Bảo tàng TP.HCM tổ chức chuyên đề “Thư pháp Việt - Tâm hồn Việt” cho sinh viên và du khách
VHO - Ngày 10.5, Bảo tàng TP.HCM tổ chức chương trình sinh hoạt chuyên đề “Thư pháp Việt - Tâm hồn Việt”, thu hút đông đảo sinh viên và du khách tham dự, trải nghiệm. Chuyên đề là một trong chuỗi hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5.2024.
Bà Kiều Đào Phương Vi, Trưởng phòng Giáo dục truyền thông và Quan hệ công chúng, Bảo tàng TP.HCM chia sẻ, thư pháp là một bộ môn nghệ thuật đã có lịch sử hình thành lâu đời và gắn bó mật thiết, gần gũi của người dân. Ngày xưa, ông bà ta có câu nói nổi tiếng “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”, trong đó nhấn mạnh thú chơi chữ thư pháp đứng hàng đầu.
Thông qua nghệ thuật thư pháp giúp cho người chơi hiểu thêm về những cái hay, cái đẹp của từng con chữ; qua đó rèn tính, dưỡng tâm và hướng đến sự cân bằng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, thư pháp còn là một môn nghệ thuật để thể hiện tâm tư, tình cảm của con người, chứa đựng giá trị truyền thống dân tộc, mang tính giáo dục về đạo đức, nhân sinh quan trong cuộc sống…
“Trong những năm gần đây, hoạt động thư pháp diễn ra ngày càng thường xuyên với việc tổ chức các phố ông Đồ, phố cho chữ… trong những ngày lễ, Tết và các sự kiện văn hóa, thu hút nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm.
Với đặc thù của Bảo tàng TP.HCM, cũng như nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”, Bảo tàng TP.HCM tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhằm tạo điều kiện cho sinh viên và du khách có thêm những hiểu biết, trải nghiệm các giá trị của bộ môn nghệ thuật thư pháp, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị chữ Việt, văn hóa Việt trong thời hiện đại”, bà Kiều Đào Phương Vi chia sẻ.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, du khách và sinh viên được tham quan phòng trưng bày Văn hóa Sài Gòn – TP.HCM vừa được Bảo tàng đưa vào phục vụ khách tham quan từ tháng 2 năm 2024.
Sau đó, du khách và sinh viên nghe những chia sẻ của giảng viên Nguyễn Hiếu Tín - Trưởng bộ môn Du lịch, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng về nguồn gốc, giá trị của thư pháp chữ Việt; khái quát về nguồn gốc của thư pháp, sơ lược thư pháp Đông - Tây, thư pháp Việt từ truyền thống đến hiện đại và thư pháp chữ Việt trong đời sống đương đại…
Tham dự chương trình có đông đảo sinh viên đến từ khoa Di sản văn hóa, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Giảng viên Phạm Lan Hương, khoa Di sản văn hóa, chia sẻ, “Thông qua sinh hoạt chuyên đề, sinh viên có thể tiếp cận cụ thể hơn các hoạt động liên quan đến giáo dục, các chương trình dành cho công chúng của bảo tàng, từ đó thấy rằng công tác bảo tàng rất đa dạng chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động trưng bày…
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Bảo tàng học cũng sẽ biết cách tổ chức các hoạt động tại bảo tàng; sinh viên chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch (ngành Quản lý văn hóa) được nhận diện rõ hơn các giá trị văn hóa, việc bảo vệ di sản văn hóa như thế nào, đồng thời trên cơ sở đó khai thác di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay...".
Cũng trong chương trình, sinh viên đã tham gia trải nghiệm viết thư pháp và trình bày, giới thiệu ý nghĩa các chữ Việt trong tác phẩm thư pháp của mình.