An Giang:

Khai giảng lớp truyền dạy nâng cao về nghệ thuật Đờn ca tài tử năm 2024

THÙY TRANG

VHO - Ngày 28.8, tại Thư viện tỉnh An Giang, Sở VHTTDL tỉnh An Giang tổ chức khai giảng Lớp truyền dạy nâng cao về nghệ thuật Đờn ca tài tử năm 2024.

Khai giảng lớp truyền dạy nâng cao về nghệ thuật Đờn ca tài tử năm 2024 - ảnh 1
Các đại biểu và học viên tại buổi khai giảng

Thông qua lớp bồi dưỡng nhằm tạo điều kiện để lực lượng nghệ nhân của tỉnh có dịp học tập, tiếp thu, trao đổi kiến thức nghệ thuật về bài bản Đờn ca tài tử.

Đồng thời, thể hiện khả năng biểu diễn đa dạng, phong phú, sáng tạo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phát triển phong trào Đờn ca tài tử của tỉnh nhà, góp phần nâng cao đời sống, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần trong nhân dân.

Tham gia lớp truyền dạy là các chuyên gia, nghệ nhân: ThS Phạm Thái Bình - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, giảng viên Trường ĐH Hùng Vương; NNND Phạm Thị Tuyết, NNƯT Phan Minh Đức - CLB Đờn ca tài tử, Trung tâm Văn hóa TP.HCM.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã hình thành và phát triển ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX dựa trên nền tảng Nhã nhạc cung đình Huế, nhạc Dân ca và dòng nhạc lễ dân gian của vùng đồng bằng Nam Bộ.

Theo thời gian, từ thể loại âm nhạc do các nho sĩ, nhạc quan cải tiến sáng tạo, Đờn ca tài tử đã nhanh chóng lan tỏa khắp 21 tỉnh, thành trong khu vực miền Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau) và trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần của đông đảo người dân ở miền Nam.

Năm 2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, qua đó đã khẳng định vị trí và tầm quan trọng của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong nền âm nhạc Việt Nam.

Khai giảng lớp truyền dạy nâng cao về nghệ thuật Đờn ca tài tử năm 2024 - ảnh 2
ThS Phạm Thái Bình - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chia sẻ tại lớp truyền dạy

Phát biểu khải giảng, ông Đào Sĩ Tuấn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phó Trưởng BTC lớp cho biết, là nơi sở hữu loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, sau 10 năm kể từ ngày được  UNESCO ghi danh, tỉnh An Giang đã có những nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị quý báu của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử này.

Trong đó, tỉnh tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, liên hoan, hội thi, hội diễn nhằm tạo sân chơi cho những người đam mê Đờn ca tài tử phát huy tài năng và tìm kiếm tài năng trẻ.

Đặc biệt, An Giang tổ chức nhiều hoạt động truyền dạy trong cộng đồng để tạo đội ngũ kế thừa; tạo môi trường cho nghệ nhân Đờn ca tài tử có điều kiện để thực hành nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản Đờn ca tài tử.

“Lớp truyền dạy nâng cao về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nhằm mục đíchgiúp cho lực lượng nghệ nhân đờn và ca của tỉnh An Giang có cơ hội trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Từ đó, đào tạo được đội ngũ nghệ nhân kế thừa.

Cùng với đó, vận dụng vào thực tiễn tổ chức sinh hoạt phong trào tại các CLB Đờn ca tài tử thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh; Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang đạt hiệu quả”, ông Đào Sĩ Tuấn bày tỏ.

Lớp truyền dạy diễn ra từ ngày 28-30.8.2024, với các chuyên đề: Lịch sử, đặc điểm, các giai đoạn phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ; Phân tích về sự tương tác của Đờn ca tài tử Nam Bộ với Cải lương Nam Bộ và hệ thống bài bản.

Đồng thời, các học viên được truyền dạy kỹ năng biên tập và dàn dựng chương trình Đờn ca tài tử, hướng dẫn tập luyện và thực hành phong cách ca ngâm và diễn xuất một số tác phẩm Đờn ca tài tử theo lối Ca ra bộ.