GenZ mua nhà ở tuổi 23: Tiết kiệm không phải sống khổ, vay nợ mới khổ

VHO - Không uống ly nước nào quá 50.000 đồng, không ăn bữa nào quá 100.000 đồng, một Gen Z chia sẻ về hành trình tích luỹ để có thể mua nhà ở tuổi 23.

Tiết kiệm càng nhiều càng tốt

Trong khi nhiều bạn trẻ vẫn đang cân nhắc giữa việc thuê hay mua nhà, thì Ngô Như Nguyệt (sinh năm 2000), hiện làm trong lĩnh vực giáo dục tại Tp.HCM, đã sở hữu bất động sản đầu tiên ở tuổi 23.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, Nguyệt cho biết cô không đặt nặng tuổi tác mà xem việc mua nhà như một khoản đầu tư phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính vào thời điểm đó. Căn nhà đất rộng khoảng 50m2, giá hơn 1 tỷ đồng nằm ở trung tâm Tp.Rạch Giá, Kiên Giang là tài sản lớn đầu tiên cô sở hữu.

Để có được khoản tích lũy này, Nguyệt bắt đầu làm việc từ năm 21 tuổi với thu nhập khoảng 15–17 triệu đồng/tháng. Cô áp dụng nguyên tắc "tăng thu – giảm chi – đầu tư an toàn" bằng cách tiết kiệm 60–70% thu nhập, hạn chế chi tiêu cảm tính, làm thêm nhiều công việc bán thời gian và đầu tư vào các kênh an toàn như vàng.

"Năm mình 21 tuổi mình có công việc với mức lương 12 triệu đồng, làm thêm ngoài giờ tầm 3-5 triệu đồng/tháng nữa nên tổng thu nhập khoảng 15 – 17 triệu đồng sau thuế. Mình không uống ly nước nào quá 50.000 đồng, không ăn bữa nào quá 100.000 đồng, mình hạn chế tiêu dùng và tận hưởng hết sức có thể. 

Đừng nói mình sống khổ, mình thấy bình thường, tiêu tiền nhiều, mượn nợ mới khổ. Lúc đó mục tiêu của mình là tiết kiệm 60 - 70% thu nhập, tiết kiệm càng nhiều càng tốt", Nguyệt nêu.

Nguyệt bắt đầu làm việc từ năm 21 tuổi với thu nhập khoảng 15–17 triệu đồng/tháng.
Nguyệt bắt đầu làm việc từ năm 21 tuổi với thu nhập khoảng 15–17 triệu đồng/tháng.

Cô bạn không tham gia chứng khoán hay tiền ảo vì thiếu kiến thức, mà tập trung đầu tư cho học tập và phát triển nghề nghiệp nhằm tăng thu nhập dài hạn. Nguyên tắc của cô là "tiết kiệm nhưng không khổ hạnh", tức vẫn đảm bảo dinh dưỡng và tinh thần, tránh chi tiêu theo cảm xúc.

Về việc sử dụng đòn bẩy tài chính, Nguyệt cho rằng vay ngân hàng hay người thân để mua nhà không xấu nếu biết kế hoạch trả nợ rõ ràng và phù hợp khả năng. Tuy nhiên, cô cảnh báo không nên vay vượt khả năng chỉ vì sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO), bởi bất động sản không phải kênh đầu tư duy nhất.

Cô nói: "Mua nhà chỉ nên diễn ra khi bạn đã chuẩn bị đủ về tinh thần, kiến thức và tài chính."

Quá trình chọn mua nhà của Nguyệt khá thuận lợi, cô ưu tiên pháp lý rõ ràng, vị trí thuận tiện và giá hợp lý. Sau mua, cô sửa chữa và dùng căn nhà để cho thuê hoặc kinh doanh nhỏ, đúng mục tiêu tích sản ban đầu. Việc này không ảnh hưởng quá nhiều đến chi tiêu hàng tháng vì cô đã sống tối giản và phân bổ tài chính hợp lý từ trước.

Nguyệt nhận định việc mua nhà ở tuổi 23 không phải điều "phi thường" mà là kết quả của quản lý tiền hợp lý và chiến lược tài chính rõ ràng. Cô nói: "Nếu đem số tiền đó đi mua vàng có thể lời hơn, nhưng nhà giúp mình có tài sản ổn định, an toàn, và học được nhiều kỹ năng quản lý".

Mặc dù không xuất phát từ gia đình giàu có, Nguyệt tin rằng nếu chuẩn bị sớm về tài chính và tâm lý, việc sở hữu tài sản lớn là hoàn toàn khả thi. Cô mong các bạn trẻ giải phóng bản thân khỏi suy nghĩ giới hạn kiểu "người trẻ không bao giờ mua được nhà", vì nếu bạn nghĩ vậy thì sẽ chẳng làm được.

Khi được hỏi "mua nhà hay thuê nhà, đi làm hay tận hưởng", Nguyệt cho rằng mỗi người có hoàn cảnh và mục tiêu khác nhau nên không có câu trả lời duy nhất. Quan trọng là biết tối ưu kiến thức, kỹ năng và các mối quan hệ để hướng tới cuộc sống bền vững, tự do và an toàn về tài chính.

Cô cũng nhấn mạnh thị trường bất động sản có nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, và nhà đất không phải là kênh đầu tư duy nhất. Vì thế, thay vì chạy theo khi thấy người khác mua nhà, mỗi người nên bình tĩnh cân nhắc dựa trên khả năng tài chính và nhu cầu thật.

Nguyệt không muốn câu chuyện của mình tạo áp lực cho người trẻ khác mà chỉ là minh chứng cho thấy: "Người mua được nhà không phải vì giỏi hơn, chỉ là họ bắt đầu sớm hơn một chút. Và bây giờ bắt đầu vẫn chưa muộn."

Tích luỹ tài sản cần có kỷ luật

Chị Lý Thị Vân Anh (33 tuổi, làm trong lĩnh vực dược phẩm y tế) từng cân nhắc khá kỹ bài toán tài chính cá nhân trước khi quyết định mua nhà. 

Với thu nhập trung bình dao động từ 20–30 triệu đồng/tháng, có tháng cộng thưởng lên tới 40–50 triệu đồng, chị không lao vào tích cóp kham khổ để "cố mua bằng được", mà chọn tiếp cận việc sở hữu bất động sản theo hướng đầu tư thông minh và phù hợp với lối sống.

Do không học về tài chính, chị sớm nhận ra mình không đủ năng lực bỏ vốn vào các kênh đầu tư phức tạp như chứng khoán hay tiền số, nên ngay từ hồi sinh viên chị đã tích cực quy đổi toàn bộ thu nhập đi làm thêm hàng tháng thành vàng. 

Việc mua vàng liên tục trong nhiều năm ròng giúp chị tích lũy tài sản hiệu quả – khi giá vàng tăng, chị đã chốt lời được một khoản nhất định và có thêm vốn dự phòng khi đưa ra quyết định mua nhà vào đầu năm 2025.

Ban đầu, Vân Anh tính chỉ ở thuê để giữ sự linh hoạt, đồng thời dành tiền đầu tư. Chị chủ động tìm hiểu thị trường bất động sản tại Tp.HCM, Đà Nẵng và cả quê nhà Bắc Giang. 

Tuy nhiên, các lựa chọn này đều không phù hợp: bất động sản ở miền Nam hoặc miền Trung quá xa, kéo theo thủ tục và chi phí phát sinh; còn đất nền ở quê thì bị "thổi giá" ảo, lên tới 3 tỷ đồng/lô mà thanh khoản lại kém. Là người thận trọng, chị ưu tiên các dự án minh bạch pháp lý, vị trí dễ khai thác – điều mà không dễ tìm ở vùng ven.

Người trẻ lựa chọn mua nhà như một kênh đầu tư để tích sản.
Người trẻ lựa chọn mua nhà như một kênh đầu tư để tích sản.

Sau nhiều cân nhắc, chị quyết định mua một căn hộ tại một khu đô thị nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15–20km tại Hưng Yên. Chị Lý Thị Vân Anh chia sẻ, sau khi mua được căn hộ tại khu đô thị trên, chị không chuyển đến ở mà quyết định cho thuê lại với giá 7 triệu đồng/tháng.

Bản thân chị hiện vẫn ở nhà thuê trong nội thành Hà Nội, với chi phí chỉ 3 triệu đồng/tháng. Khoảng chênh lệch từ việc cho thuê nhà giúp chị vừa có thêm nguồn thu nhập thụ động, vừa bảo toàn được tài sản trong bối cảnh giá bất động sản có xu hướng tăng. 

Còn hiện tại, dòng tiền nhàn rỗi của chị vẫn tiếp tục được phân bổ vào kênh đầu tư vàng – nơi chị cảm thấy an toàn và phù hợp với hiểu biết tài chính của bản thân.

Chị Vân Anh cho biết, chỉ sau nửa năm kể từ khi mua căn hộ tại trên, giá trị căn nhà đã tăng lên đáng kể, thậm chí đã có người ngỏ ý mua lại với mức giá chênh khá hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc giữa việc bán nhà để đi thuê và giữ lại làm tài sản tích luỹ dài hạn, chị quyết định giữ căn hộ làm tích sản, dự định sẽ "chốt lời" khi lập gia đình để mua nhà nội thành. 

Vân Anh cũng chia sẻ chị không theo lối sống hưởng thụ cực đoan, nhưng vẫn duy trì những sở thích riêng như du lịch, mua sắm ở mức vừa đủ. Thay vì bóp nghẹt chi tiêu để mua nhà bằng mọi giá, chị chọn cân bằng giữa việc tích lũy và tận hưởng, đầu tư vào những tài sản mang lại giá trị lâu dài.

"Người có thu nhập cao chưa chắc tích lũy được nếu không có kỷ luật. Quan trọng là biết rõ mình muốn gì, chọn điểm rơi hợp lý và đầu tư theo cách khiến bản thân thoải mái nhất", chị nói.

Theo NGUYỄN HỒNG NHUNG/Người Đưa Tin

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc