Bảo tàng TP.HCM kỷ niệm 45 năm thành lập và khai mạc trưng bày chuyên đề gốm
VHO - Hôm nay 10.8, Bảo tàng TP.HCM đã tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập (1978 - 2023) và khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận - Nét đặc trưng văn hóa Nam Bộ". Đến dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; các lão thành cách mạng; đại diện các sở, ngành; lãnh đạo các bảo tàng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành bạn.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và Đại tướng Lê Hồng Anh thay mặt Bảo tàng TP.HCM khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp hiện vật cho Bảo tàng trong thời gian qua
Bảo tàng TP.HCM tiền thân là Nhà Bảo tàng Cách mạng TP.HCM. Năm 1999, Bao tàng được chính thức mang tên Bảo tàng TP.HCM. Trong những năm qua, với vai trò là "bảo tàng khảo cứu địa phương”. Bảo tàng TP.HCM đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu và giáo dục khoa học, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua các hoạt động sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày, tuyên truyền nhằm giới thiệu những tài liệu, hiện vật, tư liệu, hình ảnh về lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Bảo tàng TP.HCM đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu đến công chúng về truyền thống cách mạng, lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất và hết sức hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố.
Phát biểu ôn lại quá trình hình thành và phát triển Bảo tàng, bà Đoàn Thị Trang, Phó Giám đốc Bảo tàng TP.HCM chia sẻ thêm, sau ngày 30.4.1975, ngay từ những ngày đầu tiếp quan Thành phố, Ủy ban Quân quân Sài Gòn - Gia Định đã quyết định sử dụng tòa nhà trước đó là Trụ sở Tối cao Pháp viện chính quyền Sài Gòn làm nơi sinh hoạt văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và triển lãm các chuyên để thời sự phục vụ nhân dân Thành phố cũng như khách tham quan.
Từ năm 1978, với vai trò là một bảo tàng, trong suốt 45 năm qua, Bảo tàng TP.HCM đã không ngừng phát triển về quy mô cũng như phạm vi hoạt động mang tính tổng hợp về tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người của Thành phố gắn liền với lịch sử và văn hóa của đất nước. Vì vậy, song song với việc chỉnh lý, thay đổi nội dung trưng bày, Bảo tàng tập trung đầu tư cho việc sưu tầm, đặc biệt là những hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, minh chứng cho sự hình thành và phát triển của Thành phố nhằm bổ sung nội dung trưng bày, phục vụ công tác nghiên cứu và các hoạt động khác của Bảo tàng gắn với đặc thủ của TP.HCM cũng như phản ánh những vấn đề lịch sử đương đại.
Phó Giám đốc Bảo tàng TP.HCM Đoàn Thị Trang tiếp nhận hiện vật
Từ vài ngàn hiện vật ban đầu, đến nay Bảo tàng đã sưu tầm lưu giữ gần 400.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có gần 83.000 hiện vật gốc, nghiên cứu và hình thành trên 113 bộ sưu tập hiện vật, trong đó có 20 bộ sưu tập hiện vật quý được đánh giá cao về giá trị văn hóa lịch sử, khoa học, kinh tế.
Trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, Bảo tàng TP.HCM đã tiếp nhận trên 1.000 hiện vật, tư liệu của các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu và các cá nhân khác trao tặng.
Dịp này, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Bình Dương tổ chức trưng bày chuyên đề “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận - Nét đặc trưng văn hóa Nam Bộ". Chuyên đề trưng bày hơn 50 hình ảnh và gần 200 hiện vật đặc sắc nhằm giới thiệu về nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, giá trị di sản của bộ sưu tập gốm Sài Gòn và vùng phụ cận như: Gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gồm Pháp do Sài Gòn đặt hàng...
“Thông qua trưng bày, hai bảo tàng mong muốn giới thiệu đến công chúng về bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao; đồng thời, góp phần làm rõ thêm các giai đoạn hình thành và phát triển của nghề làm gốm nói riêng và nghề thủ công truyền thống nói chung của Sài Gòn và vùng đất Nam Bộ”, bà Trang nhấn mạnh.
Trưng bày mở cửa đón tiếp khách tham quan từ ngày 10.8.2023.
Các đại biểu xem trưng bày “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận - Nét đặc trưng văn hóa Nam Bộ" sau lễ khai mạc
Phó Giám đốc Bảo tàng TP.HCM cho biết thêm, trong thời gian sắp tới, Bảo tàng tiếp tục đầu tư, đổi mới trong các mặt hoạt động, bổ sung trưng bày những vấn đề lịch sử văn hóa liên quan đến vùng đất Nam Bộ, sự đổi mới và phát triển về kinh tế - xã hội gắn với đặc thù của TP.HCM cũng như những vấn đề của cuộc sống dương đại. Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ trong Bảo tàng; tổ chức các chương trình giao lưu, sinh hoạt chuyên đề, biểu diễn nghệ thuật... “Một vấn đề rất quan trọng là tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc và phong cách phục vụ để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan và yêu cầu phát triển bền vững của Bảo tàng trong tương lai.
Biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử tại Lễ kỷ niệm
Tại lễ kỷ niệm, Bảo tàng TP.HCM đã tiếp nhận nhiều hiện vật quý từ các tổ chức, cá nhân trao tặng; khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp cho sự phát triển Bảo tàng thời gian qua.
THÙY TRANG