TP.HCM:
Tổ chức Trại sáng tác Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2024
VHO - Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức Trại sáng tác Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ TP.HCM năm 2024, với chủ đề: “TP.HCM 50 mùa hoa khoe sắc”.
Trại sáng tác là hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025) và tiến đến kỷ niệm 50 năm Thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hoạt động nhằm tạo dựng phong trào sáng tác lời mới Đờn ca tài tử tại TP.HCM; phát huy tinh thần sáng tạo trong đội ngũ nghệ nhân đang thực hành Nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Thành phố.
Cùng với đó, hỗ trợ các tác giả chuyên sáng tác cổ nhạc miền Nam có những trải nghiệm thực tế, tạo cảm xúc mới nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cho tác phẩm, mang hơi thở cuộc sống hiện đại.
Tạo cơ hội để các tác giả trẻ được giao lưu, tiếp xúc, học tập kinh nghiệm sáng tác từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ và soạn giả nổi tiếng của loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Đối tượng tham gia là những chuyên gia nghiên cứu, các nghệ nhân đờn và ca tài tử; các nhà sư phạm âm nhạc, các nghệ nhân có biệt tài sáng tác cổ nhạc.
Tác giả chuyên sáng tác, biên soạn lời mới Đờn ca tài tử đang sinh sống trên địa Thành phố, từng đạt giải cao các Cuộc vận động sáng tác lời mới Đờn ca tài tử Nam Bộ do Sở VHTT TP.HCM tổ chức thời gian qua.
Mỗi tác giả tham gia Trại sáng tác gửi tối thiểu 2 tác phẩm. Trong đó, chọn 1 bài bản lớn và 1 bài bản truyền thống hoặc Vọng cổ.
Cụ thể:
- Bản nhạc/làn điệu mới: Dựa trên hơi - điệu của các âm nhạc tài tử (gồm các hơi - điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán, Xuân, Ai, Đảo, Ngự) để sáng tác ra lòng bản bản nhạc/làn điệu mới có viết lời ca và đặt tên bản nhạc.
- Bài ca mới: Nghệ nhân viết nội dung lời ca mới dựa trên cấu trúc lòng bản của các làn điệu trong âm nhạc Đờn ca tài tử cụ thể:
+ 20 bài bản Tổ (bao gồm: 6 bản Bắc; 3 bản Nam; 4 bài Oán và 7 bài Nhạc lễ): Tác giả có thể chọn lựa vài lớp tiêu biểu trong hệ thống 20 bài bản Tổ để viết lời ca mới (không nhất thiết viết trọn bản) thể hiện nội dung trọn vẹn một chủ đề mà tác giả muốn phản ánh.
+ Bộ Bát ngự, Oán biến thể và Ngoại oán (tức Oán phụ): Bộ Bát ngự (bao gồm: Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan); Oán phụ (còn gọi là ngoại Oán) như: Thanh dạ đề quyên, Bình sa lạc nhạn, Ngươn tiêu hội quán, Võ văn hội oán; các bản Oán biến thể (như các điệu: Trường tương tư, Văn thiên tường).
Đồng thời, tác giả có thể chọn điệu thức thích hợp để viết lời ca mới theo hình thức Ca ra bộ và sáng tác các bài bản có hơi điệu kết hợp như: Tứ Bửu Liêu Thành (Ba Chột lập bản), Ngũ châu minh phổ (Nguyễn Văn Thinh lập bản), Khúc hận Nam Quan, Ngũ Khúc Long Phi (Mười Phú lập bản…)
+ Bài bản vắn của Nhạc tài tử và các làn điệu truyền thống khác, như: Hoài tình, Sương chiều - Tú Anh, Phong Ba Đình, Xang xừ líu, Phi vân điệp khúc, Đoản khúc Lam giang, Vọng Kim Lang, Trăng thu dạ khúc, Tây thi Quảng, Kiều nương, Lạc xuân hoa, Liễu thuận nương, Vạn huê trường hận…
Tác giả có thể sáng tác lời mới tất cả các làn điệu truyền thống của nhạc Tài tử Miền Nam, đảm bảo thời lượng từ 5 phút trở lên.
+ Vọng cổ: với các loại nhịp cụ thể: Vọng cổ nhịp 4 (viết trọn 20 câu); Vọng cổ nhịp 8 (12 câu) và nhịp 16 (6 câu) và Vọng cổ nhịp 32 (3 câu).
BTC sẽ mời các chuyên gia, soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ có kinh nghiệm chuyên môn tham gia Hội đồng thẩm định góp ý, đánh giá chất lượng các tác phẩm tham gia dự Trại.
Những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật tốt sẽ được in trong Tập Tuyển chọn và phát hành rộng rãi phục vụ phong trào văn hóa - văn nghệ tại TP.HCM.
Trại sáng tác tổ chức trong 4 ngày. Từ ngày 16-18.10. : Tổ chức đưa các thành viên tham dự Trại sinh hoạt tại huyện Cần Giờ. Ngày 31.10: Sinh hoạt chuyên đề về sáng tác lời mới Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Bảo tàng TP.HCM.
BTC tiếp nhận các tác phẩm tham dự Trại: Từ ngày 15-30.11. Dự kiến tổng kết Trại sáng tác vào ngày 27.12.2024.