Lần đầu tiên triển lãm tranh kết hợp làng nghề thủ công truyền thống
VHO - Trong tháng 2.2024 này, tại Bảo tàng TP.HCM thực hiện “Triển lãm thủ công Làng nghề truyền thống kết hợp nghệ thuật hội họa đương đại”. Đây được xem là sự kiện văn hoá nghệ thuật đậm chất sáng tạo mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị về sự độc đáo trong mỹ thuật. Hoạt động do Ban Giám đốc Bảo tàng TP.HCM và gia đình họa sĩ Xèo Chu khởi xướng.
Tranh kết hợp với làng nghề những trải nghiệm thú vị cho khách thưởng lãm
Thông qua các tác phẩm được trưng bày trong buổi triển lãm, BTC mong muốn tạo nên sự kết nối giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, góp phần giữ gìn những nét đẹp và tinh hoa văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá những hình ảnh đẹp, nền văn hóa mang đậm dấu ấn dân tộc đến cộng đồng trong nước và quốc tế.
Tại triển lãm, sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại được thể hiện rõ nét thông qua Bộ sưu tập “Tranh hoa lê và hoa hồng quanh vườn của mẹ” do hoạ sĩ Xèo Chu sáng tác trong hai năm 2022 và năm 2023.
Trong triển lãm lần này, Xèo Chu vinh dự được kết hợp cùng các nghệ nhân của 5 làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam từ Bắc vào Nam: Nghề khảm trai, thêu, lụa, sơn mài, nghề làm tranh Đông Hồ.
Không gian trưng bày làng nghề lụa
Bộ sưu tập sản phẩm thủ công được kết hợp trên ý tưởng bộ tranh Xèo Chu lên những tác phẩm của các nghệ nhân rất tỉ mỉ và công phu. Tất cả được sản xuất với số lượng độc bản hoặc giới hạn.
Những chiếc hộp mang hồn Việt với đôi tay khéo léo của nghệ nhân sơn mài cẩn trứng, dán vàng, thết bạc công phu hoặc những chiếc khăn thêu tay độc đáo trên nền vải tơ tằm của làng Nha Xá hay trên mảnh vải dệt tơ sống của người Hmông, Bắc Giang… Đó là sự kết hợp sáng tạo mới giữa truyền thống và hiện đại mà Xèo Chu và các nghệ nhân đã và đang thực hiện ước mơ và được sống với đam mê của mình.
Các nghệ nhân thực hiện công đoạn tạo ra những tác phẩm làng nghề độc đáo
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, văn hóa truyền thống Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là sự giao thoa, tiếp biến với các nền văn hóa khác. Các họa sĩ Việt Nam đã không ngừng tìm kiếm những cách thể hiện mới, đáp ứng được thị hiếu thời hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp và tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống. Những tác phẩm trong triển lãm lần này của Xèo Chu chính là ngọn đuốc tiên phong cho sự kết hợp giữa hai dòng chảy văn hóa.
Làng nghề làm tranh Đông Hồ
Những tác phẩm của Xèo Chu được trưng bày trong buổi triển lãm không đơn thuần là tranh mà còn là cửa sổ kết nối người xem đến văn hóa của từng vùng miền của đất nước. Qua từng nét vẽ, mỗi bức tranh là một câu chuyện, một bản hòa nhạc màu sắc độc đáo, chinh phục trái tim của người xem, đặc biệt là những người chưa từng biết đến vẻ đẹp của Việt Nam.
Làng nghề thêu với những sản phẩm vô cùng tỉ mỉ, tinh tế
Triển lãm mở cửa cho các thế hệ trẻ tiếp cận gần hơn với những giá trị văn hóa và nghệ thuật truyền thống của đất nước. Thông qua tác phẩm nghệ thuật, Xèo Chu mong muốn các thế hệ trẻ có thể hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và tâm hồn dân tộc. Điều này không chỉ làm giàu kiến thức mà còn tạo nên sự tự hào và nhận thức về bản sắc quê hương.
Điểm nhấn của triển lãm lần này là 2 phân khu, khu làng nghề truyền thống tại khu vực sảnh chính Bảo tàng TP.HCM (65 Lý Tự Trọng, Quận 1) và khu vực triển lãm đương đại hoạ sĩ Xèo Chu tại Nhà Trưng bày triển lãm Thành phố (92 Lê Thánh Tôn, Quận 1).
Triển lãm mở cửa đón tiếp công chúng đến ngày 29.2.2024, hứa hẹn là một điểm du xuân thú vị cho người dân và du khách vào dịp Tết.
T.TRANG