” từ người tiêu dùng được cho là do thiếu thuần thục về công nghệ, cả tin và có cả yếu tố lòng tham do giá hàng hóa rao bán thấp. Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho dù thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về các hiện tượng lừa đảo qua mạng xã hội, trong đó có hình thức lừa đảo giả mạo các sàn TMĐT, nhưng không ít người vẫn mắc bẫy. Trong khi đó, việc đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua sàn TMĐT gặp khó khăn do người bị hại thường không tố giác tội phạm hoặc khó cung cấp chứng cứ vi phạm tội của đối tượng. Chưa kể, các đối tượng thường dùng sim rác gọi điện, nhắn tin, đăng ký tài khoản mạng xã hội khi phạm tội.

Vì thế, để tránh bị lừa, “chốt chặn” an toàn đầu tiên vẫn phải là người mua hàng thông qua sàn TMĐT. Trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng” thì buộc phải vượt lên để trở thành “người tiêu dùng thông thái”.