Thanh Hóa tăng tốc: Hướng tới 40.000 doanh nghiệp 2030

NGUYỄN LINH

VHO - Với mục tiêu đến năm 2030 có 40.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp 58–62% GRDP của tỉnh, Thanh Hóa đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đặt kinh tế tư nhân vào vị trí trung tâm của phát triển kinh tế – xã hội.

Triển khai đồng bộ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 138/NQ-CP và 139/NQ-CP của Chính phủ, cùng Kế hoạch hành động số 282-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch hành động cụ thể với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và đổi mới thực chất.

Tư duy mới – Hành động mới: Thắp lên khát vọng dân tộc

Kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Thanh Hóa tăng tốc: Hướng tới 40.000 doanh nghiệp 2030 - ảnh 1
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khảo sát thực địa hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Vàng – điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư tư nhân

Lần đầu tiên trong một văn kiện cấp tỉnh, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân được định lượng rõ ràng: Đến năm 2030, khu vực này phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm, đóng góp 35–40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho hơn 84% lực lượng lao động, thu hẹp khoảng cách công nghệ và năng lực cạnh tranh với nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước và ASEAN.

Để thực hiện những mục tiêu tham vọng ấy, việc đầu tiên là phải thống nhất nhận thức. Từ lãnh đạo cấp tỉnh đến xã, phường, từ cán bộ, đảng viên đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp đều phải hiểu rõ: phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là bổ sung cho khu vực nhà nước mà là nền tảng bền vững của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuyên truyền, giáo dục nhận thức được giao cho các sở, ngành chủ lực và hệ thống báo chí, truyền thông, những “mũi nhọn” lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và phát triển bền vững. Các hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cũng phải chủ động vào cuộc.

Không chỉ kêu gọi tinh thần kinh doanh, tỉnh còn khuyến khích mạnh mẽ việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và quản trị hiện đại.

Cùng với đó là một loạt cải cách thể chế, hành lang pháp lý, thủ tục hành chính để tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng và thông thoáng. Quan điểm xuyên suốt là xóa bỏ rào cản hành chính, thay đổi tư duy “xin – cho”, chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ và kiến tạo phát triển”.

Sở Tài chính được giao chủ trì rà soát, điều chỉnh và xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng phù hợp thực tiễn, thiết thực và hiệu quả, hướng đến mục tiêu hình thành những doanh nghiệp tư nhân lớn, đủ sức tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, từ năm 2026, Thanh Hóa sẽ không áp dụng phương pháp khoán thuế với hộ kinh doanh; toàn bộ hoạt động kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên phải áp dụng hóa đơn điện tử kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.

Chính sách thuế cũng được điều chỉnh theo hướng giảm thuế suất, mở rộng cơ sở tính thuế, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số và ở vùng khó khăn.

Cải cách hành chính là khâu đột phá. Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể: đến cuối năm 2025, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh hiện hành. Các sở, ngành, địa phương nếu đùn đẩy, né tránh, vòng vo gây khó cho doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Môi trường đầu tư không chỉ cần thể chế, mà cần hạ tầng. Chính quyền tỉnh đặt trọng tâm đẩy nhanh các dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, giao thông chiến lược, xử lý chất thải và hạ tầng số.

Một Thanh Hóa “năng động, kết nối và sẵn sàng” đang được hình thành từng ngày để chào đón dòng vốn tư nhân và tinh thần khởi nghiệp.

Tiếp sức doanh nghiệp: Mặt bằng – Tài chính – Nhân lực là chìa khóa

Không chỉ cải cách thể chế, Thanh Hóa còn cam kết tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực thiết yếu, đặc biệt là đất đai, tài chính và nhân lực chất lượng cao.

Thanh Hóa tăng tốc: Hướng tới 40.000 doanh nghiệp 2030 - ảnh 2
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Nguyễn Doãn Anh kiểm tra hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công – nơi thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ của chính quyền

Về mặt bằng sản xuất, các cơ quan chuyên môn sẽ đẩy nhanh việc lập, điều chỉnh quy hoạch và công khai kế hoạch sử dụng đất, để doanh nghiệp có thể chủ động tiếp cận.

Chính quyền cam kết rà soát và giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số để đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Về vốn, các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ khởi nghiệp sẽ được rà soát và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ sẽ được ưu tiên tiếp cận chính sách tài chính, tín dụng và đấu thầu công.

Nhân lực cũng là một “nút thắt” được chú trọng. Tỉnh sẽ tăng cường đào tạo nghề, gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp; khuyến khích hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng theo nhu cầu thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng, đào tạo lại và nâng cao kỹ năng lao động.

Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, một loạt cơ chế pháp lý được nhấn mạnh trong kế hoạch: quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng. Các doanh nghiệp được đảm bảo không bị kiểm tra, thanh tra chồng chéo, chỉ thực hiện kiểm tra một lần/năm (trừ trường hợp đặc biệt).

Thanh Hóa cũng tiên phong áp dụng nguyên tắc phân định rõ giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính, dân sự trong xử lý vi phạm doanh nghiệp đảm bảo không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Khơi thông nguồn lực tài sản trí tuệ, khoa học công nghệ, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, định giá, chuyển nhượng và bảo vệ tài sản trí tuệ. Thanh Hóa xác định đây là lợi thế cạnh tranh mới và bền vững cho doanh nghiệp trong thời đại số.

Với tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa đặt mục tiêu có 70.000 doanh nghiệp hoạt động, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 70% GRDP. Đó là mục tiêu lớn, nhưng không nằm ngoài tầm tay, nếu cả hệ thống chính trị đồng lòng, chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp nỗ lực và xã hội khích lệ tinh thần làm giàu chân chính.

Kinh tế tư nhân không chỉ là động lực tăng trưởng, mà còn là nơi thể hiện khát vọng làm chủ, sáng tạo và cống hiến của hàng triệu người dân xứ Thanh. Và với những bước đi quyết liệt, bài bản, Thanh Hóa đang dần trở thành vùng đất lành cho các doanh nghiệp vươn xa.