Sinh hoạt chuyên đề:

“Từ Đờn ca tài tử đến nghệ thuật sân khấu Cải lương”

THÙY TRANG

VHO - Ngày 1.8, Bảo tàng TP.HCM tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Từ Đờn ca tài tử đến nghệ thuật sân khấu Cải lương” với sự tham dự của các nghệ nhân, nghệ sĩ, giảng viên, du khách và sinh viên.

“Từ Đờn ca tài tử đến nghệ thuật sân khấu Cải lương” - ảnh 1
Chương trình thu hút nhiều du khách và sinh viên tham dự

Chương trình nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử và sân khấu Cải lương, đồng thời giới thiệu đến khách tham quan trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về hai loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời vào cuối thế kỷ XIX, là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc Lễ, Nhã nhạc Cung đình và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của làn điệu dân ca, gắn liền với gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ…

Trải qua thăng trầm của thời gian, Đờn ca tài tử đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ.

Năm 2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Từ Đờn ca tài tử đến nghệ thuật sân khấu Cải lương” - ảnh 2
Tiết mục biểu diễn minh họa đờn, ca của các nghệ nhân, nghệ sĩ

Nghệ thuật sân khấu Cải lương ra đời vào những thập niên đầu thế kỷ XX, là loại hình nghệ thuật được kế thừa và phát triển từ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Khi phong trào Đờn ca tài tử lan rộng khắp vùng Nam Bộ, một số ban tài tử đã mạnh dạn cho nghệ nhân đứng lên vừa ca, vừa ra điệu bộ, diễn tả tâm trạng cho phù hợp bài hát, sau gọi là ca ra bộ.

Lúc đầu chỉ có một người, sau đó phát triển thêm ca ra bộ có phân vai gọi là “hát chặp” rồi kết hợp với thoại kịch của Tây phương để trở thành Cải lương.

Nếu Đờn ca tài tử được biểu diễn trong một không gian vừa đủ, dù ban ngày hay ban đêm, mọi người cùng nhau thưởng thức tiếng đờn, lời ca giản dị, mộc mạc mà không cần đến bất kỳ sự trợ giúp của thiết bị âm thanh nào, thì Cải lương mang tính sân khấu, được trình diễn trong không gian mở, với phông màn, cảnh trí, hệ thống âm thanh, hội trường, ánh sáng, diễn viên hóa trang,… bắt mắt, thu hút sự tập trung thưởng thức của khán giả.

Đờn ca tài tử được xem là gốc rễ, thì Cải lương được ví như cái ngọn của một cây. Mặc dù có những điểm khác biệt nhưng tựu trung đây là những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, là món ăn tinh thần của người dân Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Theo chuyên gia, sự giống nhau giữa Đờn ca tài tử và Cải lương là đều sử dụng chung các điệu thức trong dòng nhạc tài tử Nam Bộ. Sự khác nhau là Đờn ca tài tử là ca nhạc thính phòng, trong khi Cải lương là nghệ thuật sân khấu.

Ca tài tử đờn vô trước, ca vô sau. Cải lương ca vô trước. Bài bản tài tử Nam Bộ thường ca trọn bài, còn Cải lương sử dụng từng đoạn cần thiết, có khi sử dụng giữa bản nhạc hoặc những câu cuối bản nhạc cho phù hợp kịch tính và tính cách nhân vật.

Dù trải qua không ít thăng trầm nhưng Ðờn ca tài tử và Cải lương vẫn bền bỉ chảy trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ.

“Từ Đờn ca tài tử đến nghệ thuật sân khấu Cải lương” - ảnh 3
TS Lê Hồng Phước chia sẻ về chương trình

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, du khách và sinh viên đã được nghe TS Lê Hồng Phước, Trưởng khoa Ngữ văn Pháp - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trình bày về sự hình thành và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử, nghệ thuật sân khấu Cải lương kết hợp với các tiết mục biểu diễn minh họa đờn, ca của các nghệ nhân, nghệ sĩ.

Qua chương trình, giúp thế hệ trẻ hiểu về đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân Nam Bộ và thêm yêu các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc.